Nha Trang xưa - Nha Trang nay và một tương lai xanh

Vùng đất được Nhà khoa học vĩ đại Alexandre Yersin chọn làm quê hương thứ hai và gắn bó hơn nửa thế kỷ

Với nhiều lợi thế vượt trội từ thiên nhiên ưu đãi, trên 30 thập niên qua, thành phố du lịch biển nổi tiếng Nha Trang đã được du khách khắp nơi trên thế giới yêu thích, chọn đến. Sau khi được chính thức đứng vào hàng ngũ CLB Các vịnh đẹp nhất thế giới, thành phố Nha Trang còn được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng...

Vùng đất được Nhà khoa học vĩ đại Alexandre Yersin chọn làm quê hương thứ hai và gắn bó hơn nửa thế kỷ

Thật không phải ngẫu nhiên năm 1891, Bác sĩ Alexandre Yersin- Nhà Khoa học lỗi lạc của thế giới, người Pháp, gốc Thụy Sỹ, một vị đại ân nhân của nhân loại, đã đến Nha Trang và chọn định cư tại làng Chài- Xóm Cồn, bên bờ biển. Ngài đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp khoa học đa dạng và đặc biệt nghiên cứu thành công việc sản xuất huyết thanh, kháng thể chữa bệnh dịch hạch, căn bệnh đã giết chết hàng triệu người trên thế giới; đồng thời nghiên cứu sản xuất thành công thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét- căn bệnh thời đại tưởng chừng vô phương cứu chữa lúc bấy giờ, cùng nhiều sáng chế kháng thể vắc xin khác,...

Một góc phía Bắc vịnh Nha Trang
Một góc phía Bắc vịnh Nha Trang
Biển Hòn Chồng- Nơi du kkách nước ngoài hành thiền và tắm nắng.
Biển Hòn Chồng- Nơi du kkách nước ngoài hành thiền và tắm nắng.

Lúc ấy, Nha Trang vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, xung quanh là biển và rừng rậm, dân cư thưa thớt... Vậy điều gì đã thu hút giữ chân Bác sĩ AlexadreYersin sau khi vượt qua chặng đường dài từ nước Pháp và nhiều nước trên thế giới để chọn ở lại với Nha Trang ?! Có lẽ, đó chính là thiên nhiên tươi đẹp, phong cảnh sông núi kỳ thú, hữu tình, thời tiết ấm áp và con người Nha Trang hiền hòa, thân thiện,.. Hành trang Ngài mang theo đến Nha Trang là tấm bằng Bác sĩ y khoa cùng những kinh nghiệm khi làm việc chung với nhà bác học Louis Pasteur tại Paris.

Hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc tại thành phố biển Nha Trang (từ cuối thế kỷ XIX đến gần giữa thế kỷ XX), ngoài những thành tựu công trình khoa học đa dạng, Bác sĩ A.Yersin với cách sống giản dị, lòng nhân ái và tình yêu thương đặc biệt dành cho thiên nhiên, con người Nha Trang- Việt Nam, dường như đã tiếp thêm năng lượng tích cực, để Ngài cống hiến cho nền khoa học thế giới 55 công trình nghiên cứu có giá trị.

Bác sĩ A.Yersin là người đặt móng, khai mở phát triển nền Tây Y Việt Nam. Ngài cũng chính là người đặt nền móng cho kiến trúc xây dựng cổ kính của Pháp tại Nha Trang, đồng thời  tận tình chia sẻ, chỉ dạy người dân Nha Trang vốn văn hóa tốt đẹp của người Pháp. Ngài đã góp công rất lớn phát triển nền nông nghiệp, Y học, văn hóa Việt Nam... Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài đã được vinh danh, tín nhiệm với những trọng trách: Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang; Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương; Hiệu trưởng Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội; Tổng thanh tra các Viện Pasteur Đông Dương; Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; Chủ tịch danh dự Hội đồng Y khoa Viện Pasteur Paris- Pháp.  

Ngày 01/03/1943, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng tại TP. Nha Trang, thọ 80 tuổi. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã thương tiếc, tiễn đưa nối dài từ TP.Nha Trang đến mộ phần của Ngài cách trên 10km. Việt Nam mãi mãi biết ơn Bác sĩ Alexandre Yersin! Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP.Buôn Mê Thuộc, TP.Nha Trang đều đã đặt tên Ngài-Yersin cho một con đường trong trung tâm thành phố. Ở TP. Nha Trang, có bệnh viện đa khoa Yersin; TP.Đà Lạt, ngoài tên đường, còn có tên Trường Trung học Yersin.

Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin
Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin

Hiện nay, tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa có ba khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin: Thư viện của Bác sĩ Yersin tại viện Pasteur Nha Trang; Chùa Linh Sơn- Pháp Ấn, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh vẫn lưu giữ di tích phòng làm việc của Ngài (được chỉn chu tưởng niệm); Mộ phần của Bác sĩ A.Yersin, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh là di tích văn hóa được giữ gìn tôn nghiêm.

Nha Trang nên thơ, thành nhạc, níu chân người lữ khách

 “...Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ Bao năm du khách hằng chờ Một ngày ghé đến Nha Trang Ai ơi người về cho ta nhắn với Nha Trang quê hương dịu hiền Ngàn đời lòng tôi mến yêu...”

Đó là một đoạn lời bài hát “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ, viết vào đầu thập niên 1950. Nhạc sĩ Minh Kỳ- là cháu đời thứ năm của vua Minh Mạng, có vai vế ngang với vua Bảo Đại và là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn ở Nha Trang. Dù thời gian sống ở Nha Trang không dài, nhưng ông đã đặc biệt yêu thương và viết nhiều nhạc phẩm ca ngợi cảnh đẹp và tình yêu dành cho miền thùy dương cát trắng này: Nha Trang, Nhớ Nha Trang, Nha Trang Chiều Mưa, Người Em Miền Cát Trắng,..

Thảo luận hiến kế và đề xuất giải pháp chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP.Nha Trang
Thảo luận hiến kế và đề xuất giải pháp chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP.Nha Trang
Các học giả, các nhàn khoa học thảo luận hướng đến xây dựng TP.Nha Trang-Khánh Hòa phồng vinh
Các học giả, các nhàn khoa học thảo luận hướng đến xây dựng TP.Nha Trang-Khánh Hòa phồng vinh

Từ những năm xa xưa ấy, hồn biển, hương quê của đất và người Nha Trang đã đi vào miền ký ức yêu thương, đã làm thổn thức con tim của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Biển nhớ- 1962), cố nhạc sĩ Phạm Duy (Nha Trang ngày về- 1970),..

Sau ngày đất nước thống nhất, đã có thêm hàng loạt nhạc phẩm viết về Nha Trang đi vào lòng người như Nha Trang Mùa Thu lại về (cố nhạc sĩ Văn Ký), Nha Trang thành phố tôi yêu, Nhớ biển nhớ em, Tình yêu của biển (nhạc sĩ Văn Dung), Nha Trang Thu (nhạc sĩ Phó Đức Phương), Biển hẹn Nha Trang, Phố biển Nha Trang (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), Thơ tình gửi Nha Trang (nhạc sĩ Vân Khánh), Nha Trang biển nhớ (nhạc sĩ, bác sĩ Trương Tấn Minh), Nhớ biển Nha Trang (Văn Chừng), Nguyện làm con sóng (cố nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng), Nha Trang ngày mới (Trọng Đài), Chiều Nha Trang biển hát, Biển khát, Biển nắng Nha Trang, Nha Trang vịnh ngọc, Nha Trang niềm nhớ, Nha Trang ơi, về Nha Trang, Biển- Nỗi nhớ và em, Nha Trang tình yêu của tôi,...

Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Hội thảo khoa học
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Hội thảo khoa học
GS-TS Nguyễn Văn Kim tham luận tại Hội thảo quốc tế nhận diện đất và người Nha Trang
GS-TS Nguyễn Văn Kim tham luận tại Hội thảo quốc tế nhận diện đất và người Nha Trang

Nha Trang không chỉ đẹp như một bức tranh với những gam màu tươi mát, hiền hòa, nhưng tràn đầy khát vọng của biển đảo, có đàn chim yến, đàn hải âu bay lượn. Nha Trang còn có sông suối, những cánh đồng xanh bát ngát và đàn cò trắng,... Nha Trang hữu tình, ẩn chứa, thẩm thấu trong tâm hồn mỗi người con xứ sở,... Để rồi, ai đó xa quê cũng khắc khoải, hoài nhớ về quê hương với niềm hạnh phúc và tự hào khôn tả xiếc. Với người lữ khách dù chỉ một lần ghé đến, Nha Trang luôn mang theo ấn tượng khiến nhớ, gieo thương về những kỷ niệm êm đềm yêu người, yêu biển, có lúc trở nên da diết, cồn cào như nhớ người yêu...

