Sau 5 năm bán Kinh Đô, anh em ông Trần Lệ Nguyên đã trở lại làm bánh trung thu với tên mới Kingdom

“Hai năm kể từ khi ra mắt thị trường, chúng tôi sẽ đứng thứ 2 thị trường bánh kẹo, sau Mondelez", ông Trần Lệ Nguyên khẳng định.

Kido trở lại với bánh trung thu Kingdom

Nhiều lần nhấn mạnh sẽ quay lại ngành bánh kẹo kể từ khi bán Kinh Đô cho Mondalez International của Mỹ hồi năm 2016, Trung thu năm nay, Tập đoàn Kido của ông Trần Lệ Nguyên chính thức tái xuất trên thị trường với thương hiệu bánh trung thu Kingdom.

Theo thỏa thuận với đối tác, ông Nguyên sẽ không được gia nhập lĩnh vực bánh kẹo kể từ khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất. Sau đúng 4 năm, tháng 7 năm nay, thời hạn “cấm” này đã chính thức chấm hết và ngay sau đó, Tập đoàn Kido đã quyết định trở lại với một trong những sản phẩm thành công nhất của Kinh Đô trước đây: bánh trung thu.

Kido trở lại với bánh trung thu Kingdom.
Kido trở lại với bánh trung thu Kingdom.

“Thay vì đa dạng hóa danh mục sản phẩm, chúng tôi sàng lọc, nghiên cứu và sản xuất những nhóm sản phẩm có nhu cầu cao, quy mô thị trường lớn, mang lại hiệu quả ngay. Sản xuất đến đâu hiệu quả đến đó”, ông Trần Lệ Nguyên nói với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của tập đoàn.

CEO Kido cho rằng thực tế ông đã lên kế hoạch trở lại ngành kinh doanh cốt lõi đã lâu và gần như chỉ chờ đến hết hạn “cấm” để tái xuất. Và trong lần trở lại với thương hiệu mới Kingdom, tập đoàn sẽ thay đổi chiến lược phát triển.

“Năm đầu tiên sẽ không đặt nhiều triển vọng về sản lượng mà chỉ chọn một số loại nhưng năm đầu sẽ lời luôn vì mình quá chuyên mảng này”, ông Trần Lệ Nguyên khẳng định.

Sở dĩ tự tin như vậy bởi ông Nguyên và người anh ruột - ông Trần Kim Thành là người đã gầy dựng lên ngành bánh kẹo, cũng là cơ duyên đưa thương hiệu đến người tiêu dùng từ những ngày đầu tiên.

Trong các sản phẩm của tập đoàn, sôi động nhất phải kể đến bánh trung thu, khi thương hiệu Kinh Đô từng chiếm đến 85% thị phần.

Ông Trần Lệ Nguyên cũng xác nhận dù đã bán toàn bộ mảng bánh kẹo mang thương hiệu Kinh Đô cho Mondelez nhưng những năm gần đây, ông “vẫn lấy và bán giùm” bánh trung thu của Mondelez Kinh Đô bởi các đối tác thân thiết trước đây tìm đến. 

Nhưng từ mùa Trung thu năm nay, Kido sẽ tự sản xuất và ra mắt bánh Trung thu mang thương hiệu mới Kingdom, với một hình ảnh mới, màu sắc mới và kỳ vọng sẽ “lời luôn từ năm đầu quay lại”.

Ông Trần Lệ Nguyên: Sau 2 năm, Kido sẽ đứng thứ hai ngành bánh kẹo

Kido tiền thân là tập đoàn Kinh Đô - thương hiệu bánh kẹo của gia đình ông Trần Lệ Nguyên được khai sinh từ những năm đầu 1990, từ đó trở thành một trong những công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. 

Trong suốt hơn 20 năm đầu của chặng đường phát triển, Kido đã thiết lập và giữ vững vị thế dẫn đầu ở một loạt các sản phẩm bánh kẹo, bánh bông lan, bánh mì, bánh trung thu, bánh quy và kem dưới thương hiệu Kinh Đô.

Đến năm 2016, tập đoàn Kinh Đô hoàn tất thương vụ bán cho tập đoàn Mondalez International của Mỹ với trị giá xấp xỉ 490 triệu USD. Sau đó công ty hoạt động dưới tên Kido.

Ông Trần Lệ Nguyên tuyên bố sau 2 năm sẽ đứng thứ hai ngành bánh kẹo. Ảnh: Kido.
Ông Trần Lệ Nguyên tuyên bố sau 2 năm sẽ đứng thứ hai ngành bánh kẹo. Ảnh: Kido.

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Babuki, sau khi mua lại mảng bánh kẹo từ Kido, Mondelez trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất với hơn 35%. Các doanh nghiệp khác trên thị trường còn có Bibica, bánh kẹo Hải Hà, Hữu Nghị... và các thương hiệu ngoại nhập. 

Đại diện Mondelez đánh giá thị trường thức ăn nhẹ Việt Nam rất hấp dẫn do lối sống của người dân dần thay đổi, thu nhập của người tiêu dùng Việt ngày một tăng kéo theo sức mua tốt hơn.

Trong khi đó, Business Monitor International cho rằng với quy mô 51.000 tỉ đồng, tương đương 2,2 tỉ USD, thị trường bánh kẹo được dự báo với tăng trưởng mỗi năm từ 8-10% trong giai đoạn 2015-2020.

Đó cũng là một trong những lý do khiến Kido của gia đình ông Trần Lệ Nguyên quyết định quay trở lại ngành bánh kẹo, bởi chính ông Nguyên cũng thừa nhận ngành này đang có tỷ suất lợi nhuận cao trong khi ngành dầu của công ty đang làm tốt nhưng chi phí cao.

Ông Nguyên cho rằng Kido tự tin với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bánh kẹo, có sự am hiểu nhất định về người tiêu dùng nội địa, cùng với năng lực sản xuất sẵn có và hệ thống phân phối của tập đoàn sau khi hợp nhất, chỉ trong 2 năm Kido có thể trở thành doanh nghiệp lớn thứ hai trong ngành bánh kẹo.

"Khác với nước giải khát, với bánh kẹo chúng tôi gần như không gặp khó khăn với việc gia nhập trở lại ngành cũng như việc xây dựng thương hiệu. Hai năm kể từ khi ra mắt thị trường, chúng tôi sẽ đứng thứ 2 thị trường bánh kẹo, sau Mondelez”, ông Trần Lệ Nguyên khẳng định.

Song song với việc trở lại với mảng kinh doanh cốt lõi bánh kẹo, cũng trong năm nay, Kido cũng sẽ gia nhập ngành hàng nước giải khát thông qua liên doanh với Vinamilk phát triển thương hiệu nước giải khát Vibev, tập trung nhóm thức uống không ga và thức uống thưởng thức. 

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương