Một thập kỷ sau Fukushima, đã đến lúc Đông Nam Á phải chôn vùi giấc mơ hạt nhân

Tại sao các quốc gia Đông Nam Á không đi tắt đón đầu về năng lượng hạt nhân? Đơn giản là vì chúng nguy hiểm và đắt tiền.

Thỉnh thoảng, một cuộc tranh luận lại nổ ra xoay quanh việc, liệu điện hạt nhân có đóng một vai trò nào đó trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á hay không. Và khi Nhật Bản đánh dấu một thập kỷ kể từ thảm họa Fukushima, khu vực này cần phải xem xét lại công nghệ đó là gì: một sự đầu tư nguy hiểm và tốn kém.

Năng lượng hạt nhân có phải là giải pháp an toàn?

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao các nhà máy điện hạt nhân lại hấp dẫn. Và câu trả lời là, vì chúng có thể chạy suốt ngày đêm, không bị gián đoạn bởi các yếu tố bất ổn của tự nhiên và tạo ra nguồn điện ổn định, có thể thay thế trực tiếp than gây ô nhiễm. Nếu xét về mặt lý thuyết như trên thì rõ ràng, nhà máy điện hạt nhân hơn hẳn các tuabin gió và những tấm pin mặt trời.

Không chỉ vậy, lĩnh vực hạt nhân còn lan truyền một "huyền thoại" rằng, năng lượng hạt nhân là chía khóa để khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu. Vì chúng sạch, đáng tin cậy và hiệu quả về chi phí.

Nhưng thực tế thì sao? Những chỉ số về mặt kinh tế từ lâu đã chống lại luận điểm này, khi các quốc gia xây dựng các lò phản ứng ngày càng lớn và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, các dự án đã chậm tiến độ nhiều năm, dẫn đến vượt quá ngân sách và khiến công nghệ không thể cạnh tranh.

nha-may-dien-hat-nhan.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Power-technology.com

Mặc dù những lò phản ứng hạt nhân này không hoạt động nhưng chi phí tiêu tốn cho nó có thể lên tới hàng tỷ USD. Và một khi các nhà máy điện bị phá bỏ, chính những người đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại nặng.

Thêm vào đó là việc lưu trữ chất thải hạt nhân đắt đỏ. Sự thật là, ngành công nghiệp này vẫn chưa đưa ra giải pháp hiệu quả nào, để xử lý vĩnh viễn các chất phóng xạ. Một số chất vẫn còn nguy hiểm sau hàng chục nghìn năm.

Cho đến khi các phương án khả thi xuất hiện, chất thải hạt nhân thường được lưu giữ tại chỗ, được bảo vệ và đảm bảo ngay cả sau khi các nhà máy ngừng hoạt động. Điều này làm tăng chi phí hơn nữa.

Nhiều phương án được đề xuất như bắn nó vào không gian hoặc vứt nó trên những hòn đảo biệt lập... Đủ loại ý tưởng lố bịch để xử lý chất thải phóng xạ nhưng hầu hết đều bị bác bỏ, vì không thực tế, vô trách nhiệm hoặc quá tốn kém.

Cũng không có phương pháp nào đáng tin cậy để cảnh báo các thế hệ tương lai, về sự tồn tại của các bãi chất thải hạt nhân. Cũng giống như nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh, các chất phóng xạ của năng lượng hạt nhân đặt ra các mối đe dọa trong một khoảng thời gian vượt xa tầm hiểu biết của con người.

nha-may-dien-hat-nhan-trung-quoc.jpg
Bên trong nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc.

Để đối phó với những khó khăn kinh tế, các kỹ sư hạt nhân đã tập trung phát triển các lò phản ứng mô-đun. Chúng rẻ hơn, có thiết kế đơn giản hơn và quy trình xây dựng hợp lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia năng lượng coi những tham vọng này chỉ là một giấc mơ viển vông.

Hạt nhân sẽ không góp phần giải quyết biến đổi khí hậu

Bất chấp những lời tán thưởng về năng lượng hạt nhân, một báo cáo công nghiệp năm 2019 kết luận rằng, hạt nhân sẽ không đóng góp đáng kể nào vào việc giải quyết biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tiền đổ vào các dự án hạt nhân đang làm chuyển hướng nguồn lực khỏi những cách tốt hơn để cắt giảm khí thải.

