“Màu của hy vọng”: Khát vọng của một nghị lực sống mãnh liệt

Hiếm có cuộc giao lưu nào lại hoành tráng và ắp đầy sự cảm động như buổi ra mắt cuốn tự truyện “Màu của hy vọng” của tác giả Đỗ Hà Cừ

Với hơn 2.800 học sinh của Trường THCS và THPT Lômônôxốp ở Hà Nội, sáng 5/8/2024 là điểm khởi đầu cho một năm học mới đầy hứng khởi, đồng thời được gặp gỡ một gương mặt đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống và vừa ra mắt cuốn tự truyện “Màu của hy vọng” cùng một số bạn trẻ là người khuyết tật bấy lâu đam mê lan tỏa văn hóa đọc.

Cuốn tự truyện của Đỗ Hà Cừ là một sự sẻ chia với cộng đồng và những người khuyết tật. 
Cuốn tự truyện của Đỗ Hà Cừ là một sự sẻ chia với cộng đồng và những người khuyết tật. 

Còn với Đỗ Hà Cừ - thời khắc đó thực tuyệt vời, đầy xúc động, vì đây là lần đầu chàng trai trẻ này được dự lễ chào cờ tại một ngôi trường rộng lớn, khang trang. Trong vóc dáng của một “thiếu niên trưởng thành”, nửa nằm nửa ngồi trên xe lăn, khó ai ngỡ Hà Cừ vừa tròn tuổi 40, chưa một ngày có cơ hội tới lớp, nhưng đã viết được sách và còn làm được nhiều việc hơn thế…

Theo ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp: “Hàng năm, trường thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, xây dựng tủ sách ở lớp học, sân khấu hóa tác phẩm văn học. Buổi giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ hôm nay cũng nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Câu chuyện về sự vươn lên mạnh mẽ của tác giả - một nạn nhân của chất độc da cam, sẽ truyền cảm hứng để học sinh nỗ lực học tập, rèn luyện trong năm học mới".

Rất đông học sinh Trường THCS và THPT Lômônôxốp tham dự buổi giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 
Rất đông học sinh Trường THCS và THPT Lômônôxốp tham dự buổi giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 

Đỗ Hà Cừ sinh ngày 30/4/1984 tại Thái Bình, ra đời chỉ nặng 2kg, nhưng mang một màu “vàng da sinh lý”. Lúc 4 - 5 tháng tuổi, Cừ cũng trắng trẻo, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, chỉ không biết lẫy, đặt đâu nằm đó, chân tay quờ quạng vu vơ, rồi khi ai động đến thì gồng người lên. Trước sự bất thường đó, gia đình Hà Cừ đã tất tả ruổi rong tứ phương, về cả Hà Nội chữa trị dài lâu, hết Tây y lại Đông y, nhưng hết thảy không có kết quả khả quan. Cuộc sống của gia đình Hà Cừ luôn phải đối mặt với nhiều gian nan và vất vả nhất là người mẹ - bà Nguyễn Kim Sơn.

Tới mãi sau này, những người thân trong gia đình mới biết nguyên nhân Hà Cừ phải ẩn mình trong một hình hài còng queo như thế là bởi ảnh hưởng từ di chứng của chất độc da cam mà bố của Cừ phải gánh chịu khi chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị - nơi quân đội Mỹ thả xuống đây một khối lượng chất độc dioxin khổng lồ.

Khi biết được điều này, vốn là người có tính hài hước, Hà Cử đã tự họa chân dung mình qua những vần thơ:

Trời đất sinh ra ta thế này

Không thừa không thiếu đủ chân tay

Trời đất sinh ra tất có ích

Chỉ chưa tìm thấy nhiều cái hay

Trời đất thách đố ta như vậy

Ta sẽ tìm ra cho biết tay.

Chân dung đó cho thấy một Đỗ Hà Cừ với số phận đượm buồn: Đủ chân tay, nhưng toàn bộ sinh hoạt cá nhân - như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… của chàng trai này đều cần tới sự trợ giúp của người khác. Và suốt 40 năm qua, “người khác” đó là những người ruột thịt, hàng xóm láng giềng, bạn bè… của Đỗ Hà Cừ.

