Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay không chỉ tập trung vào việc đào tạo Toán, Văn hay các môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên mà còn quan tâm đến việc nuôi dạy tâm hồn, nhân cách cho học sinh. Họ quan niệm những môn học thực tế và nhân văn mới mang lại cho học sinh những trải nghiệm quý giá. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công trong tương lai.
Dưới đây là một số bộ môn vô cùng lạ lùng được nhiều nước đưa vào chương trình giảng dạy.
Nước Mỹ: Môn "Khám phá"
Đúng với tên gọi của nó - "khám phá", môn học này sẽ giúp học sinh tiếp cận và khám phá thế giới bên ngoài và có những trải nghiệm thực tế phong phú. Mỗi tuần, các em sẽ được đến thăm quan tại các trang trại, chợ, nhà hàng, nhà máy xử lý chất thải... để tìm hiểu về quy trình hoạt động thực tế của nó như thế nào, cách mọi người quản lý và vận hành mọi thứ ra làm sao... Sau mỗi chuyến đi, giáo viên cùng thảo luận cùng học sinh về kiến thức vừa tiếp cận.
Nước Đức: Môn "Hạnh phúc"
Môn học "Hạnh phúc" được phổ cập hóa tại nhiều trường ở Đức. Nội dung môn học sẽ giúp trẻ học cách trở nên hạnh phúc hơn, biết cách sống hòa nhã với mọi người. Điều đặc biệt là môn học này không có thi cử, kiểm tra. Thay vào đó, học sinh sẽ biến kiến thức vừa học được thành hiện thực, như làm tình nguyện viên, từ thiện,…
Một số trường học khác ở nơi như Bhutan, Crete và Úc cũng giảng dạy môn này nhưng với tên gọi khác là "Giáo dục tích cực". Môn học được giảng dạy dựa trên nghiên cứu về hạnh phúc của Martin Seligman - nhà tâm lý học, nhà giáo dục người Mỹ, đồng thời là tác giả của cuốn sách Aunthentic Happiness (Hạnh phúc đích thực).
Ảnh minh họa |
Tây Ban Nha: Môn "Giao tiếp"
Tại "vùng đất của những chú bò tót", môn học này là bắt buộc đối với tất cả học sinh trong khoảng từ 3-11 tuổi. Mỗi bài học sẽ tập trung vào việc giúp học sinh nâng cao khả năng giao tiếp với bạn bè. Thông qua các hoạt động, học sinh có thể học cách kiểm soát cảm xúc và lắng nghe người khác.
Anh, Mỹ, Úc: Học Yoga
Học sinh THCS và THPT ở Anh, Úc, Mỹ sẽ được thư giãn tại trường sau những giờ học căng thẳng. Mỗi tuần, các em sẽ được học Yoga 2 lần/ tuần, mỗi bài học kéo dài 40 phút. Học sinh sẽ được ngồi thiền trong vài phút để học cách bình tĩnh và rèn luyện tính kiên nhẫn còn thanh thiếu niên học cách đối phó với những xung đột xảy ra bằng cách điều tiết nhịp thở, cố gắng suy nghĩ tốt đẹp và học cách giải quyết vấn đề phi bạo lực.
Thụy Điển: Môn "Chăm sóc nhà cửa và làm một người khách hàng"
Với môn học này, tất cả các học sinh sẽ ngồi quây quần bên nhau, cùng học những thứ để chăm sóc nhà cửa như may vá, dùng búa, làm chuồng chim, nấu ăn. Ngoài ra, trẻ cũng được học lý thuyết về các quy tắc ăn uống khỏe mạnh, cách tính mức độ dinh dưỡng trong bữa ăn và cả cách quản lý ngân sách chi tiêu trong gia đình. Với vế "làm một người khách hàng", trẻ sẽ được cách ứng xử ở vai trò một người mua hàng thông thái.
Hà Lan, Isarel: Môn "Tranh biện"
Ở môn này, trẻ em sẽ chia thành 2 đội để tranh biệ với nhau về một chủ đề nhất định nào đó. Giáo viên sẽ là trọng tài. Những hoạt động này giúp các em học sinh hiểu được sự đa chiều, hai mặt của vấn đề. Hơn hết, các em học được cách bảo vệ cũng như tôn trọng với người có quan điểm khác mình.
Nhật Bản: Môn "Ngưỡng mộ thiên nhiên"
Nghe quả thực lạ lẫm đúng không nào?
Như mọi người đã biết Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, chính vì thế họ rất tôn trọng mọi thứ thuộc về thiên nhiên. Chưa hết, người Nhật cho rằng nghiên cứu thiên nhiên là không đủ mà cần phải ngưỡng mộ. Vậy nên, họ đưa môn học này vào giảng dạy các trường học.
Theo đó, rrẻ sẽ được ra ngoài thưởng thức cảnh vật tự nhiên, chiêm ngưỡng động vật, chim muông, quan sát tận mắt cuộc sống thực. Trẻ sẽ không chỉ học kiến thức đơn thuần mà còn được nuôi dưỡng lòng yêu mến với thiên nhiên và tránh làm những điều tổn hại đến tự nhiên.
Ảnh minh họa |
Tổng hợp
Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử là môn học bắt buộc.