Nhiều chung cư luôn trong tình trạng đỏ băng rôn đòi sổ hồng của cư dân.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn từ năm 2015 - 2019, trên địa bàn TP.HCM có 53 dự án của 12 tập đoàn và doanh nghiệp bị chậm cấp sổ hồng, trong có có 28.324 căn nhà và căn hộ officetel.

Không chỉ chậm ở khâu thẩm định giá đất mà ngay cả những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được cấp sổ hồng một phần thì đến nay vẫn tiếp tục bị treo do thay đổi kiến trúc quy hoạch mà trước đó cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt.

Điều đáng nói, các dự án này đều được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép về điều chỉnh quy hoạch chứ không phải doanh nghiệp tự làm. Trong khi đó, doanh nghiệp chờ đợi được hướng dẫn để hoàn thành thủ tục hồ sơ nhưng phải chờ đợi quá lâu và không có lời hứa hẹn nào chính xác.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị, thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà nên được xem xét, thay đổi cho hợp tình, hợp lý. Cụ thể là khi người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán thì nên được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng. “Việc tách riêng trách nhiệm này là cần thiết để triệt tiêu các điểm nóng tiềm ẩn, tạo điều kiện cho người dân an cư, lạc nghiệp”, ông Châu nói.

Còn đối với trường hợp chậm cấp sổ hồng do các sai phạm của chủ đầu tư, hoặc do chủ đầu tư chây ì các khoản nghĩa vụ tài chính và hoàn tất thủ tục cấp sổ, vị này cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thể yêu cầu họ phải ký quỹ một khoản tiền hoặc có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để những bất cập trong câu chuyện chậm sổ hồng, cần truy trách nhiệm đến cùng, tìm ra ngọn nguồn của các vướng mắc để xử lý nhanh cho người dân và doanh nghiệp.

“Trước hết phải xác định được các nguyên nhân vì sao chậm. Sau khi xác định được thì phải truy trách nhiệm, đưa ra phương án xử lý nhanh. Tắc ở đâu phải xử lý ngay ở đó. Nhiều doanh nghiệp mong muốn nộp tiền sử dụng đất, hoàn tất các thủ tục để trả quyền lợi cho cư dân nhưng cơ quan quản lý lại chây ì từ năm này sang năm khác là rất bất cập. Chủ đầu tư gần như hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói và nhấn mạnh thêm, cần phải có giải pháp quyết liệt để giải quyết bởi người dân đã nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì không có lý gì họ lại phải năm này qua năm khác đi đòi quyền làm chủ căn nhà mà mình đã bỏ mồ hôi, công sức ra để mua.

Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc không cấp được sổ đỏ có thể là do chủ đầu tư vi phạm các yếu tố liên quan đến pháp lý của dự án. Thứ hai, vi phạm các quy định về xây dựng, bảo lãnh ngân hàng… xuất phát từ việc chủ đầu tư vốn mỏng, làm liều, lấy sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng để lấy vốn phát triển các dự án khác. Tài chính khó khăn, các dự án đình trệ không thể trả nợ, giải chấp và trả sổ đỏ cho người dân.

Vì thế, theo vị chuyên gia, trước khi mua nhà, người dân cần tìm hiểu kỹ các yếu tố pháp lý của dự án. Nhưng điều quan trọng là cơ quan quản lý phải công khai, minh bạch để người mua nhà nắm được quy hoạch chung và các yếu tố liên quan đến phát triển dự án của chung cư đó.

Nguyên nhân của việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân được lý giải là do một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn đến dự án không đủ điều kiện cấp sổ hồng…

Tuy nhiên, thời gian qua, chính các doanh nghiệp chủ đầu tư cũng phải kêu cứu vì việc chậm trễ trả sổ hồng, do vướng mắc trong khâu xác định tiền sử dụng đất.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị tắc sổ hồng. Trong khi đó, người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm tổn hại về uy tín thương hiệu của chủ đầu tư.

Tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà đã trở nên rất phổ biến trong thời gian qua. Việc chậm trễ có thể đã kéo dài trong 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm.

Bài toán an cư của người dân càng trở nên nan giải khi hàng ngày họ vẫn phải thấp thỏm, bất an do chưa có gì đảm bảo rằng tài sản cũng như quyền làm chủ căn hộ đã thuộc về mình. Đó là chưa kể đến việc, không có sổ hồng, người dân không thể thực hiện các thủ tục vay vốn, chuyển nhượng, cho tặng.

Kiên Cương

( Tổng Hợp)