Trong phần giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 
Trong phần giao lưu với tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 

“Màu của hy vọng” được kể theo tuyến thời gian - từ lúc bố mẹ Đỗ Hà Cừ yêu nhau, lấy nhau, sinh con, cho tới lúc phát hiện ra con mình không bình thường, bắt đầu hành trình gia đình đưa Cừ đi chữa trị khắp nơi, với những đớn đau dai dẳng trên cơ thể người con và trong trái tim người mẹ.

Sau nhiều tháng năm dài dẵng nằm viện, tuyệt vọng là điều không tránh khỏi với một người cảm thấy bất lực với cơ thể không thể tự điều khiển được của mình. Có lúc Hà Cừ đã nghĩ tới chuyện tự tử. Nhưng rồi, Cừ đã tiếp tục sống với khát vọng được học hành, được đi thật xa, và người đã chắp cánh ước mơ chính là người mẹ, với việc ban đầu là thuê truyện tranh về đọc, sau là dạy chữ, ghép vần. Nhờ đó, Cừ có nhiều sách để đọc, có xe lăn để đi, có máy tính để làm thơ và vào facebook, zalo, lập trang cá nhân, trò chuyện với bạn bè khắp nơi.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - GĐ/TBT NXB Phụ nữ Việt Nam - tặng sách cho Trường THCS và THPT Lômônôxốp. Ảnh: L.Q.V
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - GĐ/TBT NXB Phụ nữ Việt Nam - tặng sách cho Trường THCS và THPT Lômônôxốp. Ảnh: L.Q.V

Được lên không gian mạng “nhìn ngắm” thế giới, Cừ bắt đầu viết lên những ước nguyện của mình. Hà Cừ ước được đi xem đá bóng, có người đưa xe về mời gia đình Cừ đi xem thi đấu bóng đá. Ước có thật nhiều sách để tự đọc, tự học, đã có người tới giúp Cừ một tủ sách gần 3.000 cuốn cho cộng đồng mượn miễn phí. Tiếp đó, Cừ ước lập tủ sách cho những người khuyết tật khác cũng có một việc để làm, để thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý lần lượt được lan tỏa, hình thành ở một số nơi tại tỉnh Thái Bình và nhiều địa phương khác, nhờ những lời kêu gọi của Cừ trên không gian mạng.

Về việc viết tự truyện “Màu của hy vọng”, Đỗ Hà Cừ đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Nếu có bạn nào hỏi Đỗ Hà Cừ viết cuốn “Màu của hy vọng” làm gì, thì mình sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: Mình viết cuốn tự truyện này để nhìn lại quãng đời mình đã cố gắng từ một người khuyết tật vận động đặc biệt nặng, tưởng chừng như là một con người đứng ngoài lề của xã hội và gia đình. Nhưng mình đã không ngừng cố gắng học tập và lao động để đạt được những thành tựu được xã hội ít nhiều ng nhận.

Tất nhiên là những thành tựu đó đối với những người khỏe mạnh bình thường thì không là gì cả, nhưng đối với một người khuyết tật nặng như mình đã là một sự cố gắng vô cùng lớn, một kỳ tích với mình.

Ngày trước, có những lúc mình cảm thấy vô cùng tuyệt vọng đến mức muốn rời bỏ thế giới này, nhưng nhờ sự yêu thương của gia đình và những tấm lòng hảo tâm trong xã hội mà mình vẫn tiếp tục có lý do để tồn tại. Cho đến khi tìm thấy mục tiêu của cuộc đời mình là gì, để mình có thể thực sự sống, chứ không phải chỉ tồn tại một cách vô nghĩa.

Hai mẹ con tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V
Hai mẹ con tác giả Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V

Bây giờ, mình cảm thấy yêu quý cuộc đời này hơn bao giờ hết. Trân trọng từng phút giây mình được sống, được dâng hiến. Biết ơn những đấng sinh thành đã cho mình hiện diện trên cuộc đời này để được nhân ái và chan hòa với những hoàn cảnh kém may mắn như mình.