Nghiên cứu có tiêu đề "Báo cáo Tình trạng Công nghiệp Hạt nhân thế giới" cho thấy rằng, tiền mặt "bơm" vào hiệu suất năng lượng cắt giảm được lượng carbon nhiều gấp bốn lần so với số tiền chi cho năng lượng hạt nhân. Năng lượng gió cắt giảm nhiều gấp 3 lần và năng lượng mặt trời cắt giảm gấp đôi.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tính đến năm 2020, chi phí sản xuất điện mặt trời quy mô tiện ích mới là 30-60 USD/MWh ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Thấp nhất là 20-40 USD/MWh ở Trung Quốc và Ấn Độ. Khi chi phí năng lượng tái tạo tiếp tục giảm, năng lượng hạt nhân chắc chắn sẽ trở thành dư thừa.

Một báo cáo năm 2020 của nhóm nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy, hầu hết các thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ chứng kiến ​​mức chi phí bình quân của điện (LCOE) cho năng lượng mặt trời và gió giảm xuống dưới mức than trong thập kỷ này. Thái Lan và Việt Nam dự kiến ​​sẽ có mức chi phí năng lượng sạch thấp hơn so với than vào đầu năm nay.

nha-may-dien-hat-nhan-my.jpg
Một nhà máy điện hạt nhân ở bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: AFP

Trong khi đó, tại các quốc gia như Đức và Đan Mạch, hệ thống điện có thể đáp ứng lượng lớn năng lượng tái tạo không liên tục mà không bị cắt điện. Đan Mạch là quốc gia cung cấp 47% điện năng từ gió vào năm 2019. Còn Đức là quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất hỗn hợp tăng lên 46% vào năm ngoái.

Có rất nhiều cách để xử lý sản lượng năng lượng sạch dễ bay hơi. Ở Đông Nam Á, nó sẽ đòi hỏi cả đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền dẫn và các giải pháp dự phòng, nhưng nó có thể được thực hiện. Việc lưu trữ pin ngày càng trở nên khả thi, với chi phí trung bình của một bộ pin lithium-ion giảm 88% trong thập kỷ qua. 

Ở Châu Á Thái Bình Dương, các dự án năng lượng mặt trời kết hợp với lưu trữ ước tính sẽ trở nên cạnh tranh với khí đốt vào năm 2026. Trong những năm tới, Đông Nam Á cũng sẽ tiếp tục xây dựng lưới điện ASEAN, giúp các nước có thể chuyển lượng điện dư thừa sang các nước láng giềng. Sự phân bố địa lý rộng hơn của việc phát điện sạch sẽ đảm bảo rằng, các nguồn năng lượng xanh đa dạng bổ sung cho nhau. 

Ngoài ra, các nhà hoạch định năng lượng có thể triển khai thủy điện tích trữ có bơm hoặc điều chỉnh nhu cầu của người tiêu dùng, để thích ứng với nguồn cung điện biến động.

Và vào thời điểm Đông Nam Á đạt mức độ xâm nhập của gió và mặt trời tương tự như các quốc gia châu Âu, các giải pháp mới sẽ xuất hiện. Hydro xanh sẽ mở ra tiềm năng đệm cho ngành công nghiệp nặng khử cacbon. Và sản xuất điện theo mùa, không liên tục hàng ngày, được dự báo sẽ cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch ở Nhật Bản, Đức và Úc vào năm 2030. Chuyển giao công nghệ và các chính sách có lợi sẽ đảm bảo rằng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không bị bỏ xa.

Nước đi nào cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

Năm ngoái, một chuyên gia năng lượng từ Indonesia nói với Eco-business rằng, việc bổ sung năng lượng tái tạo chỉ có thể hoạt động tốt ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu. Vì tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á quá nhanh, thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nên phải đòi hỏi các nguồn năng lượng khác. 

