NHNN dành khoảng 9.000 tỷ đồng hỗ trợ vay ngắn hạn cuối năm

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại chuẩn bị nguồn tín dụng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất khoảng 4-6 %/năm.

Tại hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức sáng nay (17/11), ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết do nhu cầu vốn tăng cao.

Các ngân hàng thương mại chuẩn bị nguồn tín dụng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất khoảng 4-6%/năm.

Ông Lệnh đánh giá hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực.

NHNN dành khoảng 9.000 tỷ đồng hỗ trợ vay ngắn hạn cuối năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng, theo Dân trí.

Đại diện của NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá quá trình này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế: lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay, ông Lệnh cho rằng cần tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó là các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, kích thích tăng trưởng tín dụng.

Đại diện NHNN cho biết từ nay đến cuối năm ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… để kích thích tăng trưởng, đặc biệt sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ khi nhu cầu vốn tăng cao.

Trên địa bàn TP.HCM, giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng, cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các TCTD đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng. 

Hiện khu vực TP.HCM đang áp dụng lãi suất 4-6% cho các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối hàng tiêu dùng cuối năm.

"Chúng ta cần có niềm tin, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.", ông Lệnh chia sẻ.

Về phía nhóm ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cho hay ngân hàng đã nỗ lực thực thi các yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp SMEs - nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cho rằng thanh khoản chính là tài chính của doanh nghiệp. Việc thanh khoản tốt sẽ khơi thông dòng tiền trên thị trường - điều này rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, nhận định với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, Chính phủ đã hết sức quyết liệt, khẩn trương cùng các bộ ngành vào cuộc cùng các định hướng, động lực tăng trưởng đặt ra, theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.

"Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Đây không chỉ là việc Agribank mà các ngân hàng thương mại đều vào cuộc đồng hành", ông Bách nhận định.

Đại diện Agribank cho biết từ đầu năm ngân hàng đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3 - 4 %/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5 %/năm. Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch COVID-19 diễn ra.

(Tổng hợp)

AN LY