Trong mục Ý Kiến trang mạng đài truyền hình CNN của Mỹ ngày 2/5, Giáo sư kinh tế nổi tiếng Jeffrey Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững trường Đại học Columbia (Mỹ) đã không ngần ngại kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump học tập thành quả của các nước khác để chống dịch hữu hiệu hơn tại Mỹ.
Tổng thống Donald phát biểu tại một cuộc họp báo về COVID-19 ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Bài viết mang tựa đề "Các nước châu Á biết gì về cách dập COVID-19" đã nhắc ngay lập tức đến Việt Nam khi nhấn mạnh số nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19 tại Mỹ hiện đã vượt qua tổng số binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam.
Theo Giáo sư Sachs, điều đáng ngại là trong lúc COVID-19 tiếp tục tàn phá tại Mỹ, với số ca nhiễm COVID-19 vượt mức 1 triệu người và số ca tử vong gia tăng hàng ngày, một vài bang đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa với hy vọng cứu vãn nền kinh tế.
Trước nguy cơ nhiều sinh mang bị đe dọa như vậy, Giáo sư Sachs cho rằng đã đến lúc Mỹ phải nhìn sang những quốc gia ở vùng châu Á-Thái Bình Dương thành công trong việc kiểm soát đại dịch để hình dung ra cách cứu người dân Mỹ và nền kinh tế nước này.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam đã thông báo giảm được tỷ lệ truyền nhiễm, nghĩa là số lượng bình quân người bị lây từ một người nhiễm COVID-19 xuống dưới 1 mà không cần áp dụng biện pháp phong tỏa đại trà liên tục. Hiện nay, những nơi này đang nhanh chóng và thành công trong việc dẹp bỏ các ổ dịch bệnh bằng cách cách ly những người bị lây nhiễm và những ai có tiếp xúc với họ có nguy cơ bị lây nhiễm.
Những chiếc lều của bệnh viện dã chiến được lập tại Công viên Trung tâm ở Manhattan, New York hôm 3/5 để đối phó Covid-19. Ảnh: Reuters |
Theo tỷ lệ tử vong tính trên 100.000 dân thì số liệu tử vong tại các nước Tây Âu cũng rất cao. Bỉ là 67, Tây Ban Nha (53), Italy (47), Pháp (37), Thụy Điển (26), Đức (8)… Trong khi đó, tỷ lệ ở châu Á và châu Đại Dương rất thấp: Australia (0,4), Trung Quốc (0,3), New Zealand (0,4), Hàn Quốc (0,5) và Đài Loan (0,03).
Theo Giáo sư Sachs, tình hình thế giới hiện nay giống như bị phân chia thành hai thế giới khác biệt. Tính đến ngày 2/5, Mỹ có hơn 66.000 ca tử vong, nghĩa là cứ 100.000 người thì có 20 người tử vong.
Mặc dù cách biệt rất lớn nhưng dường như Mỹ vẫn "nhắm mắt" làm ngơ trước các sách lược mà các nước khác sử dụng để kiểm soát COVID-19. Câu hỏi mà Giáo sư Sachs đặt ra là làm thế nào mà một phần của thế giới đã chống dịch tốt, trong lúc phần kia lại không chịu học bài học thành công?
Một ví dụ về thái độ mù quáng đó là ngày 28/4, nhật báo The Wall Street Journal đã nêu bật kết quả khả quan của Đức so với Mỹ, Pháp, Italy và Tây Ban Nha nhưng không hề nêu lên thực tế là tỷ lệ tử vong trên 1 triệu người dân của Đức cao gấp 100 lần so với Đài Loan hay Hong Kong và gấp 10 lần so với Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Giáo sư Sachs, nhiều quốc gia đã áp dụng trên cả nước những tiêu chí y tế cộng đồng, sử dụng công nghệ điện thoại di động, chính quyền làm đúng chức năng của họ, dùng đại trà khẩu trang và dung dịch rửa tay diệt khuẩn, tích cực cách ly người bị nhiễm COVID-19 hay có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
Cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tặng hoa chúc mừng 30 người trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) hoàn thành thời gian cách ly, ngày 2/3/2020. (Ảnh: TTXVN) |
Tại Việt Nam chẳng hạn, chính quyền đã áp dụng biện pháp truy tìm gắt gao các trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với một người bị nhiễm COVID-19, kèm theo là một chế độ cách ly nghiêm ngặt. Khi một người bị xác nhận nhiễm COVID-19 thì những người có tiếp xúc gần đều phải bị cách ly dù không có triệu chứng gì. Kết quả là Việt Nam chỉ phải xét nghiệm một phần rất nhỏ dân chúng vì đã ngăn chặn tốt sự lây lan của dịch bệnh.
Đến nay, Việt Nam với 95 triệu dân, chưa có thông báo ca tử vong nào. Tại các nước này, xét nghiệm cũng có một vai trò quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng, như nhiều người ở Mỹ từng cho là phải làm như vậy.
Còn tại New Zealand, chính quyền bắt đầu giảm nhẹ phong tỏa, các viên chức nói rằng họ đang trong tư thế sẵn sàng cho xét nghiệm và theo dõi tất cả những ổ dịch mới. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có rất nhiều câu chuyện thành công như trên.
Theo một báo cáo mới của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Hàn Quốc đã ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh bằng cách xét nghiệm tích cực, dò tìm ca nhiễm, sử dụng đến các biện pháp y tế công cộng căn bản như đo thân nhiệt và cũng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đánh bật COVID-19.
Hàn Quốc đã sử dụng một hệ thống tin nhắn văn bản để thông tin cho người dân và những ứng dụng khác nhau cho phép theo dõi các ca mới mắc COVID-19, hẹn gặp bác sĩ hay phát hiện những điểm nóng của dịch bệnh để tránh xa.
Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng nhà ga xe lửa ở thành phố Daegu hôm 29/2. Ảnh: Reuters |
Chính phủ cũng sử dụng các biện pháp ứng dụng để giám sát người bị cách ly qua việc tự báo cáo triệu chứng và xác định nơi đang hiện diện. Các ứng dụng này có thể làm dấy lên những phản đối về việc xâm phạm đời tư, như ở Mỹ, nhưng kết quả sau cùng là Hàn Quốc đã khởi động được trở lại hoạt động kinh tế dù thận trọng, đồng thời dập được ca nhiễm mới.
Chính quyền Mỹ dường như không rút ra được bài học từ những trường hợp thành công này. Tổng thống Trump không có khả năng, trong khi những người mà ông chỉ định chỉ đạo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan An ninh Giao thông (TSA) đều đã thất bại trong vai trò lãnh đạo của họ.
Theo Giáo sư Sachs, chiêu bài "Nước Mỹ trước tiên" đã đẩy nước này lên hàng đầu trong danh sách các nước có nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn chưa muộn để quan sát và học tập thành công của những nước khác. Giáo sư Sachs kết luận: "Nếu chính phủ liên bang không làm thì thống đốc các bang và thị trưởng phải tiến lên để làm công việc này".
(Nguốn: TTXVN)