Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm (Sandbox)

Để tránh rủi ro không đáng có và thắt chặt mối quan hệ Fintech và ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm (Sandbox), vốn đã được “thai nghén” từ rất lâu.

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép triển khai các hoạt động định danh khách hàng điện tử (eKYC) thông qua Nghị định 87/2019/NĐ-CP và Thông tư 16/2020/TT- NHNN. Thế nhưng, việc triển khai định danh khách hàng ở ngân hàng và Fintech đều đang gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở dữ liệu số tin cậy để đối chiếu, các nguồn thông tin khách hàng phân tán và thiếu tính tin cậy.

Việc thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, tin cậy và thiếu các quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cũng là rào cản để thiết lập các quan hệ dịch vụ tín dụng tiền vay, thẻ tín dụng trực tuyến với khách hàng. Các ngành dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông,... đều đang sở hữu những nguồn dữ liệu thông tin khách hàng của riêng mình và chưa có các quy định pháp lý về chia sẻ, kết nối mở để tối ưu nguồn lực xã hội. Điều này cản trở sự kết nối hệ sinh thái hiệu quả.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ tại thị trường Việt Nam tăng khoảng 4 lần, hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân… Trong đó, có đến 72% công ty Fintech đã liên kết với ngân hàng, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.

Về phía các ngân hàng, nhờ sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới của Fintech như Big data, blockchain, hệ thống định dạng cá nhân sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử... sẽ giúp các ngân hàng thu thập dữ liệu, cải tiến chất lượng dịch vụ, giảm chi phí hạ tầng kỹ thuật, giảm mạng lưới chi nhánh, tăng cường tính minh bạch, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, gia tăng sự hài lòng hơn cho khách hàng.

Ngoài ra, Fintech tạo ra các giải pháp tài chính cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý, hỗ trợ tốt hơn cho nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.

Về phía Fintech, doanh nghiệp sẽ được gia tăng uy tín nhờ sự bảo trợ của ngân hàng. Đồng thời, có cơ hội tiếp cận cơ sở khách hàng ổn định lâu năm, tiếp cận nguồn vốn đầu tư tiềm năng và kinh nghiệm trong quản lý rủi ro, tuân thủ của ngân hàng.

Thực tế cho thấy, xu thế hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech ngày càng trở nên rõ nét. Điển hình nhất, VietinBank đang hợp tác với 7 công ty Fintech trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính - ngân hàng để phục vụ khách hàng. Hay BIDV đã kết nối với 24 công ty Fintech, 756 nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp trên 1.500 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng.

Tương tự, MB đã hợp tác với Công ty Boomerang Technology cho ra đời sản phẩm eMBee Fanpage, cho phép khách hàng thực hiện tra cứu số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, vay vốn chỉ bằng thao tác đơn giản là “chat” với eMBee thông qua ứng dụng tin nhắn Facebook Messenger.

Vietcombank đã hợp tác với Công ty cổ phần di động trực tuyến (M_Service) để thực hiện dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ ở khu vực nông thôn. Thậm chí, hầu hết các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều đã “bắt tay” với ví MoMo để phát triển ví điện tử.

Thuật ngữ Fintech xuất hiện lần đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng phải đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi hàng loạt ngân hàng truyền thống bị phá sản hoặc bị ảnh hưởng bất lợi, các công ty công nghệ tài chính mới nhận được nhiều hơn sự tin tưởng từ công chúng.

Từ cột mốc này, làn sóng phát triển của các công ty Fintech diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, thị trường Fintech của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Đối với các ngân hàng có quy mô lớn, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước đang hướng đến việc thành lập trung tâm ngân hàng số - được coi là trung tâm đổi mới, sáng tạo công nghệ tài chính cho ngân hàng. Hiểu đơn giản, ngân hàng đầu tư cho việc phát triển công nghệ tài chính từ nguồn lực nội bộ.

Tổng Hợp