Mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Phi đã xuất hiện trong chương trình Cất Cánh mở đầu năm 2025 của Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ về hành trình lan tỏa tình yêu nghiên cứu khoa học đến các sinh viên và vai trò quan trọng của việc hỗ trợ các tài năng trẻ trong ngành khoa học công nghệ.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, PGS.TS Nguyễn Lê Phi là một trong những người phụ nữ Việt Nam hiếm hoi đạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế IMO năm 2000. Khi đó, chị đang là học sinh lớp chuyên Toán tại trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Đây cũng chính là bước đầu tiên đưa chị vào thế giới nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp trung học, chị lựa chọn theo học ngành Điện tử Viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và sau đó, xuất sắc giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản để tiếp tục nghiên cứu tại Đại học Tokyo trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
PGS.TS Nguyễn Lê Phi |
Sau khi hoàn tất chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản, PGS.TS Nguyễn Lê Phi được nhiều cơ hội mời làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chị đã quyết định quay trở lại Việt Nam, nơi chị có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước. " Năm 2019, trước khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản, giáo sư hướng dẫn có giới thiệu một cơ hội trở thành giảng viên một trường đại học lớn ở Osaka, cô nói đây là một cơ hội rất hiếm em nên cân nhắc kỹ, trước khi trả lời cô. Nhưng ngay lúc đó tôi đã từ chối và chọn con đường trở về làm giảng viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội"- PGS.TS Nguyễn Lê Phi cho biết.
Hiện nay,PGS.TS Nguyễn Phi Lê đang đảm nhận vị trí điều hành Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giảng viên khoa Khoa học máy tính, trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị cũng là người điều hành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), nơi tạo dựng cơ hội cho các sinh viên đam mê nghiên cứu.
Trong cuộc trò chuyện tại chương trình Cất Cánh, PGS.TS Nguyễn Lê Phi chia sẻ về lý do cô chọn con đường nghiên cứu khoa học: "Về nước, tôi bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu của mình từ số 0 và rất nhiều người đã hỏi tôi tại sao tôi lại chọn con đường nghiên cứu khoa học, một con đường rất khó, khổ, tiêu tốn rất nhiều tiền mà khả năng kiếm ra tiền thì lại rất khó. Có rất nhiều lý do, trong đó có 1 lý do mà tôi cho là quan trọng nhất đó là tôi nghĩ muốn hiểu biết một cách sâu sắc về một lĩnh vực nào đấy, có thể giải quyết các bài toán khó ở lĩnh vực đấy thì nhất định phải nghiên cứu chuyên sâu, không thể dừng ở giáo dục đại học được" Từ suy nghĩ này, chị đã tạo ra môi trường nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, giúp những sinh viên tài năng phát triển khả năng nghiên cứu và trở thành những chuyên gia thực thụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Phi, việc hỗ trợ các sinh viên tài năng là điều vô cùng quan trọng, bởi chỉ có như vậy, đất nước mới có thể phát triển nền khoa học công nghệ tiên tiến. |
Một trong những dự án quan trọng mà chị khởi xướng là một hệ thống giám sát ô nhiễm không khí thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Dự án không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực hành nghiên cứu khoa học mà còn tạo ra một sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ cho cộng đồng, giúp mọi người có thể biết chất lượng không khí ở mọi nơi. Các sinh viên tham gia dự án này đều là những em có nền tảng toán học và tin học vững vàng nhưng chưa có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Lê Phi đã đồng hành cùng các em, hướng dẫn từng bước để các em có thể phát triển khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào thực tế.
Nhờ sự hỗ trợ của cô, nhiều sinh viên đã tìm thấy đam mê và định hướng mới trong sự nghiệp nghiên cứu. Không ít em đã lựa chọn con đường học sau đại học và nhận học bổng du học ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Phi, việc hỗ trợ các sinh viên tài năng là điều vô cùng quan trọng, bởi chỉ có như vậy, đất nước mới có thể phát triển nền khoa học công nghệ tiên tiến.
Năm 2024, nhóm nghiên cứu của chị đã có 9 bài báo được công nhận tại các hội thảo và tạp chí uy tín quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. PGS.TS Nguyễn Lê Phi cũng không quên nhắc đến sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng nghiên cứu AI người Việt ở nước ngoài. Những kết nối này giúp các sinh viên Việt Nam có cơ hội trải nghiệm môi trường nghiên cứu không thua kém các nước phát triển.
“Tôi đã nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của rất nhiều người Việt đang làm nghiên cứu về AI ở các trường, viện trên thế giới. Họ đã cùng tôi theo sát các em sinh viên, từng bước, từng bước 1 . Nhờ vậy, sinh viên của tôi mặc dù ở VN các em được trải nghiệm môi trường nghiên cứu không hề thua kém các bạn ở quốc tế. Tôi cũng thấy có nhiều người Việt dù đang ở nước ngoài nhưng họ sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ những người trẻ ở VN. Nếu như chúng ta có thể kết nối được với những người Việt như thế thì đó là nguồn tài nguyên vô giá để chúng ta có thể phát triển nền khoa học công nghệ của chúng ta” – PGS.TS Nguyễn Lê Phi khẳng định.
Với tấm lòng đam mê khoa học và khát khao cống hiến, PGS.TS Nguyễn Lê Phi đã và đang trở thành người thầy, người hướng dẫn tận tâm, truyền cảm hứng cho những thế hệ nghiên cứu khoa học tiếp theo. Chị hy vọng rằng, qua mỗi thế hệ, những sinh viên tài năng sẽ tiếp tục nối dài thành tựu nghiên cứu và giúp đất nước vươn tới đỉnh cao trong khoa học công nghệ.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Lê Phi đã có hơn 100 công bố tại nhiều tạp chí và hội thảo uy tín, bao gồm ComNet, JNCA, IEEE Sensors, ACM TOSN, IEEE IM và IEEE ICC. Chị đã giành nhiều giải thưởng bài báo xuất sắc tại các hội thảo uy tín, bao gồm ISSNIP’14, SoICT’15 và ICT-DM’19, CCGrid 2023 và CANDAR 2023. PGS.TS Nguyễn Lê Phi cũng tích cực đóng góp vào các hội nghị uy tín với vai trò Thành viên Chương trình Kỹ thuật cho các hội nghị như Globecom, ICC, PRICAI và WCNC, và tham gia phản biện cho các tạp chí, hội thảo hàng đầu như AAAI, CVPR, ECCV,UAI, ICCV, ToN và IoTJ. Các nghiên cứu của chị nhận được đầu tư từ nhiều tổ chức uy tín như VinIF, Nafosted, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ. PGS.TS Nguyễn Lê Phi là chủ nhiệm của 03 dự án, với tổng số tiền 321.000 USD. Chị cũng tham gia với tư cách thành viên chính của hai dự án khác với tổng số tiền 295.000 USD.
Nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Vật liệu cao phân tử và tổ hợp
PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín và hơn 100 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.