TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết, những ngày "ăn ngủ" tại phòng thí nghiệm để nghiên cứu virus Sars-CoV-2, những ngày tham gia phòng chống dịch với việc đi lấy mẫu bệnh phẩm, hay có mặt ở các "điểm nóng" như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh-Bắc Giang, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội,... đều có mặt của các nhà khoa học nữ Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.
Thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, phân tích kết quả, các nhà khoa học nữ ở Viện đều tham gia. Các khu cách ly, khu phong tỏa đầu tiên của thành phố Hà Nội đều có dấu chân của các chị.
Thu thập mẫu là công việc phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi nhiễm Covid-19, thời điểm lấy mẫu là thời điểm mà khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành cao nhất. Không ngại khó khăn, nguy hiểm, các mẫu bệnh phẩm đã được lấy và chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ để xét nghiệm…
TS Hoàng Vũ Mai Phương chia sẻ về những công việc của các nhà khoa học nữ Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ trong đại dịch Covid-19. |
Cống hiến hết sức, không ngại nguy hiểm, những nhà khoa học nữ ở Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã đóng góp rất nhiều để đẩy lùi đại dịch. TS. Hoàng Vũ Mai Phương cho biết, để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này thì "hậu phương" của những nhà khoa học nữ rất quan trọng.
"Chúng tôi thường xuyên phải "báo cáo" tình hình công việc cho gia đình để những người thân của mình có thể hiểu và thông cảm. Bởi, với công việc thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, đặc biệt với Viện đầu ngành như Vệ sinh dịch tễ, tác nhân gây bệnh lại thường là những tác nhân nguy hiểm. Đặc biệt, chúng tôi luôn phải động viên nhau tự chăm sóc bản thân thật tốt, không được để ốm. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, quan tâm đến sức khỏe của nhau, hỗ trợ tinh thần trong những lúc khó khăn nhất", TS. Hoàng Vũ Mai Phương chia sẻ.
Các nữ nhân viên y tế mệt nhoài trong trận chiến chống Covid-19. |
Chia sẻ tại Hội thảo, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ) đã rất xúc động khi nhớ lại quãng thời gian phòng chống dịch mà với chị là "cơn ác mộng". Bởi bệnh viện nơi chị đang công tác chính là tuyến đầu và cũng là tuyến cuối trong phòng chống đại dịch Covid-19. Đối diện với sự khủng khiếp của đại dịch, những nhân viên y tế nữ như chị đều cảm thấy hoang mang, sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, bất an.
"Hoang mang khi không biết rõ về căn nguyên gây bệnh, về cách điều trị, về phương án chống dịch. Sợ hãi khi chứng kiến tốc độ lây và mức độ nặng của bệnh ở thời gian đầu khi chưa có vaccine, khi phải chứng kiến tử vong và gói xác bệnh nhân, khi nghe tin người nhà mắc bệnh. Lo lắng, căng thẳng khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, khi không đủ giường bệnh, khi xa gia đình quá lâu, đặc biệt với những phụ nữ có con nhỏ. Bất an khi không rõ thời gian có thể về nhà với gia đình, khi không biết liệu mình có bị nhiễm bệnh không, có bị phạt khi nhiễm bệnh không. Bất an về kinh tế để lo cho gia đình, về việc gia đình có ổn không khi thiếu bàn tay người phụ nữ…", bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền xúc động khi nhớ lại quãng thời gian phòng chống dịch. |
Thế nhưng, những nhân viên y tế nữ đã vượt qua những hoang mang, sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, bất an ấy để cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, công việc của mình, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền: "Nhà khoa học nữ, nhân viên y tế sẽ tinh tế, dịu dàng, kiên nhẫn, tỉ mỉ trong công việc của mình. Họ sẵn sàng lên đường đi chống dịch, tham gia nghiên cứu khoa học về các phương tiện phòng hộ, phác đồ điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn… Họ học được rất nhiều bài học về phòng chống dịch, học được cách vượt qua thử thách, đặc biệt họ cảm nhận sâu sắc về nhân tình thế thái".
Mong ước của bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền là trở về cuộc sống bình thường, mong đại dịch không bao giờ lặp lại. "Chưa bao giờ tôi yêu hai tiếng "bình thường" đến thế. Tôi mong mọi thứ trở về bình thường, mong được nắm tay chồng con đi dạo ở công viên mà không phải đeo khẩu trang".
Hội thảo đã ghi nhận nhiều chia sẻ của các nhà khoa học nữ. Họ đều có điểm chung là dù bị ràng buộc nhiều hơn với trách nhiệm gia đình trong đại dịch, họ vẫn duy trì kỷ luật lao động khoa học nghiêm túc và hết mình. Những cống hiến, hy sinh của những nhà khoa học nữ đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế trong phòng chống bạo lực gia đình
Cần tiếp tục rà soát, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình để phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi.