Quy hoạch 8 bãi sông Hồng cho phép xây dựng và phát triển không gian mở

Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, khu phố nằm ngoài đê...

Tháng 6 vừa qua, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt. Theo đồ án, tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).

Bãi sông này có đa dạng loại hình bao gồm đất trống chưa sử dụng, đất trồng rau màu, một phần đất đã xây dụng, các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).

  Bãi Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, giáp ranh với xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới. Ảnh: Lê Đoàn.

Bãi Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, giáp ranh với xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới. Ảnh: Lê Đoàn.

Đồ án đề xuất việc quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (quy hoạch 257). Trong đó, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha). Phần bãi sông được định hình xây khu đô thị mới, nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng... 

Hai khu vực Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở, với các loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp vị trí các bãi sông.

Trên cơ sở quy hoạch 257 và quy hoạch chung xây dựng thủ đô (quy hoạch 1259), đồ án nêu các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ, như: Thượng Cát - Liên Mạc; Nhật Tân - Tứ Liên; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Tàm Xá...; các khu dân cư phải di dời, như Đông Ngạc - Nhật Tảo...

Các khu dân cư ven sông được tồn tại (diện tích khoảng 1.165 ha) định hướng cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị và được mở rộng diện tích dân cư hiện có (khoảng 60 ha), để bổ sung hạ tầng xã hội, xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.

Các khu dân cư hiện tập trung đông dân sinh sống trong không gian thoát lũ tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, chưa rõ sẽ bị di dời hay được tồn tại, bảo vệ, được đề xuất bổ sung vào danh mục được phép tồn tại.

Các khu dân cư lâu đời ở Bắc Cầu, Bồ Đề (quận Long Biên), theo căn cứ quy hoạch 1259 thì được giữ lại, còn quy hoạch 257 là di dời.

TP Hà Nội cần lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, sử dụng các bãi sông và các khu dân cư, qua đó xác định rõ nơi nào được tồn tại, bảo vệ hay cần di dời sau đó tiến hành các bước tiếp theo.

GS.TS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, điểm mới của đồ án là mật độ xây dựng ở các bãi sông rất thấp, khác hẳn đồ án phía Hàn Quốc từng đề xuất". Ông kiến nghị, các khu vực dân cư đang hiện hữu có thể giãn dân hoặc để nguyên không di dời. Quan trọng nhất là không xây thêm các công trình cao tầng để kinh doanh mà bổ sung, hoàn thiện các công trình thiết yếu, dân sinh qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Phần còn lại là không gian xanh mặt nước dọc tuyến sông, hàm chứa những giá trị văn hóa cần phải khai thác rộng hơn để trở thành biểu tượng của thủ đô.

Thanh Mai

Bản tin nhà đất 24 giờ: Giới đầu tư săn lùng đất ngoại ô Hà Nội

Bản tin nhà đất 24 giờ: Giới đầu tư săn lùng đất ngoại ô Hà Nội

Giới đầu tư bất động sản săn lùng đất ngoại ô Hà Nội, Thái Nguyên sắp có khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao,... là những tín chính hôm nay.