Thời điểm hiện tại, dù mới đầu tháng 3, nhưng "cuộc đua" tuyển sinh đầu cấp của phụ huynh, học sinh Hà Nội đang nóng hơn bao giờ hết. Theo ghi nhận, một số trường ngoài công lập hiện nay đã ra thông báo tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Để tránh tình trạng phụ huynh thức xuyên đêm để mua hồ sơ đăng ký đầu cấp cho con, nhiều trường đã chuyển từ hình thức mua hồ sơ trực tiếp, sang trực tuyến.
Nỗi lo thức trắng đêm mua hồ sơ cho con tạm thời lắng xuống, thì phụ huynh phải đối mặt thêm với một nỗi lo khác mang tên: Phí ghi danh hay còn gọi là phí nhập học/ phí đặt chỗ/ tiền đặt cọc/ phí giữ chỗ... Đây là những khoản tiền khác nhau mà các bậc phụ huynh phải nộp khi đăng ký cho con vào lớp 10 tại các trường ngoài công lập, các trường có yếu tố quốc tế, với lý do được đưa ra là nhằm giữ chân học sinh và tránh tình trạng rút hồ sơ từ trường này sang trường khác.
Ảnh minh họa |
Đau đầu trước "ma trận" các loại phí
Tính đến thời điểm hiện tại, trường THPT Archimedes (Đông Anh) đang có mức phí nhập học cao nhất là 23 triệu đồng. Gọi điện cho trường THPT Archimedes (Đông Anh) theo số hotline được ghi trên website chính thức, nhà trường chia sẻ số tiền này như là một khoản "tiền đặt cọc" mà phụ huynh nộp trước nhằm mục đích chi trả cho các khoản phải thu trong năm như: tiền học quân sự, tiền sách vở... Còn nếu không nhập học, thì phụ huynh sẽ "không được trả lại khoản phí, chuyển nhượng khoản này". Khi hỏi vì sao không được hoàn trả, đại diện nhà trường chỉ nói... vì quy định như thế.
Theo thông tin tài chính của trường THPT Archimedes (Đông Anh), những học sinh đã hoàn thành phí nhập học sẽ không phải đóng các khoản như: Phí ghi danh; Đồng phục học sinh theo bộ; Phí hoạt động năm; Sách giáo khoa, sách hướng dẫn học...
Thông tin tài chính của trường THPT Archimedes năm học 2024-2025 |
Còn đối với trường THCS - THPT Nguyễn Siêu, trong thông báo về các khoản tài chính nhà trường thu và thu hộ, tại mục các khoản phí ban đầu/đầu năm có 2 khoản là: Phí tuyển sinh và Phí nhập học. Nhà trường định nghĩa, Phí tuyển sinh là khoản phí nộp khi học sinh đăng ký dự tuyển vào trường và theo quy định của ban tuyển sinh. Còn phí nhập học là khoản phí học sinh mới nhập học hoặc học sinh chuyển cấp, chuyển hệ nộp khi vào trường hoặc vào cấp học, hệ học mới. Chỉ nộp một lần duy nhất trong một cấp học và học sinh nộp khoản phí này khi làm thủ tục nhập học vào trường.
Đại diện nhà trường chia sẻ, phí tuyển sinh rơi vào khoảng vài trăm nghìn đồng còn phí nhập học sẽ bao gồm cam kết bảo lãnh chương trình khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào học phí sau khi học sinh học tập ổn định tại trường. Hai khoản phí này sẽ không được chuyển nhượng, hoàn trả trong mọi trường hợp. Nếu học sinh đã trúng tuyển nhưng không theo học tại trường, số tiền phí tuyển sinh và phí nhập học sẽ được chuyển vào quỹ Ước mơ xanh để làm các dự án thiện nguyện của nhà trường.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường ngoài công lập, những trường có yếu tố nước ngoài có các khoản phí như: Phí ghi danh, phí nhập học, phí đặt chỗ. Một số trường khác như Hà Nội Academy (Tây Hồ) có mức phí ghi danh là 20 triệu đồng, trường THCS&THPT Lý Thái Tổ phí ghi danh là 1 triệu đồng, phí đặt chỗ là 10 triệu đồng...
Phụ huynh nghĩ sao?
Thật ra, các khoản Phí ghi danh/ Phí nhập học/ Phí đặt chỗ đã xuất hiện trong các đợt tuyển sinh trước đó của các cơ sở giáo dục ngoài công lập dù trên thực tế, trong các quy định của ngành giáo dục không có khoản này mà đây chỉ là "thỏa thuận riêng" giữa một số đơn vị và phụ huynh. Tuy nhiên, theo ghi nhận mức phí này năm nay tăng lên khá cao. Nhiều phụ huynh ví von, việc các trường ngoài công lập tăng giá các khoản Phí ghi danh/ Phí nhập học/ Phí đặt chỗ chẳng khác gì lạm phát vậy.
Phí và các khoản phải nộp ngày càng nhiều với các tên gọi khác nhau khiến không ít phụ huynh "choáng váng". Phụ huynh B.N (Hà Nội) có con đang chuẩn bị vào lớp 10 chia sẻ: "Mình thấy khoản này khá vô lý, học sinh trúng tuyển mà không học thì nhà trường có thể giữ chân bằng nộp học phí nhập học luôn, chứ bắt phụ huynh vừa đóng học phí, vừa đóng các khoản phí để giữ chỗ như thế là vô lý. Hoạt động giáo dục, chứ có phải hàng hóa đâu mà bắt đặt chỗ học, như thế vừa thể hiện thiếu tôn trọng phụ huynh lẫn học sinh".
Phụ huynh N.P.A (Hà Nội) dự định cho con học trường THCS - THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: "Mình hoang mang quá các mẹ ạ. Mình thấy tiền phí đăng kí nhập học năm nay của trường lên đến 15 triệu. Mình đang chưa hiểu tiền này có phải khoản tiền cọc như mọi năm hay không, đại loại là không học sẽ mất. Năm trước mình thấy khoản này có 7 triệu hay 11 triệu gì đó thôi, năm nay vọt lên hẳn 15 triệu thì nhiều quá".
Ảnh minh họa |
Phụ huynh D.T.T (Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình, năm ngoái con vị này có nộp hồ sơ vào trường THPT Archimedes với số tiền "đặt cọc" 20 triệu. Nhưng sau đó con có đỗ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nên vị này có đến trường THPT Archimedes để rút học bạ song không được trả lại khoản phí "đặt cọc": "Việc 'đặt cọc' 20 triệu mà không được trả lại 1 đồng nào theo mình đã là không hợp lý lắm, nhưng cũng chấp nhận vì cũng hiểu và thông cảm cho những cái khó của trường".
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói gì?
Về vấn đề này, đại diện Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng chia sẻ vào năm 2018 rằng: "Sở không đồng tình với cách thương mại hóa trong giáo dục ở một số trường ngoài công lập, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục học sinh. Sở đã có văn bản riêng tới các đơn vị thực hiện phí ghi danh, giữ chỗ".
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện tại không có quy định nào về phí đặt cọc, phí ghi danh nên nhà trường không được đặt ra các khoản thu này. Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 2 khoản nhà trường được tự chủ là học phí và phí tuyển sinh. Nhà trường phải thực hiện quy chế công khai lộ trình học phí, không được ép nộp tiền ngay, không kết hợp tuyển sinh với thu tiền.
Tổng hợp
Loạt ảnh phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng, giành giật mua hồ sơ đầu cấp cho con bị đào lại: Năm nay sẽ không còn xảy ra!
Trong năm học này, các trường đã có giải pháp nhằm tránh tình trạng phụ huynh phải túc trực cả đêm để mua hồ sơ đăng ký đầu cấp cho con.