Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Sáng 8/6/2020, tại Nhà Quốc hội, 457/457 Đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Ngày 8/6, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp, Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA ).

Theo thông tin trên báo Chính Phủ, hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn Hiệp định đồng thời với Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, có 457 đại biểu (đạt 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết.

EVFTA chính thức được phê chuẩn sáng 8/6.
EVFTA chính thức được phê chuẩn sáng 8/6.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đồng thời, EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Đối với thương mại dịch vụ và đầu tư, cam kết của Việt Nam và EU là tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Đối với thương mại điện tử, về phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử…

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

PV (T/H)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương