Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh hút thanh khoản

Từ 21/6, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh hút thanh khoản thông qua công cụ tín phiếu sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng "đóng băng".

Đây là bước đi đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước khi trước đó liên tục ''buông'' kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid -19.

Theo bà Phạm Hoàng Anh, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, việc hút về lượng tiền Đồng "khủng" trong bối cảnh hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động điều tiết hết sức bình thường, không tạo ra lo ngại cho thị trường. Thậm chí, xét trong bối cảnh hiện nay, động thái này là hoàn toàn phù hợp khi áp lực lạm phát của Việt Nam ngày càng rõ nét.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với cuối năm 2021. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 2,44% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

"Trong bối cảnh lạm phát, Chính phủ có yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,... Một trong số biện pháp kiềm chế lạm phát từ chính sách tiền tệ đó là hút bớt tiền về và tăng lãi suất. Tuy nhiên, tăng lãi suất điều hành là không thể thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hút tiền về để giảm cung tiền trên thị trường giúp kiểm soát tỷ lệ lạm phát đang có nguy cơ tăng cao. Hơn nữa, còn giúp giảm thanh khoản tiền đồng trong bối dư thừa", vị chuyên gia này cho hay.

Các chuyên gia từ Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cùng cho rằng, động thái nhanh chóng hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền Đồng.

"Việc hút bớt tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa điều hành trong trung hạn", bộ phận nghiên cứu SSI nhận định.

Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp đầu năm đã phát tín hiệu không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Covid. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát và việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách của các NHTW lớn đã tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Các động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước trên hoạt động thị trường mở, nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt mặc dù điều này cần được quan sát thêm – theo các chuyên gia.

Sau khi khởi động với con số hút ròng 200 tỷ đồng vào phiên 21/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành khối lượng lớn, bao gồm tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày trong 10 phiên tiếp theo, có phiên lên tới gần 45.000 tỷ đồng.

Tổng cộng, sau khi liên tục thực hiện 11 phiên chào thầu thành công, số tiền mà cơ quan quản lý đã hút ròng ra khỏi thị trường lên tới gần 130.000 tỷ đồng.

Không chỉ rút ròng tiền Đồng qua kênh tín phiếu, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một lượng USD đáng kể đã được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới 10 tỷ USD. Tạm tính theo tỷ giá USD/VND tham chiếu tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện nay, việc bán 10 tỷ USD ra thị trường kể trên tương đương với việc Ngân hàng Nhà nước đã hút về hơn 234.000 tỷ tiền Đồng khỏi thị trường.

Như vậy, thông qua 2 công cụ thị trường mở và bán ngoại tệ, đã có khoảng 360.000 tỷ đồng được cơ quan quản lý tiền tệ hút về trong thời gian vừa qua.

Tổng Hợp