Ông nói: “Năng lượng tái tạo chưa bao giờ là giải pháp cung cấp năng lượng cho các nước đang phát triển".

nha-may-hat-nhan.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Bataan ở Philippines, trị giá hơn 2,3 tỷ USD nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động. Ảnh: Wikipedia Commons

Khi đó, mọi người lại đặt ra câu hỏi, vì sao khu vực cần năng lượng khẩn cấp như vậy nhưng các chính phủ lại chọn xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân, mà thời gian xây dựng lâu hơn từ 5-17 năm so với năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.

Việc phát triển điện than chậm đã thúc đẩy Việt Nam chuyển hướng sang các giải pháp thay thế sạch hơn. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ phương tiện để thay thế bằng các giải pháp thay thế xanh. 

Rõ ràng, năng lượng hạt nhân không có nhiều sức hút ở Đông Nam Á. Không chỉ là vấn đề chi phí và sức ì của ngành, năng lượng hạt nhân còn có "danh tiếng" quá kém sau hai thảm họa hạt nhân lớn trong lịch sử.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, các nhà máy điện hạt nhân có thể chịu được động đất. Khi mặt đất rung chuyển, chúng phải đóng cửa. Sự việc xảy ra vào tháng 3/2011, 11 nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản đã phải đóng cửa khi quốc gia này ghi nhận trận động đất mạnh 9 độ Richter.

Tuy nhiên, chịu được động đất không có nghĩa là sẽ ngăn được sóng thần. Sau đó, cơn sóng thần đã xâm nhập vào hệ thống phòng thủ trên biển của nhà máy điện Fukushima và gây ra sự cố hỏng hóc các máy phát điện khẩn cấp. Vụ hỗn loạn sau đó đã khiến các nhà chức trách phải sơ tán hơn 154.000 người sống ở các thị trấn xung quanh. Ước tính chi phí dọn dẹp sau vụ thảm họa lên tới 300 tỷ USD.

Mặt khác, khả năng chống động đất cũng không thể ngăn chặn được thảm họa Chernobyl vào năm 1986. Thảm họa xảy ra do những thiếu sót trong việc thiết kế lò phản ứng. Từ cháy rừng đến lũ lụt, có vô số rủi ro tiềm ẩn khác có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của lò phản ứng hạt nhân.

Vậy, liệu các nhà điều hành nhà máy điện có thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ tai nạn hạt nhân không? Mọi chuyên gia năng lượng hạt nhân đều thừa nhận rằng, họ không thể. 

lo-phan-ung-hat-nhan.jpg
Việt Nam đã loại bỏ kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân vào năm 2016. Ảnh: telegraph

Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cách thủ đô Manila 100 km về phía tây. Hoàn thành vào năm 1985, Nhà máy điện hạt nhân Bataan trị giá hơn 2,3 tỷ USD nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động.

Sau thảm họa Chernobyl, các nhà chức trách Philippines đã quyết định "đóng băng" nhà máy này. Mặt khác, một nhà phân tích năng lượng từ Indonesia cho biết, phải đến năm 2008, khoản vay cho dự án mới được trả hết. Ngay cả trong quá trình xây dựng, dự án này đã nhận rất nhiều tranh cãi xuay quanh chi phí của dự án. 

Các quốc gia khác trong khu vực đã đưa ra các đề xuất về điện hạt nhân, nhưng hầu hết đã bị loại bỏ, do chi phí gia tăng và lo ngại về an toàn. Việt Nam đã tiến gần nhất đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nhưng đã loại bỏ kế hoạch vào năm 2016. 

Năm 2018, chính phủ Malaysia cho biết, họ không có kế hoạch về điện hạt nhân. Trong khi đó, tham vọng phát triển lò phản ứng nghiên cứu 20 MW của Thái Lan đã bị trì hoãn trong hai thập kỷ.

Bất chấp một trường hợp nghi ngờ là đổ chất thải hạt nhân tại một khu dân cư gần Jakarta vào năm ngoái, Indonesia đã đề xuất thay đổi quy định, để hồi sinh các kế hoạch năng lượng hạt nhân không hoạt động. Chính phủ Philippines cũng đang cân nhắc việc kích hoạt nhà máy hạt nhân Bataan.

NHẬT SANG