Gần 60 năm trước, nhà thơ, nhà văn Quách Tấn (1910-1992) cũng đã khởi bút du ký “Xứ Trầm Hương” viết về mọi nét đặc trưng từ lịch sử, địa lý, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh cổ tích, phong tục, tập quán của đất và người Khánh Hòa. Đó là ý tưởng, cảm xúc và hành trình trải nghiệm mà ông đã hoài thai từ những năm tháng làm việc tại Tòa Sứ Nha Trang (1935-1945). Lúc ấy, ông có dịp được làm thông ngôn cho các nhà du lịch, các nhà khảo cổ ngoại quốc khi họ tham quan các thắng cảnh, danh lam cổ tích, khám phám những nơi xa vắng ở Nha Trang và vùng ven bằng xe ngựa. Nhờ vậy, ông đã có cơ hội được nghe các vị tiền bối như cụ Cử Phan Bá Vỹ, cụ Đề Ngô Văn Nhượng, nhà Nho Trần Khắc Thành,… kể về nhiều sự tích ly kỳ lý thú trên vùng đất thiêng này... Và đó cũng là vốn liếng để nhà thơ, nhà văn Quách Tấn viết thuyết trình trong một buổi học tập thường kỳ của công chức Nha Trang được đọc trên Đài Phát Thanh Nha Trang mỗi chiều thứ bảy.

Lối đi bộ bên bờ vịnh Nha Trang- Nơi chất chứa bao kỷ niệm lý tưởng của người Nha Trang
Lối đi bộ bên bờ vịnh Nha Trang- Nơi chất chứa bao kỷ niệm lý tưởng của người Nha Trang

Năm 1969, du ký Xứ Trầm Hương đã được NXB Lá Bối ấn hành lần đầu tiên. TP.Nha Trang là trung tâm tỉnh lị Khánh Hòa, hội tụ hầu hết tinh hoa xứ sở. Trong lời tựa của du ký “Xứ trầm hương”, nhà văn, nhà thơ Quách Tấn đã khiêm nhường, chân thành chia sẻ với tình yêu thương và lòng biết ơn vùng đất ông dừng chân trên nửa đời người: "viết Xứ trầm hương, tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa. Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú, thấy đáng yêu, đáng quý, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng non nước...”

Vịnh Nha Trang - Một trong những vịnh đẹp nhất thế giới

Có thể nói, vịnh biển Nha Trang là một trong những món quà tặng quý báu, tuyệt vời mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho vùng đất Xứ Trầm Hương.

Hội nghị lần thứ 2 câu lạc bộ (CLB) Các Vịnh đẹp nhất thế giới được tổ chức tại thành phố Tadoussac, tỉnh Quebec, Canada (từ ngày 01-08/06/2003), vịnh Nha Trang của tỉnh Khánh Hoà đã được chính thức công nhận trở thành 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới và trở thành thành viên thứ 29 của CLB này. Từ đó, vịnh biển Nha Trang  cùng với vịnh biển Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam chính thức đứng vào hàng ngũ các vịnh đẹp nổi tiếng của thế giới, có tên tuổi từ rất lâu như  vịnh Rio de Janeiro (Brazil); vịnh Vancouver, Tadoussac (Canada); vịnh San Francisco (Mỹ), vịnh Stockhom (Thuỵ Điển) …

Để được chính thức công nhận, tôn vinh một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, vịnh biển Nha Trang đã có hệ sinh thái biển gồm quần thể san hô và sinh vật biển phong phú, đa dạng, tài nguyên thiên nhiên vào loại đẹp, quý hiếm bậc nhất của thế giới, nhiều loài có giá trị kinh tế rất cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cua huỳnh đế, cá ngựa …Với diện tích trên 500 km vuông mặt biển, sở hữu 19 đảo lớn, đảo nhỏ, mật độ đảo nằm rải rác, tạo nên cảnh quan Vịnh Nha Trang vừa kỳ vĩ, vừa thơ mộng, độc đáo, thú vị, khác biệt với tất cả các vịnh trong CLB Vịnh đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, đảo Hòn Mun của vịnh Nha Trang có hệ sinh thái vô cùng đặc sắc, đã được chọn làm Khu bảo tàng thiên nhiên biển đầu tiên của Việt Nam, là nơi đón hàng trăm du khách mỗi ngày với tour lặn biển tham quan, khám phá hệ sinh thái muôn màu, muôn sắc dưới lòng đại dương thông qua trên 20 công ty dịch vụ lặn biển tại Nha Trang... Sự kiện mang thương hiệu Festival Biển Nha Trang được tổ chức hai năm một lần cũng chính thức ra đời từ đó... Tuy nhiên, những năm gần đây, để bảo tồn thảm thực vật, hệ sinh thái, hạn chế những xâm hại, làm biến dạng do lượng du khách lặn biển vượt quá tầm kiểm soát, chính quyền sở tại đã khoanh vùng du lịch lặn biển tại Hòn Mun, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các qui định dịch vụ lặn và địa phận lặn ở các vùng được cho phép trên vịnh Nha Trang...