Mình muốn được viết ra những gì mình đã từng trải qua, những khổ cực cũng như những vinh quang được xã hội ng nhận, để có thể nhìn lại cuộc đời 40 năm của mình, để có thể tiếp tục sống, cố gắng học tập, lao động tốt hơn từng ngày…”.

“Màu của hy vọng” được viết trong hơn 5 năm, qua rất nhiều lần sửa chữa từ sự góp ý của bạn bè, các nhà báo, nhà văn, nhưng vẫn giữ được giọng kể riêng của tác giả. Đây là ấn phẩm liên kết với NXB Phụ nữ Việt Nam và tác giả phát hành trên trang facebook cá nhân (https://www.facebook.com/dohacu1984) với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1.000 cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý của Câu lạc bộ Không gian đọc Hy vọng.

Đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam tặng sách cho em Trần Vũ Long - chủ trì Không gian đọc Vũ Long (Hải Dương), được hình thành từ ý tưởng của Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 
Đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam tặng sách cho em Trần Vũ Long - chủ trì Không gian đọc Vũ Long (Hải Dương), được hình thành từ ý tưởng của Đỗ Hà Cừ. Ảnh: L.Q.V 

Chia sẻ về tâm nguyện nhân văn này, Hà Cừ cho hay: “Tiền đối với mình rất đáng quý, nhất là cần có một khoản để dành cho những lúc ốm đau. Nhưng mình nghĩ rằng, đời người dù ta có cuộc sống ngắn hay dài không quan trọng, quan trọng là một con người đến với thế giới này, đến khi rời bỏ thế giới này thì đã để lại cho cuộc đời này cái gì mà thôi.

Đỗ Hà Cừ không phải là một người tài giỏi, một vĩ nhân để có thể để lại cho đời những điều lớn lao. Thậm chí cũng không sinh hoạt được như những người bình thường khỏe mạnh khác. Thứ mà Hà Cừ có thể làm được là xây dựng những tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý. Góp phần cho những trẻ em vùng nông thôn nghèo có thêm những cuốn sách để đọc và học tập, góp một phần nhỏ bé vào ng việc khuyến đọc, khuyến học, giúp nâng cao trí thức cộng đồng và hình thành một thế hệ trẻ trí thức. Đồng thời, giúp cho những người khuyết tật quản lý tủ sách được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài để họ có thể tự tin hơn trong cuộc sống.

Tự tin hơn có nghĩa là có thể làm được nhiều việc mà những lúc mình không tự tin những điều đó là không thể. Đó là những suy nghĩ mà Hà Cừ luôn cố gắng theo đuổi gần 10 năm nay, kể từ khi Không gian đọc Hy Vọng ra đời vào ngày 24/7/2015”.

Tác giả Đỗ Hà Cừ với nụ cười sảng khoái bởi có cơ hội tham dự cuộc giao lưu với học sinh Thủ đô đầy cảm động. Ảnh: L.Q.V
Tác giả Đỗ Hà Cừ với nụ cười sảng khoái bởi có cơ hội tham dự cuộc giao lưu với học sinh Thủ đô đầy cảm động. Ảnh: L.Q.V

Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, Đỗ Hà Cừ đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “Đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2020”.

- Bằng khen “Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình: Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020” của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- Giải thưởng “Tình nguyện quốc gia năm 2019” của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì “Đã có thành tích trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2018”.

- Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc năm 2019” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vì “Đã có thành tích xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động Ngày sách Việt Nam (giai đoạn 2014 - 2018).

- Chứng nhận “Không gian đọc Hy vọng đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2018” của Trung tâm Tình nguyện quốc gia Việt Nam.

Lê Quang Vinh

Cô gái xương thủy tinh và nghị lực sống phi thường, mở lớp học miễn phí cho học trò nghèo

Cô gái xương thủy tinh và nghị lực sống phi thường, mở lớp học miễn phí cho học trò nghèo

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm ngồi xe lăn tận tình chỉ dạy cho học sinh đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 8.