Mới đây, một cư dân mạng gây tranh cãi khi kể lại tình huống mình gặp phải. Được biết, người này gặp con trai của một người quen, nhưng đứa trẻ cứ “trơ” ra không chào, đợi người lớn chào xong mới đáp lại. Theo người này, đây là hành vi bất lịch sự, hư hỏng. “Vấn đề con nít người lớn gặp người lớn phải chào rất quan trọng, nhưng nhiều phụ huynh không thấy thế thì phải. Được dạy gặp ai cũng phải mở mồm ra chào nên sau này con mình mà không chào người lớn trước thì mình cho ăn tát”, người này nói.
Tết đến nơi, nên câu chuyện trẻ con gặp người lớn thì nên chào trước hay sau đang chia 2 luồng ý kiến: 1 là trẻ em cần phải chào hỏi trước theo vai vế; 2 là người lớn cũng cần chào hỏi trẻ em trước để các con học tập theo. Hội phụ huynh không ai chịu ai, bên nào cũng đưa ra lý lẽ của mình.
Ảnh minh hoạ |
Cứ trẻ con là phải chào người lớn?
Nhiều người cho rằng, đồng ý rằng trẻ con nên chào hỏi người lớn, đó là lễ phép và lễ nghĩa, tuy nhiên xét về góc độ tâm lý, nhiều khi việc chào hỏi, giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ với 1 ai đó chưa chắc đã là thứ nên gượng ép. Vậy nên phụ thuộc nhiều vào yếu tố khác như tình huống, tâm lý và và tình cảm. Cha mẹ luôn nên có tinh thần khuyến khích con lễ phép và niềm nở, tuy nhiên với những bé không có tính cách như vậy cũng không nên quá đặt nặng và gây áp lực. Người lớn cũng vậy, mỗi người mỗi tính.
“Chào trước hay sau còn tuỳ hoàn cảnh. Mà giờ xã hội phức tạp, kiểu dạy con ra đường thấy ai niềm nở cũng dở. Đến lúc bị bắt cóc thì kêu ai. Mình chỉ dạy con gặp người quen thì chào. Còn đi với bố mẹ nếu gặp người lạ thấy bố mẹ chào thì con chào theo luôn, bố mẹ không chào thì cũng không chào. Đâu cần diễn vai "Hoa hậu thân thiện" với cả thế giới”, một người nêu ý kiến.
Trẻ em luôn quan sát và học hỏi từ môi trường xung quanh. Tính cách, hành vi của trẻ là sự phản ánh của chính người lớn mà các con tiếp xúc. Thay vì chỉ trích mắng con, tại sao người lớn không nở nụ cười để chào con, để làm gương cho con theo? Người lớn đôi khi cũng thật thiếu kiên nhẫn và nhiều đòi hỏi ở 1 đứa trẻ.
Luồng ý kiến ngược lại nhận định: Cứ trẻ con gặp người lớn là phải tự động cúi đầu chào, thà chào nhầm còn hơn bỏ sót. Nếu họ hàng vai vế phức tạp, không biết xưng hô như thế nào thì cúi đầu cười tươi để chào.
“Ở đâu thì tôi không biết, chứ nhà tôi mà trẻ con gặp người lớn thì phải chào, nói không nghe thì nói chuyện với "bàn tay". Nó là lễ nghĩa, phép tắc, "Tây hoá" tự do cho lắm rồi không biết trên dưới trước sau", một phụ huynh gay gắt.
Tuy nhiên, ý kiến được nhiều người đồng tình nhất là: Cha mẹ muốn con lịch sự và lễ phép là tốt, nhưng đừng để việc "lịch sự giữ thể diện" làm tổn thương con bạn
Nhiều bậc cha mẹ sẽ mất bình tĩnh khi thấy con mình không những không chào người lớn mà còn cố trốn đằng sau, nghĩ rằng con khiến mình mất mặt: "Con câm à? Con thậm chí không hiểu cách cư xử cơ bản sao?".
Trên thực tế, việc trẻ cảnh giác, rụt rè khi gặp người lạ là hiện tượng tâm lý bình thường và đó cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đã phát triển khả năng tư duy sâu sắc hơn, trình độ nhận thức được nâng cao và hiểu được cách tự bảo vệ bản thân. Việc ép trẻ "chào hỏi lịch sự" sẽ phá hủy ý thức tự bảo vệ bản thân của trẻ và về lâu dài khiến trẻ "sợ xã hội" .
Cách tiếp cận đúng là cha mẹ nên ở bên con, giao tiếp và tiếp xúc với con thông qua ngôn ngữ, cử động cơ thể, đồng thời cho con cảm giác an toàn đủ để con có thể thư giãn từ từ. Hoàn toàn không cần ép buộc, vì điều này sẽ chỉ khiến trẻ thêm căng thẳng và choáng ngợp.
Khi trẻ thích nghi với môi trường, cha mẹ có thể làm gương giao tiếp cho trẻ, chủ động chào hỏi, trò chuyện, giúp trẻ gọi từng người: "Chào dì", "Chào chú". Lúc này, hầu hết trẻ đều thể hiện sự sẵn sàng chủ động giao tiếp với người khác.
"Quan điểm của mình: Thứ nhất: Cần phân biệt rõ muốn con chào ai? Đó là người lớn trong gia đình hay người lớn tuổi nhưng lạ mặt không quen, gặp lần đầu. Đối với mình, con có thể không cần thiết phải chào những người lạ, không quen, không tiếp xúc, con không cần phải chào nếu con không muốn chào nếu đó là lần gặp đầu tiên. Với mình đó không gọi là hỗn hay không lễ phép. Nhưng đó là giữ khoảng cách an toàn với người lạ mới gặp lần đầu. Mình không quan tâm người khác đánh giá cách dạy con.
Thứ 2: Cần xác định độ tuổi của con. Ở những trẻ dưới 6 tuổi, con chưa có đánh giá tình huống tốt, nên việc chào người lớn đôi khi thường không ai để ý. Nhưng tầm 4-5 tuổi bố mẹ có thể điều chỉnh và định hướng cho con người nên chào là những ai. Không chào không có nghĩa là không lễ phép, không tôn trọng người lớn. Bớt gán ghép những điều tiêu cực cho mấy đứa nhỏ.
Con nhà mình đến nhà ông bà chào hỏi thưa gửi đầy đủ. Ra đường, gặp những ông bà trong xóm, chưa từng nói chuyện bao giờ, con không chào. Vì đơn giản nó hiểu được đấy là người lạ. Mình không ép con. Nhưng sau khi gặp vài lần, ông bà hàng xóm cũng chào nó trước, từ đó về sau con gặp sẽ chào. Còn họ hàng xa đến gặp lần đầu nó cũng không chào, bố mẹ giới thiệu là cậu dì người quen, rồi giải thích là ai thì con mới chào.
Tóm lại mình thấy quan điểm chào trước chào sau chẳng quan trọng. Quan trọng là bạn muốn định hướng con như thế nào. Muốn con phân biệt được điều gì? Vì việc chào nó không liên quan đến đạo đức, lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi", một bà mẹ nêu ý kiến.
Bạn nghĩ sao về những quan điểm này?
Dạy con tôn trọng môi trường là nền tảng cho tương lai bền vững
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ từ nhỏ không chỉ là dạy con về trách nhiệm, mà còn là kiến tạo một tương lai bền vững.