Nhiều người bỏ việc ở Amazon, Facebook để đi làm Web3

Nhiều nhân sự cấp cao của các công ty lớn như Amazon, YouTube hay Facebook đang liên tiếp tham gia vào đội ngũ xây dựng Web3.

 Gần đây, các nền tảng blockchain lớn như Polygon và Circle đang liên tiếp thuê những nhân sự hàng đầu từ nhóm công ty Big Tech, bao gồm 4 ông lớn Apple, Google, Facebook và Amazon. Họ tin rằng Web 3.0 hay Web3 chính là công nghệ chủ chốt của lĩnh vực blockchain trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, những nhân tài hàng đầu thế giới cũng đang bị mê hoặc bởi chính công nghệ mới mẻ này. Theo CNBC, nhiều nhân sự cấp cao và giám đốc điều hành của nhóm công ty Big Tech đang chuẩn bị từ chức, để nhận công việc trong thế giới tiền mã hóa náo nhiệt.

Hiện tại, Web3 đang trở thành một trong những thuật ngữ được nhiều người quan tâm nhất trong lĩnh vực blockchain. Web3 chính là thế hệ thứ ba của Internet, có khả năng tự chủ, thông minh hơn và đặc biệt sở hữu tính phi tập trung. Khi đó, thế hệ Internet được vận hành bằng công nghệ blockchain hứa hẹn sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người sử dụng, khi họ có thể đóng góp xây dựng nội dung.

Nhân tài ‘đổ bộ’ vào xây dựng Web3

Nhiều sếp lớn của các công ty Big Tech tham gia vào xây dựng Web3. Ảnh: Coindesk.
Nhiều sếp lớn của các công ty Big Tech tham gia vào xây dựng Web3. Ảnh: Coindesk.

 Ryan Wyatt, cựu Giám đốc phụ trách mảng YouTube Gaming, đã rời khỏi công ty để điều hành một studio trò chơi mới từ Polygon. Trước đó, Wyatt đã gia nhập YouTube - thuộc sở hữu của Google, vào năm 2014, để thúc đẩy nội dung trò chơi điện tử và giúp cạnh tranh mạnh mẽ hơn với nền tảng Twitch của Amazon.

“Khi tôi bắt đầu làm việc tại YouTube Gaming gần 8 năm trước, tôi là người đầu tiên ở đó. Chúng tôi không có một đội. Lúc ấy, mọi người chỉ mới bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến game trực tuyến”, Ryan Wyatt nói với CNBC.

Wyatt cho rằng giai đoạn phát triển blockchain hiện tại vẫn còn rất sơ khai và ẩn chứa nhiều điều thú vị phía trước. Hiện tại, sự quan tâm lớn dành cho Web3 đang thu hút những thiên tài hàng đầu giới công nghệ.

Một lý do cho điều này chính là phong trào Web3 đang đề xuất việc đại tu Internet theo cách chuyển đổi sang hướng phi tập trung. Do đó, rất nhiều cá nhân xuất chúng đều muốn tham gia và góp phần vào cuộc cách mạng này.

Danh sách những nhân tài “nhảy việc” vào lĩnh vực blockchain ở Thung lũng Silicon còn có Sherice Torres, cựu giám đốc tiếp thị của ví điện tử Novi, thuộc sở hữu của Facebook. Cô được Circle, nền tảng thanh toán ngang hàng, thuê vào tháng 1 năm nay. Ngoài ra, cựu giám đốc điều hành mảng điện toán đám mây của Amazon, Pravjit Tiwana, cũng đã tham gia sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini với tư cách giám đốc công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng nhiều nhân sự cấp cao của nhóm công ty công nghệ lớn đang bị thu hút vào ngành công nghiệp này, phần lớn là nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nó.

“Đương nhiên, mọi người sẽ muốn làm việc trong những môi trường họ thấy thú vị và sáng tạo nhất trong lĩnh vực công nghệ. Hiện tại, đó chính là tiền mã hóa và Web3”, Alex Bouaziz, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty phần mềm dịch vụ nhân sự Deel, nói với CNBC.

