Sáng 22/4, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tiêu dùng xanh, dán nhãn trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng”.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh theo Chiến lược quốc gia, hướng tới một nền kinh tế xanh và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
![]() |
Hội thảo “Tiêu dùng xanh, dán nhãn trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng” thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện Hội Nông dân, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam và đông đảo hội viên Hội Nữ trí thức Hà Nội. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, nhấn mạnh: tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu và là một nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hà Nội, với vai trò là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể trong năm 2025, bao gồm việc nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững cho người dân, doanh nghiệp và các khu vực sản xuất. Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo |
Để đạt được những mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung vào công tác truyền thông, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, phát triển hệ thống phân phối bền vững và cung cấp thông tin, hướng dẫn về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái cho người tiêu dùng. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình liên kết giữa nhà cung ứng và cơ sở bán lẻ để phát động phong trào tiêu dùng xanh, bền vững.
Hội thảo lần này là một hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng chủ trương của thành phố, đồng thời tạo diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ góc nhìn khoa học về các khía cạnh của tiêu dùng xanh, bao gồm thực trạng và thách thức trong việc dán nhãn sản phẩm xanh tại Hà Nội và Việt Nam, cũng như vai trò của phụ nữ, hộ gia đình và cộng đồng trong việc thúc đẩy xu hướng này.
Với tham luận “Tiêu dùng xanh trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng – Xu hướng tất yếu và tác động tại đô thị lớn như Hà Nội”, TS. Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Hà Nội nhấn mạnh, tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng thời đại mà còn là giải pháp then chốt cho phát triển bền vững tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Nghiên cứu cho thấy, người dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ có học thức, ngày càng ưu tiên sử dụng thực phẩm hữu cơ, bao bì sinh học, giảm rác thải nhựa và sản phẩm tái chế.
![]() |
TS. Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Hà Nội chia sẻ tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng thời đại mà còn là giải pháp then chốt cho phát triển bền vững tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. |
TS. Liên chỉ rõ, tiêu dùng xanh giúp giảm áp lực lên môi trường đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất đổi mới và kinh tế tuần hoàn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Với nhận thức ngày càng tăng và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, Hà Nội có tiềm năng trở thành hình mẫu về tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần một chiến lược dài hạn, sự phối hợp đồng bộ và các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những rào cản đang tồn tại.
Bên cạnh những kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, với nhà sản xuất, doanh nghiêp, với các tổ chức xã hội và cơ sở giáo dục, TS. Liên kêu gọi cộng đồng chủ động lựa chọn sản phẩm xanh, ủng hộ thương hiệu có trách nhiệm và thay đổi thói quen tiêu dùng vì một Hà Nội xanh, bền vững.
TS. Nguyễn Văn Hải, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng một trong những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh là hệ thống dán nhãn sản phẩm xanh. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống nhãn xanh tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với khó khăn về chi phí, thủ tục, thông tin và năng lực kỹ thuật. Đồng thời, tình trạng "greenwashing" và sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng đang làm suy giảm hiệu quả của các chứng nhận xanh.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Hải chia sẻ tham luận về “Thực trạng và thách thức trong việc dán nhãn sản phẩm xanh tại Hà Nội và Việt Nam” |
Để giải quyết những vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Hải đề xuất: cần xây dựng chiến lược quốc gia và cơ sở dữ liệu tập trung về nhãn xanh, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường giám sát hành vi "greenwashing", đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, và tăng cường truyền thông giáo dục cộng đồng...
Chia sẻ tham luận về “Vai trò của phụ nữ, hộ gia đình và cộng đồng khu dân cư trong thúc đẩy tiêu dùng xanh”, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội khẳng định phụ nữ là nhân tố then chốt thúc đẩy tiêu dùng xanh.
![]() |
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội khẳng định, phụ nữ là nhân tố then chốt của tiêu dùng xanh đô thị |
“Phụ nữ không chỉ đóng vai trò là người ra quyết định chính trong tiêu dùng hộ gia đình mà còn giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa hành vi tiêu dùng bền vững ra cộng đồng thông qua các kênh tổ chức như: Hội Phụ nữ, tổ dân phố và mạng nội khu.” - PGS.TS Bùi Thị An chỉ rõ.
Nhiều mô hình cộng đồng do phụ nữ khởi xướng đã chứng minh hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng bền vững như: mô hình “Tổ phụ nữ nói không với túi nilon”, mô hình “chợ xanh tử tế”, “khu dân cư tiêu dùng xanh”... Chỉ tính riêng trong năm 2022, có hơn 60.000 hội viên Hội LHPN Hà Nội tham gia hoạt động chống rác thải nhựa, trên 15.000 hộ ký cam kết tiêu dùng xanh, góp phần giảm trung bình 30 – 50% lượng túi nilon tại các khu chợ thí điểm. Truyền thông cộng đồng, đặc biệt qua các kênh gần gũi như Hội phụ nữ, mạng xã hội nội khu..., có sức mạnh lan tỏa thông điệp xanh, tạo hiệu ứng tích cực.
