Sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh Hong Kong ngày 30/6 vừa qua, nhiều quốc gia phương Tây đã bắt đầu đưa ra các biện pháp phản đối, các tổ chức quốc tế cũng bày tỏ quan ngại về tính mơ hồ của luật mới.
Ngày 2/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Triệu Lập Kiên kêu gọi các quốc gia khác không can thiệp vào chuyện của Hong Kong. Trung Quốc nhấn mạnh mọi sức ép từ bên ngoài đều không làm Bắc kinh chùn bước trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Cùng ngày, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật Quyền tự trị Hong Kong (HKAA) và đã được Tổng thống Trump phê duyệt. Luật này bao gồm các khung pháp lý để trừng phạt các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc trực tiếp can thiệp hoặc hỗ trợ can thiệp vào Hong Kong bằng cách tịch thu tài sản và hạn chế giao dịch trên lãnh thổ Mỹ. Danh sách này sẽ được cập nhật hàng năm, những đối tượng bị chế tài sẽ có thời hạn 1 năm để dừng hoạt động không làm ảnh hưởng đến Hong Kong.
Theo đánh giá của South China Morning Post, HKAA mang tính chặt chẽ hơn so với luật Dân chủ và Quyền con người Hong Kong (HKHRDA) mà ông Trump ký ban hành năm ngoái. Đó là HKHRDA chỉ chế tài quan chức TQ mà bỏ qua khối doanh nghiệp vốn cũng rất ủng hộ các hành động can thiệp vào Hong Kong của Bắc Kinh.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định đây là việc làm cần thiết và chỉ trích Trung Quốc đã phản đối các thỏa thuận từng ký kết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay mặt cho người dân Hong Kong và thay mặt quyền con người của người dân ở Trung Quốc” - ông Pence nhấn mạnh.
Tháng trước, ông Trump tuyên bố bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo không cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc làm suy yếu Hong Kong, cả những người đương nhiệm lẫn về hưu cùng người thân của họ.
Các nước phương Tây cũng bày tỏ quan điểm với luật an ninh mới bằng cách nới lỏng các quy định nhập cư cho người Hong Kong.
Ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định nước Úc có thể sẽ theo Anh cấp thị thực cho cư dân Hong Kong đồng thời bày tỏ lo ngại trước tình hình Hong Kong hiện tại. Canberra trên thực tế đã chủ động xem xét các đề xuất hỗ trợ người Hong Kong từ nhiều tuần trước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ trích luật an ninh mới vi phạm “rõ ràng và nghiêm trọng” thỏa thuận Trung - Anh năm 1984. Anh tuyên bố sẽ cấp thị thực cho cư dân Hong Kong đang có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) cùng gia đình đến sống và làm việc ở đây trong năm năm, rồi sau đó được phép nộp đơn xin cấp quốc tịch.
Đài Loan cũng thành lập Văn phòng Dịch vụ và Giao lưu Đài Loan - Hong Kong tại Đài Bắc nhằm hỗ trợ những cư dân Hong Kong muốn rời khỏi đặc khu. Chủ tịch Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan - ông Chen Ming-tong còn khẳng định Đài Bắc rất hoan nghênh các công ty, tập đoàn đa quốc gia chuyển trụ sở từ Hong Kong đến đây.
Giá heo hơi miền Bắc chững lại
Đà tăng giá heo hơi tại các tỉnh thành miền Bắc có dấu hiệu chững lại khi nguồn cung heo tại nhiều khu vực tăng mạnh.