Tốc độ già hóa dân số và vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam
Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở Việt Nam là một trong những thách thức lớn cho xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 8,3% dân số. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 21% vào năm 2056. So với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có tốc độ già hoá nhanh nhất khi chỉ mất 20 năm chuyển từ giai đoạn già hoá sang già.
Hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III -năm 2023 |
Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa, gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Sự suy giảm này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý, tăng nguy cơ phụ thuộc, tăng tỷ lệ tử vong. Theo thống kê, 11,7% người cao tuổi có ít nhất một khuyết tật chức năng, 6,32% khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3-4 bệnh không lây nhiễm.
Cho đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe và chăm lo đời sống cho người cao tuổi đã có nhiều cải thiện đáng kể. Khoảng 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, có 39,7% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp. Tuổi thọ trung bình đã tăng lên, hiện nay là tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi, nữ 76,1 và nam là 71,1 tuổi.
Thực trạng dinh dưỡng của người cao tuổi tại Việt Nam
Một trong những vấn đề dinh dưỡng cần can thiệp ở người cao tuổi là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi làm gia tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị. Theo một số kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây, tỷ lệ người cao tuổi suy dinh dưỡng trong cộng đồng là 11–15%, tỷ lệ này tại bệnh viện dao động từ 17,4 đến 49,2%. Bên cạnh suy dinh dưỡng, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng thường gặp trên người cao tuổi do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và kém đa dạng. Đặc biệt tình trạng thiếu canxi, vitamin D khá phổ biến ở người cao tuổi.
Một trong những vấn đề dinh dưỡng cần can thiệp ở người cao tuổi là suy dinh dưỡng |
Thừa cân béo phì cũng đang có xu hướng tăng lên. Theo số liệu tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trên 60 tuổi là 5,4%. Đến năm 2020, từ kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi tại một số thành phố và nông thôn đã cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của người trên 60 tuổi từ 13-18%. Chế độ dinh dưỡng dư thừa năng lượng và các chất dinh dưỡng, ít hoạt động thể lực cùng với các thay đổi trong thành phần cơ thể dẫn tới tăng tỷ lệ mắc thừa cân-béo phì ở người cao tuổi từ đó dẫn tới một số vấn đề về chất lượng cuộc sống như rối loạn giấc ngủ, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và tỷ lệ tử vong.
Tình trạng bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng khi tuổi càng cao. Trong đó đột quỵ và thiếu máu cơ tim là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, đái tháo đường và tiền đái tháo đường cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm tuổi 50-69. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người cao tuổi trên 60 tuổi là 10,9%, cao hơn trung bình của các lứa tuổi người trưởng thành là 7,3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ cao huyết áp, rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi trên 60 tuổi là trên 40% (theo kết quả Điều tra STEPs của Bộ Y tế năm 2020). Do đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng giúp duy trì thể trạng tốt đồng thời hỗ trợ kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở nhóm người cao tuổi.
Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi tại các cơ sở y tế
Hệ thống y tế tại Việt Nam chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số. Đến năm 2019, đã có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh. Tổng cộng đã có 106 khoa lão khoa được thành lập. Tuy nhiên cơ sở vật chất cho đến đội ngũ y bác sĩ cũng còn thiếu hụt, chưa đồng bộ. Tỷ lệ người cao tuổi khám và điều trị cao nhưng chưa có công cụ sàng lọc dinh dưỡng riêng. Đa số các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều đã thành lập khoa hoặc tổ dinh dưỡng tiết chế, nhưng chưa triển khai được nhiều hoạt động chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi.
Việc chăm sóc sức khỏe và chăm lo đời sống cho người cao tuổi đã có nhiều cải thiện đáng kể |
Một số trung tâm dưỡng lão/trung tâm bảo trợ người cao tuổi được thành lập nhưng vẫn còn hạn chế và nhân lực và cơ sở vật chất. Chế độ dinh dưỡng chưa thể cá thể hoá do thiếu nhân lực, người bệnh thiếu khả năng chi trả. Chất lượng bữa ăn của người cao tuổi tại các trung tâm chưa được kiểm tra, đánh giá và báo cáo.
