Nhật Bản lên kế hoạch chống lừa đảo bằng cách thu hồi thẻ ngân hàng của người cao tuổi

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã đề xuất ngưng bằng thẻ ngân hàng của bất kỳ ai trên 65 tuổi không sử dụng trong hơn một năm.

Nhật Bản đang xem xét hạn chế khả năng tiếp cận máy rút tiền của những người về hưu trong nỗ lực ngăn chặn vấn nạn ngày càng trầm trọng của những kẻ lừa đảo lừa người già bằng số tiền lớn.

Lo ngại về số vụ lừa đảo qua điện thoại ngày càng tăng, đặc biệt là những vụ lừa đảo nhắm vào người lớn tuổi, những người thường dễ bị thuyết phục về tính hợp pháp của cuộc gọi. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã đề xuất ngành ngân hàng đưa ra các biện pháp bảo vệ mới. 

Theo đề xuất, bất kỳ ai trên 65 tuổi và không sử dụng thẻ ngân hàng để truy cập vào tài khoản của họ trong hơn một năm sẽ bị ngừng giao dịch.

Mặc dù phạm vi của đề xuất tương đối hạn chế, nhưng một số người Nhật lớn tuổi đã bày tỏ lo ngại rằng nó có thể ngăn họ truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình và sợ rằng các hạn chế bổ sung có thể được áp dụng nếu nó không chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn các vụ lừa đảo.

Nhật Bản lên kế hoạch chống lừa đảo bằng cách thu hồi thẻ ngân hàng của người cao tuổi - Ảnh 1.

Một người đàn ông sử dụng máy ATM ở Tokyo. Cảnh sát Nhật Bản cho biết những kẻ lừa đảo đã lừa mọi người khoảng 105,1 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, rõ ràng là có một nhu cầu cấp thiết đối với các biện pháp bảo vệ. Theo thống kê của cảnh sát, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, những kẻ lừa đảo ở Nhật Bản đã lừa người dân khoảng 15 tỷ yên (106 triệu USD).

Lừa đảo qua điện thoại không phải là hiện tượng mới, đã tồn tại vài thập kỷ ở Nhật Bản bất chấp hàng loạt chiến dịch tuyên truyền người dân về những rủi ro.

Một trong những trò lừa đảo phổ biến nhất liên quan đến những kẻ lừa đảo giả làm đại diện ngân hàng và gọi điện cho các mục tiêu cảnh báo họ rằng tài khoản của họ bị rút quá mức và họ phải hoàn tất chuyển khoản ngay lập tức để tránh một khoản phí ngân hàng lớn.

Một cách khác là ore, ore scam, có nghĩa là "hey, hey" trong tiếng Nhật, liên quan đến việc người gọi tự xưng là người thân hoặc bạn bè của mục tiêu và yêu cầu giúp đỡ. Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ tuyên bố rằng anh ta hoặc cô ta bị tai nạn giao thông nhẹ và cần tiền để trả cho người lái xe kia để tránh liên quan đến cảnh sát.

Trong khi nhiều mục tiêu tiềm năng ngay lập tức gác máy, những người cao tuổi ít nhận thức được các phương pháp của những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng bị lừa hơn. Thậm chí đã có trường hợp nạn nhân lớn tuổi thực hiện nhiều khoản thanh toán cho những kẻ lừa đảo lấy lòng tin trước khi nhận ra sai lầm của mình.

Trong một trường hợp khét tiếng từ năm 2018 được cho là đã làm sáng tỏ vấn đề, những kẻ lừa đảo đã lừa được một cụ bà 84 tuổi ở Tokyo để lấy 82,5 triệu yên (585.000 USD).

Cảnh sát Nhật Bản thực hiện tương đối ít vụ bắt giữ liên quan đến lừa đảo qua điện thoại, một phần vì rất khó truy tìm những chiếc điện thoại trả tiền khi sử dụng có thể nhanh chóng bị loại bỏ.

Nhật Bản lên kế hoạch chống lừa đảo bằng cách thu hồi thẻ ngân hàng của người cao tuổi - Ảnh 2.

Một người đàn ông lớn tuổi ở khu vực Ueno của Tokyo. Theo đề xuất, bất kỳ ai trên 65 tuổi và không sử dụng thẻ ngân hàng để truy cập vào tài khoản của họ trong hơn một năm sẽ bị đình chỉ tài khoản. Ảnh: Bloomberg

Đề xuất mới của chính phủ về việc đình chỉ thẻ ngân hàng của người lớn tuổi sau 12 tháng không sử dụng đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng, trong đó nhiều người nhận ra rằng cần phải làm gì đó để ngăn chặn các vụ lừa đảo.

"Bất cứ điều gì có thể làm được thì nên làm vì tôi nghe nói về rất nhiều trường hợp như vậy", Tomoko Oono, một người về hưu ở quận Saitama, phía bắc Tokyo, từng làm việc trong một ngân hàng, cho biết.

"Các ngân hàng và cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn nó, nhưng điều đó thực sự khó khăn vì tất cả những gì họ những kẻ lừa đảo cần là một chiếc điện thoại di động", bà nói.

"Nhưng đồng thời, tôi không chắc liệu việc hạn chế quyền truy cập của người già vào tài khoản ngân hàng của họ có phải là một ý kiến hay hay không. Mẹ tôi vẫn sống một mình và bà luôn sử dụng tiền mặt vì bà không thể làm những việc như mua sắm trực tuyến", bà nói thêm. "Tôi không chắc bà ấy sẽ xoay sở thế nào nếu không có tiền mặt. Còn những người sống ở nông thôn và không có ngân hàng gần đó, và họ không thể rút tiền từ máy ATM thì sao?"

Những phản đối tương tự đã được đưa ra trên mạng xã hội, với các bình luận trên cổng thông tin Livedoor chỉ ra rằng đề xuất này thực sự là "sự phong tỏa tiền gửi" sẽ khiến cuộc sống của người già trở nên khó khăn hơn.

"Nếu mọi người không thể sử dụng thẻ của họ, tôi nghĩ nhiều người sẽ đột nhiên hoảng loạn", một bài đăng viết.

(Nguồn: SCMP)

NGỌC CHÂU