Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ–CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng đã đưa các thiết bị hiện đại vào kiểm tra nồng độ cồn. Máy này có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở sẽ giúp các chiến sĩ cảnh sát giao thông dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường.
Việc kiểm tra nồng độ cồn được tiến hành theo thông lệ quốc tế. Việc kiểm tra với các tài xế di chuyển trên đường tiến hành ngẫu nhiên, thời gian kiểm tra cũng rất nhanh chóng nên không ảnh hưởng tới việc di chuyển của các tài xế.
Đồng thời, bằng các phương pháp nghiệp vụ, nếu lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện ra các đối tượng có biểu hiện vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh.
Mỗi trường hợp đo nồng độ cồn được sử dụng một ống thổi riêng |
Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ... vẫn diễn ra tại một số địa phương.
Đối với những thắc mắc, quan ngại về việc sử dụng chung ống thổi thì theo quy định, mỗi một trường hợp người tham gia giao thông được yêu cầu thổi nồng độ cồn đều dùng ống thổi riêng.
Thực tế, để công tác kiểm tra được nhanh chóng, ngay khi kiểm tra nồng độ cồn của trường hợp này xong, CSGT sẽ tự thay ống mới để làm việc tiếp với các trường hợp sau đó. Có lẽ vì vậy nên nhiều người không thấy CSGT thay ống thổi.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, chiều 6/1, Phòng PC08, Công an TP.HCM đã tổ chức buổi thông báo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020. Tại buổi thông báo, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08 khẳng định về độ chính xác của thiết bị đo nồng độ cồn, thiết bị thổi và ống thổi đều được kiểm định an toàn, đảm bảo cơ bản chuẩn về chỉ số và thông tin khi được thực hiện. Riêng ống thổi, người dân không phải lo lắng hay sợ lây nhiễm đối với các ống thổi. Vì mỗi người dân đều được đo nồng độ cồn bởi một ống thổi, sau khi sử dụng rồi sẽ vứt bỏ.
Ngoài ra, Phòng PC08 cũng áp dụng đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Với phương pháp này thì chỉ cần người dân trả lời một, hai câu hỏi trong vòng 3-5 giây là đã cho kết quả. Còn các trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn thì sẽ áp dụng mức phạt cao nhất, đối với cả ô tô và xe máy.
Chống đối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt như thế nào?
Các hành vi chống đối người thi hành công vụ như phá xe, chửi bới, lăng mạ, từ chối kiểm tra nồng độ cồn... sẽ bị áp dụng mức phạt cao hơn.