Nghề “dắt trẻ đi chơi”: Có thực sự dễ dàng?

"...Khi làm người kể chuyện, thấy ánh mắt các bé chăm chú nhìn mình, hứng thú nghe và nhớ được những gì cô nói đã là niềm hạnh phúc".

“Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều phải khảo sát thật kỹ. Làm cho trẻ con mà, yếu tố an toàn luôn đặt lên hàng đầu. Địa điểm vừa đủ di chuyển, không quá xa khiến các bé mệt nhưng phải mới lạ, thu hút các con. Đâu chỉ mỗi chơi, các bé sẽ học được gì qua chuyến đi là câu hỏi luôn xuất hiện trong đầu tôi. Vậy nên, lịch trình di chuyển và các hoạt động kết nối sao cho hào hứng, vừa học vừa chơi, trau dồi thêm kỹ năng cho trẻ là điều cần đạt được” - Thạc sĩ Văn hóa học Hoàng Thủy Nguyên, Quản lý Câu lạc bộ Truyền thông - MC nhí (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ về hành trình 5 năm “dắt trẻ đi chơi”.

Đi một ngày đàng

Cuối tuần, thay vì ở nhà cùng hai con, từ 5 giờ sáng chị Nguyên đã lục tục ra đường dù khuya hôm trước phải thức đến 23 giờ để chốt các hoạt động với nhà xe, cộng tác viên và trả lời thắc mắc, tư vấn cho phụ huynh. 6 giờ 30 phút, cầm túi bánh mỳ, bánh ngọt trên tay, chị Nguyên đứng ngay cửa xe hỏi thăm rồi đến tận ghế phát phần quà sáng cho từng khách tham quan nhí.

Có lần, chị và các cộng tác viên trong câu lạc bộ của mình nhận nhiệm vụ đưa gần 40 bạn nhỏ (4-12 tuổi) đi chơi tại huyện Cần Giờ, cách trung tâm thành phố khoảng 50 cây số với hai tiếng đồng hồ di chuyển cả xe ô tô lẫn phà. Chủ yếu các bạn nhỏ được ba mẹ gửi đến đây để một mình trải nghiệm hành trình nên việc đi đứng như thế nào, ăn uống, sinh hoạt ra sao, chị Nguyên phải lo hết.

Trong mỗi chuyến đi cùng trẻ, chị Nguyên cùng cộng tác viên luôn tạo môi trường thú vị nhất để trẻ tích lũy kiến thức, có thêm trải nghiệm thực tế.
Trong mỗi chuyến đi cùng trẻ, chị Nguyên cùng cộng tác viên luôn tạo môi trường thú vị nhất để trẻ tích lũy kiến thức, có thêm trải nghiệm thực tế.

Trong khi trẻ thưởng thức bữa sáng, chị Nguyên điểm danh. Đọc đến tên một bé, lần một, lần hai, lần ba chẳng thấy trả lời, chị rảo quanh các hàng ghế, tay nắm chặt cuốn sổ ghi thông tin và nhẫn nại đọc thêm lần cuối “Cho cô hỏi bạn… con mẹ… đang ngồi ở đâu?”. Lúc này, bạn nhỏ mới chịu nói với lên “Con đây!”.

Chị thở phào, lấy bút đánh dấu vào sổ, nhẹ nhàng nhắc nhở “Khi cô điểm danh, các con chú ý nha. Vì các con đi một mình và chúng ta đông người nên mọi thứ phải hết sức cẩn thận. Các con nhớ lời cô dặn chưa?”. Cả xe đồng thanh “Dạ”, chị liếc nhìn các cộng tác viên đang ngồi phía cuối xe, mỉm cười, quay lên khởi động micro, bắt đầu một ngày đi chơi cùng trẻ.

Chị Nguyên bắt đầu chuyến đưa trẻ đi chơi đầu tiên cách đây 5 năm. Mới đầu chỉ là những chặng đường ngắn quanh trung tâm TP Hồ Chí Minh với hành trình khoảng 4 tiếng đồng hồ. Nói là 4 tiếng chứ công tác chuẩn bị phải mất mấy ngày. Nào đồng phục nhận diện, nào chuyện kể trên đường đi và các điểm đến, nào kết nối với chỗ tham quan và rất nhiều công việc không tên khác.

“Ban đầu áp lực lắm nhưng đi mãi thành quen. Làm với trẻ nhỏ thì toàn chuyện phát sinh nên lúc nào cũng nghĩ cách này, cách kia, linh hoạt thay đổi mới xử lý kịp. Trước khi đi chơi, câu lạc bộ sẽ tạo một nhóm trò chuyện trên Zalo để kết nối phụ huynh. Các diễn biến và hình ảnh trong chuyến đi được cập nhật liên tục. Ba mẹ ở nhà nhưng vẫn biết con đang ở đâu, có vui không, đang ăn gì, đang chơi thế nào…” - chị Nguyên chia sẻ.