Ngoài ra, Bouaziz cũng cho rằng Web3 hiện tại cũng khá giống với Facebook và Amazon trong quá khứ vì nó cũng thu hút rất nhiều nhân tài trước khi bùng nổ.

Tiền là yếu tố cốt lõi để dụ nhân tài

Không chỉ kỳ vọng về một công nghệ chủ chốt của tương lại, các nền tảng blockchain lớn còn đang dùng tiền và chế độ đãi ngộ tốt để chiêu mộ nhân sự cấp cao từ nhóm Big Tech.

Các công ty blockchain lớn trả lương rất cao cho nhân viên. Ảnh: Getty.
Các công ty blockchain lớn trả lương rất cao cho nhân viên. Ảnh: Getty.

 Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích Blind, sàn giao dịch Coinbase đang trả tới 900.000 USD một năm cho các kỹ sư phần mềm. Ngoài ra, số liệu của CB Insight cũng cho thấy lượng đầu tư vào các công ty tiền mã hóa đã tăng mạnh trong năm ngoái. Điều này phần nào chứng minh cho việc công ty blockchain đang sở hữu khá nhiều tiền mặt, và đủ để cung cấp đãi ngộ tốt cho các nhân sự cấp cao.

Hiện nay, nhân viên trong thời kỳ khởi đầu của một công ty cũng có khả năng cao được sở hữu cổ phần thông qua các quyền lựa chọn đãi ngộ. Với việc giá trị của các công ty tiền mã hóa tăng vọt, những nhân viên này có thể sẵn sàng nhận được một khoản thanh toán lớn trong trường hợp công ty được tiếp quản hoặc chào bán công khai trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, công ty tuyển dụng Hays cho biết họ đang thấy các công ty tiền mã hóa nhắm mục tiêu đến các tài năng từ Facebook, Amazon cũng như Apple ở Anh và Ireland.

“Khi các công ty tiền mã hóa hay Web3 xuất hiện nhiều hơn, chúng tôi hy vọng thị trường dành cho các tài năng công nghệ ở mọi cấp độ sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh và khốc liệt”, James Hallahan, Giám đốc bộ phận công nghệ của Hays tại Vương quốc Anh và Ireland, nói với CNBC.

Sự hoài nghi vẫn xuất hiện

Định nghĩa về Web3 vẫn rất mơ hồ với nhiều người. Ảnh: Expensivity.
Định nghĩa về Web3 vẫn rất mơ hồ với nhiều người. Ảnh: Expensivity.

 Hiện tại, Web3 vẫn là một thuật ngữ chưa có định nghĩa cụ thể. Nó chỉ đề cập rộng rãi đến các sáng kiến nhằm xây dựng một phiên bản phi tập trung của Internet dựa trên các mạng blockchain.

Web3 vẫn đang phải hứng chịu những lời chỉ trích từ một số tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon. Đồng sáng lập Twitter, Jack Dorsey cho rằng nó quá tập trung và dễ bị kiểm soát bởi một số ít các nhà đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, Elon Musk, CEO của Tesla coi nó giống như một từ ngữ mang tính tiếp thị nhiều hơn thực tế.

Tuy nhiên, Wyatt chia sẻ rằng khi anh bắt đầu làm việc tại YouTube, mọi người cũng hoài nghi về ý tưởng xem người khác chơi game trên mạng. Giờ đây, việc livestream game là mảng đứng thứ hai trên YouTube.

Tương tự, anh nghĩ rằng các phản ứng dữ dội đối với tiền mã hóa và Web3 sẽ giảm dần khi người dùng có những trải nghiệm sâu sắc hơn. Mặc dù vậy, công nghệ này vẫn cần rất nhiều thời gian để phát triển cũng như chứng minh tính hữu dụng.

Minh Hoàng

theo Zing News

Giá dầu có thể chạm mốc 170 USD?

Giá dầu có thể chạm mốc 170 USD?

Giá năng lượng đã tăng vọt trong những tháng gần đây vì nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19, nguồn cung hạn chế và căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.