Theo đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nơi đắt đỏ nhất, tiếp theo là Singapore và Zurich (Thụy Sỹ).
Bên cạnh Zurich, hai thành phố khác của Thụy Sỹ cũng lọt top này là Geneva, Basel và Bern đứng ở các vị trí lần lượt là 4, 5 và 6. Thành phố New York (Mỹ) đứng vị trí thứ 7.
Theo Mercer, năm vị trí dẫn đầu không có sự thay đổi so với năm trước nhưng London (Anh) đã tăng 9 bậc từ vị trí 17 lên vị trí thứ 8, để lọt top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Cuộc khảo sát của Mercer đã so sánh chi phí của hơn 200 mặt hàng ở 226 thành phố được nghiên cứu trong đó bao gồm giá nhà ở, phương tiện đi lại, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí.
Thành phố New York được sử dụng làm điểm chuẩn và biến động tiền tệ được so với đồng USD Mỹ.
Các thành phố ở Nigeria, Pakistan và Kyrgyzstan là những thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất cho người nước ngoài, trong đó Lagos và Abuja ở Nigeria lần lượt giảm 178 và 86 bậc xuống vị trí thứ 225 và 226.
Chi phí nhà ở tăng mạnh
Báo cáo của Mercer cho biết lạm phát cao, căng thẳng kinh tế và địa chính trị đã đẩy giá nhà đất, giá các tiện ích, thuế và chi phí giáo dục lên cao ở nhiều thành phố.
Bà Yvonne Traber, đại diện của Mercer, nhấn mạnh: "Chi phí sinh hoạt cao có thể khiến nhiều người phải điều chỉnh lối sống, cắt giảm chi tiêu, thậm chí gặp khó trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản".
Ngoài Nassau (Bahamas), tất cả các thành phố khác trong top 10 đều có chi phí nhà ở tăng so với năm 2023. Hong Kong (Trung Quốc) có mức tăng giá 8%, Singapore, 7%, thành phố New York và Zurich tăng 6%.
"Từ năm 2023 đến năm 2024, có rất nhiều biến động về chi phí nhà ở trên khắp thế giới. Giá thuê nhà khác nhau đáng kể giữa các thành phố", báo cáo cho hay.
Giá nhà cũng tăng do nguồn cung nhà ở không theo kịp nhu cầu.
"Những khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc quỹ đất dành cho phát triển có hạn thường khó khăn trong việc tăng nguồn cung nhà ở. Các yếu tố khác, chẳng hạn như chi phí xây dựng và giá đất, cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho nhà ở", báo cáo lưu ý.
(Nguồn: CNBC)