Nghề “dắt trẻ đi chơi”: Có thực sự dễ dàng?

Khi những chuyến đi ngắn trở nên quen thuộc, câu lạc bộ bắt tay thiết kế các buổi trải nghiệm dài ngày. Điểm đến nhờ vậy mà xa hơn, hoạt động cũng đa dạng hơn. Nhưng có đi xa cỡ nào, an toàn, vui vẻ, giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị vẫn là các yếu tố được chị Nguyên dặn đi dặn lại với từng cộng tác viên.

Người phụ chị trong các chuyến đi chủ yếu là sinh viên nên rất xông xáo, hòa đồng. Nhưng vì quá trẻ nên kinh nghiệm chơi cùng các bạn nhỏ và xử lý tình huống phát sinh là điều chị Nguyên vẫn chưa mấy yên tâm với bạn đồng hành. Trước và trong suốt chuyến đi, chị luôn nhắc các cộng tác viên kỹ lưỡng từng công đoạn để đảm bảo cao nhất sự an toàn cho trẻ. An toàn nhưng không gò bó vì trẻ cần được vui chơi, trải nghiệm mới học được nhiều điều hay.

Trẻ vui là được

Là người đồng hành với câu lạc bộ đã 10 chuyến đi, Nguyễn Ngọc Bích Trâm (sinh viên ngành Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, phân viện miền Nam) được chị Nguyên truyền khá nhiều kinh nghiệm trong cách trông trẻ và hướng dẫn các bé tham gia các hoạt động trên suốt hành trình.

Trâm nói ban đầu tham gia vì muốn có thêm kinh phí trang trải chi tiêu, nhưng đi rồi mới thấy biết bao kỹ năng, kiến thức hay cần được bổ sung cho ngành học. Thích trẻ con, mê những điểm đến mới là vậy nhưng hai lần trải nghiệm đầu tiên Trâm đúng kiểu “mệt bở hơi tai”. Chưa bao giờ cô sinh viên đi chơi cùng nhiều trẻ em như thế và chưa bao giờ xử lý nhiều tình huống phát sinh đến vậy.

Nghề “dắt trẻ đi chơi”: Có thực sự dễ dàng?

Trâm ví các lần đi chơi cùng trẻ ở câu lạc bộ kỳ thực tập ngắn hạn, ở đó, em cùng một số bạn sinh viên khác có môi trường thực hành các kiến thức mình đã học và tích lũy các kinh nghiệm thực tế. Sau chuyến đi đầu, Trâm hơi ngại vì cực quá, nhưng rồi đến lần hai, lần ba, mọi việc đã vào nếp.

“Làm việc với trẻ cả ngày, về tới nhà em nằm bẹp luôn nhưng thực sự là rất vui, rất đáng nhớ. Hồi mới làm cộng tác viên, em áp lực lắm vì không biết có theo nổi không. Có nhiều bé hiếu động, nói không nghe lời, phải theo quan sát kỹ rồi dùng cách này cách kia hướng dẫn. Công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng và cả tình yêu thương trẻ, nếu không sẽ dễ chán, khó theo lâu dài” - Trâm cho biết thêm.

Là “lính mới”, cộng tác viên Mai Uyển Nhi gặp khá nhiều trở ngại khi giúp trẻ xử lý những tình huống bất ngờ trong chuyến đi. Trước khi đăng ký tham gia hỗ trợ câu lạc bộ, Nhi đã đồng hành cùng một số dự án cộng đồng khác nhưng bắt tay vào làm mới thấy các chương trình phục vụ thiếu nhi bao giờ cũng cực hơn, mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Như hôm cùng trẻ đi Cần Giờ, vai trò chính của Nhi là chụp hình lưu niệm nhưng cả một ngày dài, cô nàng phải kiêm thêm nhiều thứ vì thấy các anh chị luôn tay luôn chân vẫn chưa hết việc. Nhi kể: “Mấy bạn nhỏ vui nhưng cũng tinh nghịch lắm, phải canh chừng suốt. Được cái, nhờ đi với các bạn em học được rất nhiều kỹ năng mới cần thiết cho công việc sau này.

Nghề “dắt trẻ đi chơi”: Có thực sự dễ dàng?

Trong đó, cái hay nhất là tụi em học được cách nắm bắt tâm lý trẻ, nhất là những trường hợp đặc biệt. Phải chịu khó và dành thời gian tìm hiểu tâm lý cũng như nhu cầu của trẻ thì mới đồng hành được lâu dài. Nghề này coi vậy mà cực lắm chứ không chỉ có đi chơi thôi đâu. Nhưng chỉ cần các bạn nhỏ vui là tụi em vui nên có bao nhiêu sức lực, trò chơi đem ra phục vụ hết”.