Tại cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành một số thông tư hướng dẫn tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi, đồng thời chính thức triển khai và mở rộng hơn từ năm 2013 với mô hình bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có báo cáo chính thức về đánh giá hiệu quả của các mô hình bác sĩ gia đình chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi tại cộng đồng.
Chính sách liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi
Nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số, Việt Nam đã đưa ra một số quy định và chính sách trong chăm sóc người cao tuổi, nhấn mạnh người cao tuổi có quyền được đảm bảo các nhu cầu cơ bản và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ. Bao gồm: Luật Người cao tuổi (2009); Quyết định 7618/QĐ-BYT/2016 Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; Quyết định 1579/QĐ-TTg Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.
Trong chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc dinh dưỡng là một hợp phần không thể thiếu. Với việc thông qua Tuyên bố Thế giới và Kế hoạch Hành động vì Dinh dưỡng trong Hội nghị Quốc tế về Dinh dưỡng đầu tiên năm 1992, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược về Dinh dưỡng theo chu kỳ 10 năm. Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ năm 2022) cũng nhấn mạnh việc quản lý các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng cũng như tăng cường cải thiện tình trạng dinh dưỡng người cao tuổi. Để thực hiện hiệu quả và đạt được mục tiêu về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chủ trì là Bộ Y tế.
Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, Việt Nam đã biên soạn thảo các tài liệu về chăm sóc dinh dưỡng cho người dân Việt Nam trong đó có người cao tuổi, bao gồm 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, tháp dinh dưỡng hợp lý, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, dinh dưỡng lâm sàng, các nguyên tắc ăn uống hợp lý… Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung ương,…cùng các bộ ngành, đoàn thể liên quan đã và đang thực hiện truyền thông giáo dục, tư vấn về chế độ ăn hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh nhằm cải thiện sức khỏe dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cả bệnh viện và tại cộng đồng.
Định hướng chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi tại Việt Nam đến năm 2030.
Theo kế hoạch hành động quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2025, Bộ Y tế (đầu mối là Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đã và đang xây dựng đề án Chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi tại Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu chung của đề án là đến năm 2030, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi trên toàn quốc, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho người cao tuổi. Trong đó tập trung các mục tiêu: Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi; Nâng cao tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc dinh dưỡng và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng ban đầu của người cao tuổi; Đáp ứng đủ nhu cầu khám, điều trị các vấn đề dinh dưỡng của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...).
Trong chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc dinh dưỡng là một hợp phần không thể thiếu |
Để thực hiện các mục tiêu chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi góp phần hoàn thành mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2030, ngành dinh dưỡng đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, trợ giúp tài chính trong quá trình chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi ở hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn. Cần đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng, xây dựng chuyên môn, kỹ thuật phù hợp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người cao tuổi, phòng chống suy dinh dưỡng và bệnh mạn tính không lây, nâng cao tuổi thọ và tuổi sống khỏe. Tăng cường giáo dục truyền thông, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho mọi người dân, hộ gia đình có người cao tuổi, cơ sở y tế, câu lạc bộ cộng đồng người cao tuổi. Huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn lực, từ nguồn kinh phí nhà nước, địa phương đến doanh nghiệp, tư nhân; tăng cường phối hợp liên ngành, áp dụng các mô hình phù hợp trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc người cao tuổi.
Trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III, năm 2023, Hội nghị Chuyên đề "Y dược, dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng" đề cập đến những vấn đề thiết thực liên quan đến chất lượng sống của mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có việc chăm lo dinh dưỡng cho người cao tuổi
Các chuyên gia chỉ ra các giải pháp "Nuôi dưỡng tương lai bằng dinh dưỡng bền vững"
Đó cũng là thông điệp của Hội nghị Dinh dưỡng châu Á vừa diễn ra tại Thành Đô (Trung Quốc).