Nhiều doanh nghiệp nguy cơ hủy niêm yết vì âm vốn

Tình trạng âm vốn chủ sở hữu cho thấy các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng đói vốn, tình trạng kinh doanh tồi tệ, nợ ngân hàng tăng cao và có khả năng các doanh nghiệp này phải hủy niêm yết.

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCOM: DHB). DHB lỗ luỹ kế 5.162 tỷ đồng tới cuối tháng 6/2021, vốn chủ sở hữu âm 2.393 tỷ đồng, là các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của công ty;

Hay CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCOM: VST) lỗ lũy kế 2.460 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1.815 tỷ đồng…VST đã lỗ liên tục kể từ năm 2012. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, công ty lỗ sau thuế hơn 99,7 tỷ đồng. Một trường hợp khác phải kể đến là CTCP Hàng Hải Đông Đô (UPCOM: DDM). Tại ngày 30/6/2021, công ty lỗ lũy kế 964 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 825 tỷ đồng; hay CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCOM: NOS) lỗ lũy kế 4.489 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu -4.230 tỷ đồng...

Sàn HOSE còn ghi nhận một trường hợp khác cũng rơi vào tình trạng âm nặng vốn chủ sở hữu là Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF). Trong 6 tháng đầu năm 2020, TTF ghi nhận lãi ròng hơn 9,4 tỷ đồng.

Với số lãi khiêm tốn này, TTF tiếp tục ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2021 là gần 3.043 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 553,8 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam – CTCP (HOSE: HVN) lỗ hơn 4.528 tỷ đồng, lỗ tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến khoản lỗ luỹ kế lên tới 17.772 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2021, và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Hãng bay lớn nhất Việt Nam theo đó đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Trước đó, cổ phiếu HVN đã vào diện cảnh báo với lý do LNST năm 2020 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/3/2020 âm.

Để thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu, HVN đang tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, cổ đông chiến lược ANA Holdings không tham gia mà chuyển nhượng lại cho cán bộ/nhân viên Vietnam Airlines với giá 0 đồng. Hãng hàng không Nhật Bản chấp nhận việc pha loãng do cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Còn với TTF, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 59,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ.  Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của TTF dự kiến tăng lên 4.112 tỷ đồng đồng thời vốn chủ sở hữu sẽ không còn bị âm. Ngoài HVN, TTF, nhiều doanh nghiệp cũng gặp tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Gần 2,3 triệu cổ phiếu NGC bị huỷ nhiêm yết trên HNX từ ngày 21/5 tới và ngày giao dịch cuối cùng là ngày 20/5. Nguyên nhân là do công ty đã có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC có kiểm toán năm 2020, thuộc diện huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1, Điều 120 Nghị định 155/2020-NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Trước đó, kiểm toán có giải trình ý kiến ngoại trừ và vấn đề nhận mạnh của Báo cáo kiểm toán độc lập. Cụ thể: khách hàng nước ngoài mua sản phẩm công ty là hơn 960 triệu; khách hàng nước ngoài bán nguyên liệu hơn 315 triệu và khoản chi vượt quỹ tiền lương chưa tính vào chi phí là hơn 3,55 tỷ đồng. Bên kiểm toán cũng nhấn mạnh đến ngày 31/12/2020, công ty lỗ luỹ kế vượt vốn chủ sở hữu hơn 8 tỷ và nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn do sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn với số tiền là gần 45,3 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM  vừa có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 16 triệu cp TS4 kể từ ngày 13/09/2021, giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết gần 162 tỷ đồng.

Lý do hủy niêm yết được phía HOSE đưa ra là vì Thủy sản số 4 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Lần gần đây nhất cổ phiếu TS4 bị đưa vào diện kiểm soát là từ ngày 13/07/2021 với lý do lợi nhuận sau thuế của TS4 bị âm liên tiếp trong vòng hai năm 2019 và 2020 (âm 9.4 tỷ đồng và âm 144.3 tỷ đồng). Đồng thời, lỗ ròng tại ngày 31/12/2020 ở mức hơn 147.3 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 14/05/2021. Lý do là Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.

Cương Nguyễn