Microsoft mua Activision Blizzard có ý nghĩa gì với Sony?

Microsoft đã gây chấn động cả thế giới khi công bố mình sẽ mua lại Activision Blizzard với giá 68.7 tỉ USD. Dù Microsoft đã trước đó xách tiền tỉ đi mua hãng game, không ai có thể ngờ được bước đi này.

Đây là thương vụ đắt giá nhất lịch sử ngành công nghiệp game, vượt xa các phi vụ cũ như Tencent mua Supercell (8.6 tỉ USD) hay Microsoft mua Bethesda (7.5 tỉ USD). Với phi vụ này, Xbox đã sở hữu một danh sách các thương hiệu game ăn tiền khủng khiếp mà không có bất kỳ một hệ máy nào khác có thể so sánh được. Vậy thì điều này sẽ ảnh hưởng gì đến Sony và game thủ PlayStation?

xbox-2048x857.jpg

Liệu game của Activision Blizzard có lên PlayStation?

Câu trả lời là có và không. Các game của Activision Blizzard lâu nay luôn là game đa nền, dù một số ít có các tính năng độc quyền (chẳng hạn COD Modern Warfare có chế độ chơi độc quyền cho PS4 1 năm). Nhưng khi Microsoft nắm Activision Blizzard và tất cả các thương hiệu mà nó có trong tay, điều này chắc chắn sẽ thay đổi.

Không cần nhìn đi đâu xa, hãy nhìn lại phi vụ mua Bethesda mà Microsoft thực hiện hồi năm 2020. Ông Phil Spencer nói rằng dù Bethesda sẽ vẫn thực hiện các hợp đồng mà họ ký với Sony trước đó (chẳng hạn GhostWire Tokyo, Deathloop), họ sẽ xem xét việc đưa các tựa game sau của Bethesda lên PlayStation.

Kết quả của việc xem xét thế nào thì chúng ta đã rõ: The Elder Scrolls 6 sẽ không ra mắt trên PlayStation, khiến các hệ máy của Sony mất đi một tựa game hấp dẫn.

tes-6.jpg

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng mất các game hot của Activision Blizzard thì Sony vẫn có các tựa game cực hấp dẫn ra mắt đều đều hàng năm, nhưng thực sự thì nhiều series của Activision Blizzard là những con gà đẻ trứng vàng, dù không giành giải GOTY nhưng lại thúc đẩy doanh số bán của tất cả các hệ máy chúng “hạ cánh”.

Lấy ví dụ COD Vanguard: 70% doanh số bán đĩa Call of Duty: Vanguard là trên PlayStation (không tính bản tải về). 30% số tiền này rơi vào túi Sony, phần còn lại vào tay Activision Blizzard và Microsoft.

Tuy nhiên Microsoft có quá nhiều tiền và hoàn toàn có thể chấp nhận mất đi một phần doanh thu từ game thủ PlayStation để kiếm lời từ Game Pass. Sony lại không có được vị thế như vậy – mảng game và hình thức kinh doanh bán game truyền thống vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất của Sony, chiếm gần 1/2 tổng doanh số của hãng và vượt xa âm nhạc, phim ảnh hay thiết bị điện tử.

call-of-duty-vanguard-1-1.jpg

Hiện tại, Microsoft nói rằng họ sẽ vẫn phát hành các tựa game của Activision Blizzard trên PlayStation và chỉ “giữ một số nội dung độc quyền cho Xbox”. Các phiên bản Call of Duty trong tương lai gần – có thể là Modern Warfare 2 ra mắt trong năm nay và phiên bản Call of Duty 2023 chưa có tên – sẽ vẫn có mặt trên hệ máy của PlayStation.

Tuy nhiên khả năng rất cao là Microsoft sẽ ra tay chặn một số thương hiệu lớn của Activision Blizzard khỏi PlayStation trong tương lai.

Điều này ảnh hưởng gì đến Sony?

game-pass.jpg

Ngay sau khi Microsoft công bố thương vụ gần 70 tỉ USD để mua lại Activision Blizzard, đối thủ cũ của họ trên chiến trường game là Sony đã bị giáng một đòn mạnh. Giá cổ phiếu của công ty Nhật Bản này đã sụt giảm gần 13%, khiến cho giá trị thị trường của họ “bay hơi” gần 20 tỉ USD chỉ trong 24 giờ đồng hồ kể từ khi thông tin này được công bố vào đêm 18/1/2022.

Về phần mình, người phát ngôn của Sony chỉ có thể nói rằng họ “hi vọng Microsoft tiếp tục để cho game Activision Blizzard đa hệ”.

Chỉ mới vài giờ trước khi bài viết này được đăng tải, sếp mảng game của Microsoft là ông Phil Spencer mới có thông điệp đáp lại lời đề nghị của Sony. Ông nói rằng mình đã trao đổi với các lãnh đạo Sony và Microsoft sẽ tôn trọng các hợp đồng cũ, đồng thời xác nhận mình có dự tính tiếp tục giữ Call of Duty trên PlayStation. “Sony là một phần quan trọng của ngành công nghiệp game, và chúng tôi trân trọng mối quan hệ của mình.”

Nhưng dù Call of Duty còn ở lại trên PlayStation thì đây cũng vẫn là một thử thách lớn cho Sony, bởi với Activision Blizzard trong tay, Microsoft sẽ tiếp tục làm cho dịch vụ Game Pass của mình càng trở nên hấp dẫn hơn nữa, thu hút người chơi rời khỏi hình thức mua máy, mua game truyền thống.

Hiện tại, Xbox Game Pass và PC Game Pass vốn đã là những dịch vụ khó có thể chối từ khi game thủ chỉ cần bỏ ra 50 USD để chơi hàng trăm game, trong đó các game do Microsoft phát hành đều có mặt ngay ngày đầu tiên.

Khi Activision Blizzard chính thức về tay Microsoft, chúng ta có thể tin chắc rằng những Call of Duty, Diablo, Warcraft,… đều sẽ trở thành một phần của Game Pass.

untitled-1-8.jpg

Và điều này sẽ khiến cho phương thức kinh doanh truyền thống của Sony gặp khó khăn. Ông lớn Nhật Bản vẫn còn đi theo hướng bán máy console và game, dù trong thời gian gần đây họ đã có nhiều động thái chuyển hình chẳng hạn “o bế” các dịch vụ PlayStation Now, PlayStation Plus, đưa game độc quyền lên PC,… Giữa việc chi ra vài chục đến vài trăm USD để được chơi vài tựa game từ Activision Blizzard với chỉ 10-15 USD để chơi “xả láng”, sẽ có không ít game thủ cân nhắc việc đến với Microsoft. Dù Sony vẫn có rất nhiều game độc quyền hấp dẫn, làm gì có ai lại ngại game trên hệ máy mình lựa chọn quá nhiều?

Tóm lại, số phận của các thương hiệu game mà Activision Blizzard sở hữu trên nền tảng của Sony đang “ngàn cân treo sợi tóc”, và sẽ được quyết định khi phi vụ mua sắm lịch sử của Microsoft chính thức hoàn thành.

Dù game thủ PlayStation có thể đem lại doanh thu to lớn cho Microsoft, họ có quá nhiều tiền nên hoàn toàn có thể chịu thiệt một thời gian ngắn để biến Game Pass thành kẻ thống trị thị trường game và hướng tới metaverse.

LAN ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương