Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp 8, bầu Chủ tịch nước

Trong ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sáng 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV khai mạc, bắt đầu một tháng làm việc với nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10/2024, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 04 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp 8, bầu Chủ tịch nước

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền và nhiều nội dung quan trọng khác của đất nước.

Trả lời báo chí trước kỳ họp, Trưởng Ban Công tác Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết tại Hội nghị lần thứ 10 khóa XIII, Trung ương đã biểu quyết, thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.  Qua đó, Quốc hội sẽ tiến hành các bước bầu nhân sự giữ chức danh này theo đúng quy định của pháp luật.

Sau phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Trong đó, có 15 dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua, trong đó có những dự thảo Luật được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế...

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 03 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự... 

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, trong đó có nhiều dự thảo được quan tâm như: Luật Nhà giáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo...

Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác giám sát...

Thanh Mai/Tổng hợp

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của nữ Đại biểu Quốc hội.