Sau 21 năm được chính thức công nhận một trong những vịnh đệp nhất thế giới, vịnh biển Nha Trang đã được khai thác, phát triển khá nhanh và hiệu quả. Con người Nha Trang cũng được chú trọng, trau chuốt để xứng danh với slogen “Nha Trang- Văn minh và thân thiện”...

Tuy nhiên, trước xu thế “đất lành chim đậu”, Nha Trang được các nhà đầu từ trong và ngoài nước chú trọng. Và khi giá trị lợi nhuận thương mại được đặt lên hàng đầu, thì nguy cơ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu của vịnh Nha Trang nói riêng và cảnh quan thiên nhiên Nha Trang nói chung sẽ bị bào mòn, bị tổn hại và bị biến dạng, phá cách,... Vì vậy, các nhà quản lý nhà nước và những người yêu mến Nha Trang đã vô cùng trăn trở...

Để Nha Trang luôn giữ được phong độ, trở thành thành phố biển phồn vinh và hạnh phúc

Hướng đến đại lễ kỷ niệm 100 năm Nha Trang, UBND TP.Nha Trang đã tổ chức ba hội thảo có ý nghĩa quan trọng, chuyên đề:  "Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tỉnh Khánh Hòa- Mô hình Nha Trang"; "100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố";  "Nha Trang- Thành phố biển phồn vinh, hạnh phúc".

Ba hội thảo nêu trên đều được tổ chức với quy mô lớn, tập hợp đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới tham dự.

Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tỉnh Khánh Hòa- mô hình Nha Trang (18/01/2024) do UBND TP.Nha Trang phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Trường Đại học VinUni tổ chức. Gần 200 đại biểu đã thảo luận, trao đổi những vấn đề về tình hình và chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam (tầm nhìn đến năm 2030); Hướng tới chuyển đổi xanh- Điển hình ở Dubai, Malaysia và Việt Nam; Nhu cầu của người dân về môi trường sạch và chỉ số PGI ở Việt Nam; Tương lai của giao thông đô thị: Bài học thành công từ trong việc xanh hoá giao thông từ US/Canada, Europe and APAC. Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn đề xuất nhiều giải pháp về chuyển đổi xanh cho thành phố Nha Trang như: tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, thương hiệu xanh, xây dựng đô thị xanh, giao thông xanh và thực hành lối sống xanh.

Hội thảo khoa học “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố” (05/03/2024), do Thành ủy Nha Trang phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức, đã nhận được 55 chuyên đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu quốc gia về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Các chuyên đề tập trung làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử 100 năm. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển TP.Nha Trang thời gian tới.

Sử sách Đại Nam nhất thống chí  (triều Nguyễn) có đoạn nói về những nét đẹp văn hóa của vùng đất và con người Nha Trang- Khánh Hòa: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành, quần áo dùng vải trắng, ít thích lòe loẹt. Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi… phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau".

Theo PGS-TS-NSƯT Lưu Trang, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: Cư dân ở Nha Trang gồm nhiều thành phần, họ tìm đến mảnh đất này qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, cùng chung sống hòa bình, cùng tiếp nhận và hòa hợp về mặt văn hóa. Vẻ đẹp của Khánh Hoà không chỉ bởi đất, bởi nước, bởi trời, bởi biển, mà còn đẹp bởi lòng người nơi đây hiền hòa, thân thiện, hồn hậu, phóng khoáng, trọng nghĩa, trọng tình, luôn thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước và cũng đầy khí phách cách mạng mạnh mẽ, kiên cường đấu tranh cho những giá trị cao đẹp,...