Không dừng lại ở việc đi dã ngoại hay ngắm cảnh, mỗi chuyến đi luôn được chị Nguyên thiết kế thành giờ học ngoài trời thú vị. Ở đó, kiến thức lịch sử, văn hóa luôn được chú trọng truyền tải để mỗi điểm đi qua, mỗi người gặp gỡ sẽ giúp trẻ thêm hiểu, thêm yêu nơi mình gọi bằng hai chữ “quê hương”.

Cũng là giải thích địa danh, nói về các trận đánh hay nguồn gốc của phong tục này, văn hóa kia nhưng kể sao cho trẻ thích, trẻ hiểu và nhớ lâu là điều chẳng mấy dễ dàng. Trước mỗi chuyến đi, chị Nguyên dành khá nhiều thời gian tìm hiểu, lên câu chuyện và chắt lọc các chi tiết quan trọng.

Không dừng lại ở việc đi dã ngoại hay ngắm cảnh, mỗi chuyến đi luôn được chị Nguyên thiết kế thành giờ học thú vị.
Không dừng lại ở việc đi dã ngoại hay ngắm cảnh, mỗi chuyến đi luôn được chị Nguyên thiết kế thành giờ học thú vị.

Câu lạc bộ tổ chức đi đâu chị Nguyên cũng tranh thủ lồng ghép kiến thức các địa danh, sự kiện lịch sử trong suốt chuyến đi và trả lời tất tần tật thắc mắc của trẻ. Nhiều câu hỏi ngô nghê nhưng với chị đó là nhịp cầu giúp trẻ đến gần với kho kiến thức quý báu về dân tộc, cội nguồn nên không thể bỏ qua. Trẻ còn hỏi, chị còn đứng đó lắng nghe, trả lời theo cách dễ tiếp thu nhất.

“Những sự kiện lịch sử được chọn trao đổi với trẻ theo hướng kể chuyện. Tôi là người chọn lọc những điều thú vị kể lại cho các con nghe một cách sinh động, dễ nhớ nhất có thể. Vừa được nghe kể chuyện vừa trực tiếp tham quan, trải nghiệm thực tế, tôi nghĩ trẻ sẽ thấy học lịch sử chẳng khô khan. Với trẻ, tôi không tham kiến thức mà chỉ muốn gợi mở, truyền đạt đến các bé những điều đơn giản nhất. Khi làm người kể chuyện, thấy ánh mắt các bé chăm chú nhìn mình, hứng thú nghe và nhớ được những gì cô nói đã là niềm hạnh phúc” - chị Nguyên cho hay.

Mỗi dịp lễ lớn như giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 19/5… các chuyến đi chơi của câu lạc bộ chị Nguyên luôn chọn điểm đến gắn liền với lịch sử dân tộc. Và bất cứ khi nào có thể, chị rủ trẻ mặc đồ truyền thống, đi xe lam ngắm Sài Gòn, nghe chuyện về địa danh, văn hóa, ăn thử mấy món ngon. Cách tổ chức phải thay đổi liên tục mới mong trẻ không ngán mà đi tiếp, trải nghiệm thêm nhiều điều hay. Hè lại tới, mấy nay chị Nguyên lại bận rộn lên lịch trình mới cho các chuyến đi cùng những người bạn nhỏ.

Sau lần đầu tiên xin mẹ đi chơi với Câu lạc bộ Truyền thông - MC nhí cách đây không lâu, đến nay, Đỗ Ngọc Thiên Kim (học sinh Trường THCS An Nhơn, quận Gò Vấp) đã trở thành gương mặt quen thuộc với gần 20 lần trải nghiệm. Khi được hỏi đi nhiều có chán không, Kim vội lắc đầu, cười tươi: “Mỗi chuyến đi một trải nghiệm nên con chưa bao giờ thấy chán. Con biết thêm nhiều kiến thức và có thêm bạn mới nữa. Nhất là khi đến tham quan các di tích lịch sử, những câu chuyện cô kể giúp con hiểu thêm về bản sắc dân tộc, sự hy sinh của ông cha ta đã làm để có được cuộc sống hòa bình, tự do. Ước mơ sau này của con là được đi khắp nơi và giới thiệu cho thế giới biết Việt Nam tuyệt vời như thế nào. Những chuyến đi như vậy giúp cho con gìn giữ ước mơ của mình”.

Dung Trần

9 cách dạy trẻ tự bảo vệ mình khi không có ba, mẹ bên cạnh

9 cách dạy trẻ tự bảo vệ mình khi không có ba, mẹ bên cạnh

Không phụ huynh nào có thể dành 24/24 thời gian cho con, nên việc giáo dục và trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ là rất quan trọng.