“Học lỏm” cách tiết kiệm không ngừng nghỉ của thế hệ người cao tuổi Nhật Bản

Thế hệ người cao tuổi ở Nhật Bản coi khả năng tiết kiệm là một loại trí tuệ.

Ở Nhật Bản, chỉ cần nhắc tới hai từ tiết kiệm, phần lớn mọi người sẽ nhớ ngay tới bà Ogasawara Yoko (73 tuổi) - Người được mệnh danh là "Bậc thầy tiết kiệm" tại xứ sở hoa anh đào.

Trong suốt 41 năm qua, mỗi ngày, bà Ogasawara Yoko chỉ tiêu 1000 Yên (khoảng 170 nghìn đồng).

Bà Ogasawara Yoko
Bà Ogasawara Yoko

Theo Tư liệu thống kê của Nhật Bản, mức chi tiêu trung bình của một người Nhật rơi vào khoảng 2378 yên/ngày (khoảng 400 nghìn đồng). Ở một đất nước có mức sống cao, vật giá leo thang như Nhật Bản, số tiền mà bà Ogasawara Yoko chi tiêu mỗi ngày quả thực rất khiêm tốn. Đó cũng chính là lý do cụ bà 73 tuổi này được mệnh danh là "Bậc thầy tiết kiệm".

Tiết kiệm không ngừng nghỉ là cách duy nhất để thế hệ người cao tuổi ở Nhật Bản được thảnh thơi an hưởng tuổi già

Bà Ogasawara Yoko không phải là người duy nhất hay thuộc nhóm "số hiếm" những người cao tuổi cố gắng chắt chiu, tiết kiệm không ngừng nghỉ. Phần lớn những người sinh ra vào thập niên 40-50 của thế kỷ 20 ở Nhật Bản vẫn luôn duy trì thói quen tiết kiệm ngay cả khi đã về hưu, ở độ tuổi xế chiều vì đó là con đường gần như duy nhất mang tới cho họ cảm giác an tâm.

"Vì không có lương hưu, rất nhiều người bạn đồng niên của tôi vẫn đang phải làm việc kiếm tiền mỗi ngày. Họ làm những công việc được trả mức lương thấp như nhân viên bảo vệ, thu gom rác,... Chắt chiu tiết kiệm là cách duy nhất để có một tuổi già thảnh thơi, chúng tôi luôn tin như vậy" - Bà Machiko (76 tuổi) chia sẻ.

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng người làm việc trên 65 tuổi đã tăng lên hàng năm trong suốt 18 năm qua. Vào năm 2021, khoảng 60.000 người cao niên mới gia nhập hàng ngũ người nghỉ hưu vẫn làm việc, nâng tổng số người già đi làm tại Nhật Bản lên khoảng 9,09 triệu người.

Thế hệ người cao tuổi Nhật Bản tiết kiệm như thế nào?

Duy trì cảm giác an tâm tài chính là mục tiêu không phân biệt tuổi tác. Nếu bạn đang thắc mắc: Không biết mình có học hỏi được gì từ lối sống tiết kiệm không ngừng nghỉ của thế hệ người cao tuổi ở Nhật Bản hay không, thì câu trả lời là có!

1 - "Mua có bạn"

Bà Machiko cho biết đã hơn 20 năm nay, bà chưa từng mua một món đồ gì một mình, mà luôn rủ hàng xóm hoặc những người bạn đồng niên mua chung. Trong trường hợp chẳng rủ được ai, bà Machiko sẽ quyết định nói không với món đồ bà có mong muốn sở hữu. 

Bà Machiko
Bà Machiko

"Một người mua 20 chiếc bát phải trả số tiền ít hơn so với việc 2 người mua mỗi người 10 chiếc bát.

Mua hàng số lượng lớn sẽ được chiết khấu, được giá tốt hơn là điều rất dễ hiểu, cũng rất phổ biến ở những cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Nhật Bản" - Bà Machiko chia sẻ và khẳng định thêm rằng bà không bao giờ "lại gần" những siêu thị hay những cửa hàng lớn vì ở những nơi đó, họ luôn bán hàng với giá niêm yết.

2 - Lên danh sách chi tiết những thứ cần mua và không bao giờ "lang thang trong cửa hàng"

Đây chính là bí quyết của "bậc thầy tiết kiệm" Ogasawara Yoko. Khi cần mua sắm, bà Yoko sẽ lên danh sách những món cần mua với số lượng cụ thể. Sau đó khi đến cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, bà sẽ đến đúng quầy trưng bày sản phẩm đó, nhặt đúng số lượng món đồ đã ghi trong danh sách rồi nhanh chóng đi tính tiền để tránh việc "đi lang thang" và bị thu hút bởi những món đồ bản thân không thực sự cần.

Trong khi người trẻ chúng ta coi việc đi siêu thị là "một phương pháp chữa lành, cải thiện tâm trạng" thì thế hệ người cao tuổi ở Nhật Bản lại nhìn được những "hiểm nguy tốn tiền" trong hoạt động tưởng chừng đơn giản này.

3 - Gần gũi thiên nhiên, hạn chế sử dụng điện hết mức có thể

Người bạn thân của bà Machiko trong những ngày thời tiết nóng như đổ lửa chính là một chiếc quạt giấy và… tán cây cổ thụ trong công viên gần nhà. Bà Machiko chẳng nhớ nổi lần gần nhất bà dùng điều hòa là khi nào. Những lúc cảm thấy nóng quá, bà Machiko sẽ đội mũ, cầm theo chiếc quạt giấy và đi bộ quãng đường khoảng 800 mét ra công viên, ngồi hóng gió.

"Tôi dùng mồ hôi để làm mát cơ thể, dùng gió tự nhiên thay vì gió điều hòa. Ban đêm , tôi sẽ đặt một chậu nước trước quạt để làm hạ nhiệt độ phòng trong những ngày quá nóng" - Bà Machiko kể.

4 - Lập ngân sách chi tiêu theo ngày

Không phải ngân sách chi tiêu theo tuần hay theo tháng, cả bà Ogasawara Yoko và bà Machiko đều có thói quen lập ngân sách chi tiêu theo ngày. Bà Machiko thậm chí còn kẹp khoản tiền mình được phép tiêu mỗi ngày vào một cuốn sổ. Mỗi ngày, bà sẽ lấy đúng khoản tiền đó để mua thực phẩm. Trong trường hợp không tiêu hết số tiền đó trong ngày, bà Machiko sẽ lấy phần tiền thừa ra, để vào hũ tiết kiệm.

“Học lỏm” cách tiết kiệm không ngừng nghỉ của thế hệ người cao tuổi Nhật Bản

Thế hệ người cao tuổi ở Nhật Bản không coi tiết kiệm là một thói quen hay một lựa chọn, họ nhìn nhận hành vi này như một loại trí tuệ. Chỉ những người thực sự biết lo lắng cho tương lai, cho tuổi già của mình mới có thể tiết kiệm một cách bền bỉ, không ngừng nghỉ, như những gì bà Ogasawara Yoko, bà Machiko đã và đang làm.

Ngọc Linh

Thế hệ 8x (1980 - 1989) cần phải tiết kiệm bao nhiêu để đạt được “sự an tâm tuyệt đối”?

Thế hệ 8x (1980 - 1989) cần phải tiết kiệm bao nhiêu để đạt được “sự an tâm tuyệt đối”?

Thế hệ 8x là những người đang phải gánh trên trách nhiệm chăm sóc cho 3 thế hệ: Bố mẹ - con cái - chính bản thân mình.