Ông Hồ Văn Mừng- Bí thư Thành ủy Nha Trang nhấn mạnh: Thành phố sẽ chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn những giá trị văn hóa mang tính chất “hồn cốt” của dân tộc, của quê hương Nha Trang- Khánh Hòa. Đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố trong phát triển kinh tế... Từ trong lịch sử, Nha Trang đã luôn là vùng đất rộng mở cho những sự giao thoa, tiếp xúc giữa các nền văn hóa Chăm-Việt, rồi Pháp-Việt, Mỹ-Việt,...

Sáng 18/03/2024, UBND TP. Nha Trang phối hợp với Viện Kinh tế- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học “Thành phố biển Nha Trang- Khánh Hòa phồn vinh và hạnh phúc”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp: Tham luận- tọa đàm- thảo luận tập trung, với 18 chuyên đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước, nước ngoài về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng, quy hoạch,...

Hội thảo cũng nhằm tập hợp, tổng hợp được các thông tin, kết quả công trình nghiên cứu mới có tính khoa học và giá trị thực tiễn cao; đề xuất của các học giả, chuyên gia có uy tín về các vấn đề liên quan đến phát triển thành phố Nha Trang ngày càng giàu, đẹp, văn minh, là nơi đáng sống. Từ đó xác định cụ thể các giải pháp tốt nhất nhằm bổ sung, góp phần hoàn chỉnh hệ thống các giải pháp phát triển đô thị Nha Trang.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, hiện nay, sự phát triển của Nha Trang chưa ngang tầm và tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng, cùng giá trị văn hóa đặc sắc, nguồn nhân lực dồi dào mà thành phố đang sở hữu. Nha Trang còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: cơ cấu kinh tế chưa thực sự cân đối, tỷ trọng công nghiệp, thương mại, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng phát triển còn thấp so với tỷ trọng của ngành dịch vụ du lịch. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó, Nha Trang đang phải đối mặt với các vấn đề biến dạng đô thị như: giảm sút về tiện ích đô thị; quá tải về giao thông.... 

Con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc để Nha Trang có thể thực sự vươn tầm khu vực, thế giới và trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu, luôn rất cần sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của toàn hệ thống chính trị và nhân dân Nha Trang đang sinh sống, công tác khắp mọi nơi...  Đồng thời, Nha Trang rất cần nguồn lực hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hàng đầu của quốc gia, quốc tế để phát triển nhanh, vượt bậc, có nhiều lĩnh vực đột phá.. Từ đó, tìm ra được giải pháp toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và khả thi để phát triển thành phố trong thời gian tới.

Trên tinh thần, cần sớm đưa giá trị hội thảo vào thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa- ông Nguyễn Tấn Tuân đã khẳng định: để có một thành phố phồn vinh, hạnh phúc cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Theo đó, để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, thời gian tới TP. Nha Trang cần tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến sự phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc. Trước tiên, việc xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang phải nằm trong tổng thể xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm phát triển nhất của tỉnh về văn hóa, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, hạ tầng, giao thông…

Ông cũng nhấn mạnh: cần đặc biệt quan tâm vấn đề biển đảo trên nhiều phương diện để gợi mở thêm những giải pháp hiệu quả trong giữ gìn, phát huy, phát triển các giá trị, tiềm năng biển đảo. Thành phố phải tổng hợp các giải pháp bổ sung, ngoài các giải pháp đã được xác định trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương. Thông qua hội thảo phải nghiên cứu, lựa chọn và đưa vào thực tiễn, cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; đồng thời thông tin, tuyên truyền để người dân được biết, hưởng ứng và đồng hành cùng tham gia xây dựng thành phố biển Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; để vùng đất xứ Trầm- biển Yến thực sự là nơi hấp dẫn, đáng sống không chỉ đối với chúng ta, với những con người ưu tú, mà cả với bạn bè gần xa trong nước và trên thế giới./.                                               

                                                               

Quỳnh Mỹ

Thú vui độc lạ làm nến bằng hoa để trang trí nhà cửa của mẹ Việt ở Đức

Thú vui độc lạ làm nến bằng hoa để trang trí nhà cửa của mẹ Việt ở Đức

Tận dụng hoa cỏ mùa xuân ngay trong vườn nhà, chị Thủy đã làm ra những chiếc nến hoa đầy mơ mộng, decor nhà cửa thêm đẹp xinh.