Hương thầm
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết bài thơ Hương thầm tặng cho người em trai. Bà kể nhà bà ở Yên Phụ, trong sân có cây bưởi. Em trai bà thường nhặt hoa bưởi rụng cho vào túi để chị đi làm. Khung cửa sổ, hương bưởi và câu chuyện tình yêu lãng mạn là kỷ niệm nhà thơ dành cho chính cậu em trai mình – người sau đó hy sinh khi chưa kịp nghe bài thơ của chị.
Mãi 15 năm sau, nhạc sĩ Vũ Hoàng mang bài thơ phổ nhạc. Và “khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ” vẫn được hiểu là một không gian cho Hà Nội.
Hoa sữa
Chắc chắn Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng luôn là bài hát về Hà Nội đầu tiên được nhắc đến. Ca khúc được sáng tác cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Nhạc sĩ bắt tay sáng tác từ sự gợi ý của một người bạn về loài hoa đặc trưng thủ đô, bởi vậy mới có : “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”.
Có điều chính tác giả lúc đó cũng chưa từng thấy hoa sữa và nhiều năm sau, ông thậm chí còn quen việc người ta nhắc tên ông trách móc vì trót đưa một loại hoa có mùi hương rất đau đầu lên thành biểu tượng.
Nỗi nhớ mùa đông
Ca khúc Phú Quang phổ thơ Thảo Phương cũng luôn được mặc định là dành cho những người xa Hà Nội. Bởi “Dường như ai đi ngang cửa/Gió mùa đông bắc se lòng/Chút lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi” là cảm xúc mà dường như chỉ ai đã từng ngấm cái lạnh đầu mùa Thủ đô mới hiểu.
Phố cổ
Bài hát của Nguyễn Duy Hùng ra mắt công chúng trong chương trình Bài hát Việt năm 2008 và giành giải cao nhất năm đó. Hai bản thu phổ biến nhất của Phố cổ là bản thu của ca sĩ trẻ Thuỳ Chi và diva Hồng Nhung. Ca khúc mang âm hưởng dân gian và hiện đại. Không có một từ Hà Nội nào nhưng những hình ảnh tàu điện leng keng vội vã, tiếng rao nửa đêm hay tiếng kẻng tàn cảnh gợi không gian đặc trưng Hà Nội xưa cũ.
Tái hiện không gian Hà Nội năm 1954 trên phố bích họa Phùng Hưng
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, sự kiện "Ký ức Hà Nội - 65 năm" sẽ diễn ra tại không gian tranh bích họa phố Phùng Hưng