Phụ huynh tranh luận "Nghề nào vất vả nhất?", câu trả lời của 1 bà mẹ ở Hà Nội gây "bão"

Bạn có cảm thấy đây là "nghề" khổ nhất hiện nay?

Mới đây, trên một hội nhóm dành cho phụ huynh ở Hà Nội xuất hiện quan điểm thu hút sự chú ý: Nghề vất vả nhất. Theo đó, một phụ huynh đã khẳng định: "Để nói nghề gì vất vả nhất, thời điểm này mình "vote" cho nghề làm học sinh". 

Lý lẽ người này đưa ra là: Học sinh học 8 tiếng trên trường, tối về lại "cày" ở lớp học thêm, ít thì đến 19h30, không thì cũng phải 21h mới xong. Nếu không học thêm, chỉ với kiến thức trên lớp sẽ rất khó làm được các bài thi, bài kiểm tra. Các con cần có 1 tuổi thơ trọn vẹn thay vì "cày cuốc" thâu đêm, không biết cuối tuần là gì chỉ để lấy thành tích. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quan điểm này nhận về nhiều tranh luận.

Đi học - khổ hay sướng?

Nhiều người cho rằng, khổ hay sướng là do từng cá nhân học sinh cũng như định hướng, kỳ vọng của gia đình. Nếu các cháu có ý thức học, tự bản thân cố gắng cùng sự giảng dạy của thầy cô trên lớp thì điểm vẫn có thể đạt trên 8. Nhiều cha mẹ lo sợ con thua bè kém bạn, môn nào cũng ép con đi học thêm, rồi lại quay ngược lại, trách bài vở nhiều khiến con quá tải.

Khi con đã muốn học có khi không cần đi học thêm vẫn làm tốt, còn không muốn học thì học đâu cũng không có kết quả. Việc của cha mẹ là đồng hành cùng con, thay vì chỉ đưa đến nơi học để có chỗ học là yên tâm. Cần biết cách sắp xếp lịch để con học nhưng cũng có nghỉ ngơi thư giãn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng tình cho rằng, "nghề" học sinh đúng là vất vả hơn cả người lớn. Mở mắt ra là đi học, tối mịt về đến nhà cũng lại học tiếp, nhiều trẻ em ở thành phố đang bị đánh mất tuổi thơ. Một phụ huynh kể tối nào con mình cũng "đánh vật" với bài vở đến 23h. Hai ngày cuối tuần, không phải đến trường, nhưng các con vẫn phải "cày" 2 - 3 ca tại các lớp học thêm. Nhìn các con nhiều lúc thương lắm! Nhưng con học những năm cuối cấp, nếu không học thêm như vậy sẽ khó đậu vào những trường tốt.

"Cứ bảo trẻ con bây giờ sướng, không phải làm việc nhà nhưng có phải đâu. Con mình học từ 7h sáng đến 11h đêm vẫn đang làm bài tập. Bơ phờ mệt mỏi. Bảo con huỷ một số lớp đi nhưng tự bản thân con không dám huỷ vì cả lớp con ai cũng đi học như thế", phụ huynh tên K. nêu ý kiến.

Họ cho rằng, để nói về nghề nào vất vả nhất, thì "nghề làm học sinh" thời nay quả là đáng để suy ngẫm. Ngày xưa chúng ta học hành, dù có khó khăn, nhưng vẫn còn thời gian để vui chơi, khám phá, và tận hưởng tuổi thơ. Còn giờ đây, các con phải dành gần như cả ngày chỉ để học – từ sáng đến chiều ở trường, rồi lại thêm các lớp buổi tối.

Nhiều người nhớ lại ngày còn nhỏ, chỉ phải đi học một buổi. Buổi còn lại ở nhà làm việc nhà giúp mẹ, chơi với anh em họ hàng, trẻ em hàng xóm, đọc sách... Tuổi thơ biết bao kỷ niệm. Nhiều gia đình, ban đầu cha mẹ tạo áp lực, ép con cái học nhiều, dần dần tự đứa trẻ lại tạo áp lực cho chính mình. Những em này, nếu không đạt được mục tiêu mình và cha mẹ đặt ra, sẽ rất dễ sinh ra suy nghĩ và hành động tiêu cực.

"Chúng ta luôn muốn con học tốt, có kiến thức, nhưng có bao giờ tự hỏi rằng mình có đang "gói ghém" quá nhiều thứ vào tuổi thơ của con không? Học thêm, thi cử, và hàng loạt chương trình liên kết, kỹ năng khiến các con gần như quên đi mình cũng có một tuổi thơ cần được trọn vẹn.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một cái nhìn khác về giáo dục: thay vì "nhồi nhét" kiến thức, hãy cho các con thời gian để thực sự trưởng thành – một cách tự nhiên và tràn đầy trải nghiệm. Học không chỉ là điểm số, mà còn là quá trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh", một phụ huynh nêu quan điểm.

Dù con có đi học thêm nhưng kết quả học tập phần lớn sẽ phụ thuộc vào ý thức tự giác và năng lực tiếp nhận kiến thức chứ không hoàn toàn vào việc học càng nhiều lớp phụ đạo càng tốt. 

Hiểu Đan

Nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Nguyên học để làm, để hiểu, để ứng dụng

Nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Nguyên học để làm, để hiểu, để ứng dụng

Theo Thanh Nguyên, mục tiêu ban đầu chỉ là học để biết, để làm để ứng dụng vào cuộc sống chứ không nghĩ nhiều về các thành tựu mình sẽ đạt được.