Bi kịch già hóa và cô độc tại Nhật Bản

Nhiều phụ nữ lớn tuổi tại Nhật Bản đang cố tình phạm tội để được vào tù. Đối với họ, nhà tù không phải nhà giam, mà là chốn nương thân

Hành lang nhà tù nữ Tochigi, trung tâm giam giữ phụ nữ lớn nhất Nhật Bản, không ồn ào náo nhiệt. Thay vào đó là hình ảnh những phạm nhân cao tuổi lê bước chậm rãi, vịn vào tường hoặc di chuyển bằng xe tập đi. Đây là bức tranh phản chiếu thực trạng già hóa và nỗi cô đơn đang ngày càng gia tăng trong xã hội Nhật Bản.

Hình ảnh những phạm nhân cao tuổi lê bước chậm rãi, vịn vào tường hoặc di chuyển bằng xe tập đi tại hành lang nhà tù nữ Tochigi. Ảnh: edition.cnn.com
Hình ảnh những phạm nhân cao tuổi lê bước chậm rãi, vịn vào tường hoặc di chuyển bằng xe tập đi tại hành lang nhà tù nữ Tochigi. Ảnh: edition.cnn.com

Theo phóng sự điều tra của CNN, nhiều phụ nữ lớn tuổi tại Nhật Bản đang cố tình phạm tội để được vào tù. Đối với họ, nhà tù không phải là nơi giam giữ, mà là chốn nương thân cuối cùng, nơi họ được chăm sóc, có bạn bè và ba bữa cơm no đủ.

"Thậm chí có những người muốn trả 20.000-30.000 yen (130-190 USD) mỗi tháng để sống ở đây vĩnh viễn", ông Takayoshi Shiranaga, quản giáo tại nhà tù nữ Tochigi, chia sẻ trong một buổi gặp gỡ hiếm hoi với truyền thông vào tháng 9/2024.

Akiyo, 81 tuổi, đang thụ án vì tội ăn cắp vặt đồ ăn, tâm sự: "Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này. Đây có lẽ là cuộc sống ổn định nhất với tôi". Bà Akiyo không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều phạm nhân lớn tuổi khác cũng có chung suy nghĩ. Họ chấp nhận lao động trong các nhà máy của nhà tù để đổi lấy sự an toàn, bữa ăn và những mối quan hệ xã hội.

Yoko, 51 tuổi, người đang thụ án tội danh ma túy lần thứ 5 trong vòng 25 năm qua, cho biết bà chứng kiến sự già hóa rõ rệt trong thành phần phạm nhân tại Tochigi. "Một số cố tình phạm pháp để được vào tù lần nữa, nếu hết tiền", bà Yoko nói.

Nghèo đói và cô lập - Hai nguyên nhân chính đẩy người già vào vòng lao lý

Trộm cắp là tội danh phổ biến nhất mà các tù nhân lớn tuổi ở Nhật Bản phạm phải, đặc biệt là nữ giới. Theo thống kê của chính phủ năm 2022, 80% phạm nhân nữ trên toàn quốc đang phải thụ án vì tội danh này.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nghèo đói và cô lập xã hội. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 20% người Nhật Bản trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo đói, cao hơn mức trung bình 14,2% của 38 quốc gia thành viên.

"Nhiều người tìm đến nhà tù vì lạnh hoặc đói. Họ còn được điều trị y tế miễn phí khi ngồi tù, nhưng sẽ phải tự trả tiền khi tự do, nên một số người muốn ở lại đây lâu nhất có thể", quản giáo Shiranaga cho hay.

Bên cạnh đó, sự cô lập xã hội cũng là một yếu tố quan trọng.  "Khi về với cuộc sống bình thường, họ không có ai chăm sóc. Một số bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm pháp. Họ không có nơi nào để về", quản giáo Megumi chia sẻ.

Thách thức cho hệ thống nhà tù và phúc lợi xã hội Nhật Bản

Lượng tù nhân trên 65 tuổi ở Nhật Bản tăng gấp 4 lần từ năm 2003 đến 2022, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống nhà tù. 20% phạm nhân ở nhà tù nữ Tochigi là người cao tuổi, buộc nhà tù phải điều chỉnh cơ chế quản lý cho phù hợp.

"Chúng tôi đang phải thay bỉm cho họ, giúp họ ăn uống, tắm rửa", Shiranaga nói. "Nơi đây giờ giống viện dưỡng lão hơn là nhà tù".

20% phạm nhân ở nhà tù nữ Tochigi là người cao tuổi, buộc nhà tù phải điều chỉnh cơ chế quản lý cho phù hợp. Ảnh: edition.cnn.com
20% phạm nhân ở nhà tù nữ Tochigi là người cao tuổi, buộc nhà tù phải điều chỉnh cơ chế quản lý cho phù hợp. Ảnh: edition.cnn.com

Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức được vấn đề này và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ. Bộ Phúc lợi từ năm 2021 đã tăng cường can thiệp sớm, cải thiện khả năng hỗ trợ người cao tuổi dễ bị tổn thương trong các trung tâm cộng đồng. Bộ Tư pháp cũng triển khai các chương trình riêng cho phạm nhân nữ, hướng dẫn tự lập, định hướng các mối quan hệ gia đình.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề. Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực điều dưỡng. Nước này dự kiến cần 2,72 triệu điều dưỡng viên vào năm 2040 để chăm sóc người cao tuổi.

Tương lai nào cho những "tù nhân bất đắc dĩ"?

Câu chuyện về những người phụ nữ cao tuổi phạm tội để vào tù ở Nhật Bản là một hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng già hóa dân số và những hệ lụy của nó. Nó đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi, cũng như sự cần thiết phải cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội để đảm bảo một cuộc sống  tử tế cho những người già neo đơn.

Liệu những "tù nhân bất đắc dĩ" này có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự sau song sắt nhà tù? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Diệu Hương

'Có Hẹn Cùng Thanh Xuân' – Chuyến tàu ngược thời gian cho người cao tuổi

"Có Hẹn Cùng Thanh Xuân" – Chuyến tàu ngược thời gian cho người cao tuổi

Với thông điệp "Tuổi tác chỉ ở con số, thanh xuân mãi trong tim mỗi người", chương trình "Có Hẹn Cùng Thanh Xuân" hứa hẹn sẽ là show truyền hình thực tế "ăn khách" ngay khi ra mắt vào 22/10 tới. Chương trình do nhãn hàng Vinamilk Sure Prevent Gold và VTV đồng hành tổ chức, được phát sóng định kỳ vào 21h15 tối chủ nhật hàng tuần trên VTV3.

Đọc nhiều nhất