Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết “diệt sâu bọ” là ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa – tín ngưỡng dân gian Phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới trong năm, cầu mong những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, sinh nhai thuận lợi. Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân – móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ…
Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ miền Bắc thường có bánh tro, rượu nếp, trái cây... Nguồn: Facebooker Da Huong Pham |
Nếu Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc gắn liền với những câu chuyện về cái chết của Khuất Nguyên - người nổi tiếng với tập thơ Ly tao bất hủ thời Chiến Quốc, hay lòng hiếu thảo của Cao E – cô gái thời Đông Hán… thì Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam lại gắn liền với truyền thuyết:
Vào một ngày sau khi được vụ mùa, nông dân khắp nơi đều ăn mừng, hân hoan. Nhưng bất ngờ sâu bọ ở đâu kéo đến tàn phá hoa màu, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải trừ được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà vận động, thể dục. Ông lão còn dặn thêm: "Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng". Người dân nghe xong bèn làm theo và chỉ một lúc sau, đàn sâu bọ té ngã rã rượi.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân gọi ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Do đó, quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng là không chính xác.
Ngoài bánh tro, thì rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. |
Ngoài bánh tro, thì rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nguyên do là vì người ta cho rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Trong ngày ngày mồng 5.5 (âm lịch) các loại ký sinh trong cơ thể con người cũng thường ngoi lên, gây hại tới cơ thể con người. Do đó, việc ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, mục đích là để loại bỏ những loài ký sinh đó.
Ngày nay, Tết Đoan Ngọ là một lễ Tết phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Singapore và một số quốc gia khác với các nghi thức mang tính địa phương.
Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 Âm lịch: Cùng gì, khấn thế nào?
Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ tết cổ truyền quan trọng trong đời sống của người Việt Nam.