Một chuyến đi tàu điện ngầm từ Ga Admiralty ở trung tâm Hồng Kông đến cửa khẩu biên giới La Hồ ở Thâm Quyến vào một buổi sáng Chủ nhật mất khoảng 50 phút và tốn 50 đô la Hồng Kông (162.000 đồng). Chuyến tàu chật kín các gia đình và các cặp đôi, một số hành khách mang theo túi xách hoặc vali nhỏ.
"Thâm Quyến có rất nhiều cửa hàng", một người đàn ông khoảng 40 tuổi đi tàu cùng con gái cho biết. Thành phố đại lục có một loạt các thương hiệu nước ngoài như Lululemon và Uniqlo, cũng như các thương hiệu địa phương của Trung Quốc, cùng với các món ăn đường phố rẻ tiền như mì, lẩu và xiên.
Vào năm 2023, khi các hạn chế liên quan đến COVID được dỡ bỏ, người Hồng Kông đã vào Trung Quốc đại lục qua Thâm Quyến bằng đường bộ khoảng 53 triệu lần, tương đương bảy lần cho mỗi cư dân trên lãnh thổ. Điểm đến chính của họ là Thâm Quyến, nơi có thể dễ dàng đến được bằng tàu điện ngầm, tàu cao tốc và ô tô.
Theo chính quyền địa phương, chi tiêu tiêu dùng ở Thâm Quyến đã tăng 8% trong năm ngoái lên 1,05 nghìn tỷ nhân dân tệ (145 tỷ USD), với chi tiêu mua sắm tăng 7% và chi tiêu thực phẩm tăng 15%. Sự tăng trưởng chung tiếp tục diễn ra trong quý trước, với mức tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực phẩm và dịch vụ giá rẻ ở đại lục là điểm thu hút lớn nhất.
Tại một siêu thị ở Thâm Quyến, ba phụ nữ ở độ tuổi 40 tại siêu thị cho biết cách 1-2 tháng, họ lại sang đại lục và chi khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi người, trong đó đồ ăn chiếm khoảng 2/3 chi phí. Họ cho biết, tính cả phương tiện đi lại, chi phí cũng tương đương với giá ở Hồng Kông.
Các khu vực công và tư của Thâm Quyến đang hợp tác để khai thác nhu cầu này. Một nhà điều hành xe buýt liên kết với chính quyền thành phố điều hành các tuyến miễn phí nối biên giới với các trung tâm mua sắm và điểm nóng du lịch.
Trung tâm mua sắm Wongtee Plaza cung cấp giảm giá cho người mua hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử phiên bản Hồng Kông. Một trung tâm mua sắm khác tăng cường nhân sự tại các cửa hàng vào các ngày lễ ở Hồng Kông và cung cấp chỗ đậu xe miễn phí cho ô tô mang biển số Hồng Kông.
Trong khi đó, dòng tiền tiêu dùng chảy ra ngoài đang khiến thị trường Hồng Kông gặp khó.
Doanh số bán lẻ trong thành phố này đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước trong quý trước, thấp hơn ngay cả khi họ đang bị hạn chế về đại dịch. Chuỗi cửa hàng tạp hóa Dah Chong Hong Food Mart gần 4 thập kỷ đã đóng cửa tất cả 28 địa điểm vào tháng 4 sau khi mất khách hàng vào tay các siêu thị lớn chỉ dành cho thành viên ở Thâm Quyến và các nơi khác.
Một nhóm tổng hợp thông tin về các nhà hàng, cửa hàng địa phương đã ngừng kinh doanh đã gây chú ý trên Facebook. Nhiều người bình luận than thở về việc đóng cửa các cửa hàng yêu thích hoặc sự thất thế của Hồng Kông trước đại lục.
Raiky Wong, giám đốc bán lẻ của công ty môi giới bất động sản Centaline Commercial cho biết: "Việc đóng cửa hàng không ngừng. Wong dự kiến giá giao dịch đối với người thuê thương mại sẽ giảm tới 5% trong quý này so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.
Hỗ trợ cho sự thay đổi này về phía đại lục là sự tăng giá của đồng đô la Hồng Kông, được gắn với đồng đô la Mỹ mạnh. Tính đến ngày 1/5, đồng tiền Hồng Kông đã tăng giá 5% so với đồng nhân dân tệ so với một năm trước đó và khoảng 10% so với hai hoặc ba năm trước.
Nhiều nhà hàng ở Hồng Kông tính thêm 10% phí dịch vụ vào hóa đơn cho khách hàng dùng bữa tại nhà hàng.
Mặt khác, chất lượng thực phẩm và dịch vụ ở Thâm Quyến và các thành phố lớn khác ở đại lục đã được cải thiện, một cư dân Hồng Kông 47 tuổi, người đến thăm đại lục cùng bạn bè hầu như mỗi tuần, cho biết: "Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn khi tôi trở lại Hồng Kông".
Annie Yau-tse, chủ tịch Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông, cho biết: "Hồng Kông đang trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn và sự sụt giảm chi tiêu từ các yếu tố như 'tiêu dùng hướng bắc' có thể sẽ tiếp tục".
(Nguồn: Nikkei)