Nikkei Asia: Biến thể mới tại Việt Nam đang đe dọa chuỗi cung ứng

Việt Nam phát hiện một biến thể mới của COVID-19 với các đặc điểm của cả hai chủng Ấn Độ và Anh. Điều này dấy lên lo lắng về sự gián đoạn trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, cũng như động cơ kinh tế của đất nước.

Việt Nam đang kêu gọi các nỗ lực trên toàn quốc để bảo vệ các nhà máy, khi các khu công nghiệp ở hai tỉnh phía Bắc phải đấu tranh để kiểm soát dịch COVID-19 bùng phát.

"Lần đầu tiên tại Việt Nam, một biến thể coronavirus mới được phát hiện với các đặc điểm từ các biến thể hiện có của Ấn Độ và Vương quốc Anh", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu hôm thứ Bảy.

Biến thể COVID-19 mới mang tên Việt Nam

Ông Long cho biết, biến thể của Anh được cho là dễ lây truyền hơn các chủng khác. Còn biến thể của Ấn Độ được coi là có khả năng lây truyền cao hơn và ít nhạy cảm hơn với các kháng thể của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, ông không đề cập đến nơi phát hiện ra biến thể.

covid-19.jpeg
Nhân viên y tế dán nhãn cho một ống mẫu xét nghiệm trong đợt bùng phát coronavirus ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Reuters

Đây là chủng thứ tám được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á kể từ khi xác nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Các biến thể khác bao gồm chủng từ Vũ Hán của Trung Quốc, D614G từ Châu Âu, B.1.1.7 từ Vương quốc Anh, B.1.351 từ Nam Phi, B.1617 từ Ấn Độ, B.1619 từ Châu Phi và chủng B.1222, theo chính phủ.

Ông Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cùng chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng bùng phát dịch kéo dài tại các nhà máy ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Ông Long nói: “Virus lây lan rất nhanh, đặc biệt là trong không gian kín không có hệ thống thông gió. Nhiều bệnh nhân bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cần được chăm sóc y tế tích cực hơn so với những đợt trước".

"Bắc Giang không thể kiểm soát COVID-19 trong thời gian ngắn, do các khu công nghiệp ở đó có mật độ công nhân tập trung cao trong nhà máy, dùng chung nhà vệ sinh và căn tin, đi chung xe và thường thuê nhà trong cùng khu dân cư. Chúng tôi nhận định rủi ro cao nhất vẫn là các khu công nghiệp và một khi bùng phát dịch ở đó thì sẽ lây lan rất nhanh và rất khó kiểm soát”, ông Long nói.

Theo Bộ Y tế, các nhà máy ở miền Bắc sẽ tiếp tục phát hiện các ca bệnh mới do mọi người làm việc trong các không gian hạn chế.

covid-viet-nam.jpg
Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Tại Bắc Giang, bốn trong số sáu khu công nghiệp buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5, sau khi ghi nhận hơn 320 trường hợp mắc COVID-19 kể từ ngày 27/4. Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đóng cửa một số địa điểm và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Công nhân tại các nhà máy Samsung Electronics và Canon ở hai tỉnh cũng cho kết quả dương tính.

Bắc Giang là nơi tập trung hơn 240.000 công nhân nhà máy và Bắc Ninh khoảng 330.000 người. Hai nhà máy của Samsung Electronics ở khu vực phía Bắc xử lý hơn một nửa sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu của công ty.

Bốn khu công nghiệp ở Bắc Giang đã mở cửa trở lại vào ngày 28/5, theo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng không hoạt động toàn bộ. Trong khi đó, vào ngày 26/5, các nhà chức trách cho biết 13 trong số các nhà cung cấp địa phương của Samsung có trụ sở tại Bắc Giang, dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại vào ngày 28/5. 

Nguy cơ "siêu lây nhiễm" tại đầu tàu TP.HCM

Các tỉnh phía Nam cũng đang siết chặt các biện pháp ngăn chặn virus tại các khu công nghiệp, do tình hình phức tạp ở phía Bắc.

TP.HCM, trung tâm thương mại phía Nam của đất nước, có 17 khu công nghiệp và là nơi tập trung 1.500 nhà sản xuất với khoảng 280.000 công nhân, trong đó có 3.000 cố vấn nước ngoài. Các công ty đa quốc gia hoạt động tại thành phố bao gồm Intel Products Việt Nam, Nidec của Nhật Bản, Pouyuen của Đài Loan và Tổ hợp Samsung HCMC CE Complex.

covid-viet-nam2.jpg
Nhân viên y tế đưa người đi cách ly. Ảnh: Vietnam+

Tại các tỉnh gần TP.HCM - Bình Dương, Long An và Đồng Nai - các cơ quan chức năng đã xây dựng các kịch bản ứng phó, để chống lại các đợt bùng phát có thể xảy ra.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Giang và Bắc Ninh cho biết tại cuộc họp trực tuyến rằng, họ đang xây dựng các phương án ứng phó để đối phó với 5.000 và 3.000 trường hợp, tương ứng với 2 tỉnh.

Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà điều hành khu công nghiệp thực hiện các xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho ít nhất 20% công nhân trở lên. Bộ cho biết phải tăng cường trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý doanh nghiệp.

Hôm thứ Bảy, Việt Nam báo cáo 277 trường hợp mắc mới trong cả nước, với 158 trường hợp ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Các quan chức tại cuộc họp cảnh báo rằng, khu vực đô thị đông dân cư như thủ đô Hà Nội và TP.HCM có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác và cụm trong cộng đồng.

Những lo ngại về khả năng "siêu lây lan" đã dấy lên ở TP.HCM vào thứ Sáu, sau khi ba bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID. Cả ba có dấu hiệu sốt, ho, mệt mỏi và được tiết lộ rằng họ là thành viên của một nhà thờ địa phương. Cả ba đã tham gia vào các hoạt động của nhà thờ vào ngày 16/5.

TP.HCM ngay sau đó đã ghi nhận 100 trường hợp từ thứ Năm đến thứ Bảy, trong đó có 93 trường hợp liên quan đến nhà thờ.

Điều này đã khiến chính quyền cấm các cuộc tụ tập tôn giáo từ thứ Bảy cho đến khi có thông báo mới.

Tốc độ triển khai vaccine

Sự gia tăng các trường hợp mắc mới xảy ra do dân số phần lớn vẫn chưa được tiêm chủng. Theo ấn phẩm nghiên cứu Our World in Data, tỷ lệ những người được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 tại Việt Nam vừa vượt qua 1% trong cả nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long cho biết: “Mục tiêu là tạo ra miễn dịch cộng đồng vào năm 2021, nhưng nhu cầu vaccine ở các nước vẫn rất lớn trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu”.

covid-bac-giang.jpg
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Việt Linh

Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine COVID-19 để đảm bảo đủ vaccine cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với tư cách là trung tâm chuỗi cung ứng công nghệ của khu vực, đã thúc giục chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn.

"Chính phủ Việt Nam là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thách thức bây giờ là kết hợp thành công đó với một chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và tăng tốc", Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, nói với Nikkei Asia.

Tại Việt Nam, ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế cũng đang khai thác các nguồn lực sẵn có để mua vaccine COVID-19 do nước ngoài sản xuất.

Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận mua hơn 100 triệu liều vaccine từ các công ty cùng ngành như AstraZeneca và Sputnik V của Nga, để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Quốc gia này đang cố gắng mua thêm 40 triệu liều nữa để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

NHẬT SANG