Để phụ nữ nói riêng và cộng đồng dân cư phát huy tối đa vai trò trong thúc đẩy tiêu dùng xanh, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị cần hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các mô hình cộng đồng; ghi nhận khuyến khích phụ nữ tiêu dùng xanh, lồng ghép vào bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; đầu tư vào truyền thông cộng đồng; xây dựng chuỗi cung ứng xanh và mạng lưới phân phối sản phẩm bền vững tăng cường phối hợp liên ngành...
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe những trao đổi của GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng về “Ý nghĩa của dán nhãn thực phẩm”, tham luận “Tiêu dùng xanh – Xu thế tất yếu cho đô thị hiện đại và sức khỏe cộng đồng” của ông Ngô Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; tham luận “Dán nhãn sản phẩm xanh: Từ nhận diện đến niềm tin của người tiêu dùng” của bà Bùi Thị Hạnh và những chia sẻ của PGS.TS Phan Thị Mỹ Dung về “Phụ nữ và cộng đồng đô thị: Hạt nhân thúc đẩy tiêu dùng danh từ gốc rễ”.
![]() |
Chia sẻ tham luận “Ý nghĩa của dán nhãn thực phẩm”, GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng nhấn mạnh: Nhãn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Khuyến cáo, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn trước khi mua và kiểm tra sản phẩm khi mở bao bì. Nếu gặp các vấn đề cấp tính (đau bụng, nôn ói) hoặc mãn tính (trẻ không lên cân) sau khi dùng thực phẩm, cần báo ngay cho cơ quan y tế. Về phía nhà sản xuất, cần có trách nhiệm công khai thông tin sản phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn, thu hồi sản phẩm khi có phản ánh và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra và kiểm nghiệm thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. |
![]() |
Ông Ngô Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nông dân dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ tham luận “Tiêu dùng xanh – Xu thế tất yếu cho đô thị hiện đại và sức khỏe cộng đồng” |
![]() |
Bà Bùi Thị Hạnh chia sẻ về “Dán nhãn sản phẩm xanh: Từ nhận diện đến niềm tin của người tiêu dùng” |
![]() |
PGS.TS Phan Thị Mỹ Dung với những chia sẻ về “Phụ nữ và cộng đồng đô thị: Hạt nhân thúc đẩy tiêu dùng danh từ gốc rễ”. |
Tại phiên thảo luận, bà Hoàng Thị Ái Nhiên nhấn mạnh rằng xã hội đang đối mặt với vấn đề khủng hoảng lòng tin, điều này được bà đúc kết từ những trải nghiệm thực tế. Bà cho rằng, đây là rào cản lớn nhất, gây khó khăn cho việc thay đổi thói quen tiêu dùng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh. Do đó, cần tăng cường các hoạt động giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh, giúp họ hiểu rõ lợi ích và có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Bà cũng lưu ý rằng, một khi người tiêu dùng đã quen với các sản phẩm xanh, họ sẽ khó chấp nhận quay trở lại các sản phẩm thông thường, đồng thời chỉ ra tiềm năng của nông nghiệp tuần hoàn trong việc tạo ra đa sinh kế và đa lợi nhuận.
![]() |
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên nhấn mạnh rằng vấn đề khủng hoảng lòng tin là rào cản lớn nhất, gây khó khăn cho việc thay đổi thói quen tiêu dùng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh. |
Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ Mới, cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh, ví họ như người "cầm chìa khóa" sức khỏe của gia đình. Bà chỉ rõ, việc cân bằng giữa mong muốn sử dụng sản phẩm xanh, sạch và khả năng chi trả của nhiều gia đình đang là một vấn đề nan giải. Đồng thời, bà cũng bày tỏ sự lo ngại về những bất cập trong dán nhãn sản phẩm, điều này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của họ. Bà đặt câu hỏi về “cơ quan nào kiểm tra nhãn dán?" và kiến nghị cần có cơ chế để kiểm tra tính xác thực của các nhãn dán sản phẩm xanh, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
![]() |
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu tổng kết Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội bày tỏ sẽ kiến nghị những vấn đề trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo tới các cấp lãnh đạo thành phố, Hội LHPH Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, nhằm truyền tải mạnh mẽ tiếng nói của nữ trí thức Thủ đô. Đồng thời, PGS.TS Bùi Thị An cũng kêu gọi các đại biểu phát huy vai trò tiên phong, lan tỏa sâu rộng thông điệp về tiêu dùng xanh nhằm khôi phục niềm tin nơi cộng đồng và thúc đẩy kinh tế xanh, kiến tạo một Thủ đô phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kỳ vọng Tạp chí Phụ nữ Mới sẽ là cầu nối hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng về tiêu dùng xanh đến mọi tầng lớp xã hội, từ nhà quản lý, sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng.
Hội Nữ trí thức Việt Nam thăm và làm việc với Tạp chí Phụ nữ Mới
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam chúc mừng Tạp chí Phụ nữ Mới và hy vọng rằng, với môi trường làm việc mới, Tạp chí sẽ ngày càng phát triển