Từ năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người, người điều khiển xe dành cho người khuyết tật cũng không ngoại lệ.
Ảnh minh họa |
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) nêu rõ, từ 1/1/2020 Việt Nam sẽ cấm hành vi đi xe ra đường, bao gồm cả xe máy, xe ô tô, xe đạp điện… nếu có nồng độ cồn trong người.
Theo Luật này, độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được đo bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch tại 20 độ C.
Kể từ năm 2020, bất kỳ ai điều khiển phương tiện giao thông, bao gồm cả phương tiện cơ giới đường bộ như ô tô, mô tô, xe máy, xe máy điện và phương tiện thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo đều bị cấm điều khiển xe khi có nồng độ cồn.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020 cũng nghiêm cấm việc quảng cáo rượu bia từ 18h - 21h hàng ngày trên báo hình, báo nói, các phương tiện giao thông. Các cơ sở bán rượu bia phải niêm yết không bán cho người dưới 18 tuổi. Không mở điểm bán rượu bia cố định trong vòng bán kính 100m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo...
Tuy nhiên, mặc dù Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020 nhưng hiện nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật về hành vi này (cụ thể là Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông). Các hành vi vi phạm như trên sẽ sớm được cập nhật để đưa ra chế tài xử phạt, đồng bộ các văn bản phạm quy hiện hành.
Một số ý kiến cho rằng, cần đưa ra mức nồng độ cồn bị cấm cụ thể, vì trong một số thuốc chữa bệnh, thực phẩm vừa dùng có thể sẽ cho ra các kết quả thử nghiệm vượt quá 0% (dùng máy đo nồng độ khí thở).
Thời tiết ngày 27/12: Ảnh hưởng không khí lạnh, Hà Nội rét đậm
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ có mưa; từ chiều tối nay ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa và to.