Samsung được nhập hóa chất Nhật, căng thẳng Nhật - Hàn dịu lại

Nhật Bản đã đồng ý cho công ty công nghệ Samsung của Hàn Quốc nhập chất cản màu, một chất quan trọng trong sản xuất màn hình smartphone từ nước này.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á lại tiếp tục được cho là lún sâu hơn vào căng thẳng khi hồi tháng trước Nhật Bản chính thức quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại.

Điều này đồng nghĩa với việc Seoul sẽ bị tước bỏ đặc quyền tiếp cận hàng hóa của Tokyo mà không phải trải qua các quy trình thủ tục rườm rà. 

Quyết định dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 28/8. Khi đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải có giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu khoảng 1.120 mặt hàng sang Hàn Quốc.

  Ngày 3/8, nhiều người Hàn Quốc đã biểu tình ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Ảnh: AFP

Ngày 3/8, nhiều người Hàn Quốc đã biểu tình ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, mới đây theo Forbes, Nhật Bản đã đồng ý cho công ty công nghệ Samsung của Hàn Quốc nhập chất cản màu, một chất quan trọng trong sản xuất màn hình điện thoại thông minh, từ nước này. (Trước đó nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), hydro clorua và resist (chất cản màu) - ba hóa chất quan trọng trong quy trình sản xuất màn hình điện thoại và chất bán dẫn, đều lọt vào danh sách hàng hóa hạn chế xuất sang Hàn của Nhật.)

Đáp lại, Hàn Quốc sẽ tạm ngưng trả đũa, tức thả lỏng việc siết chặt kiểm soát các lô hàng từ Nhật đã thực hiện trước đó. Tuy hai nước vẫn chưa thực sự giải quyết triệt để những bất đồng, động thái mới này đánh dấu giai đoạn đình chiến thương mại Nhật - Hàn.

Điều nhiều người hiện chờ đợi là Nhật Bản bật đèn xanh cho việc xuất nhựa nhiệt dẻo và hydro clorua sang Hàn. Việc này rất có thể sẽ được giải quyết lần lượt và trì hoãn nhiều lần trong thời gian tới. 

Hiện Hàn Quốc đã đồng ý nhượng bộ, tuyên bố rằng quốc gia này sẽ hoãn cấm vận một vài sản phẩm xuất khẩu sang Nhật. Điều này không thực sự nghiêm trọng như lệnh cấm ba hóa chất dùng trong sản xuất công nghệ trước đó, nhưng cũng đủ để khiến mối quan hệ Hàn - Nhật trở nên căng thẳng hơn.

  Theo Nikkei Asia Review, Chính phủ Nhật Bản sẽ “bật đèn xanh” cho việc xuất khẩu các lô hàng nguyên liệu đầu tiên phục vụ sản xuất thiết bị bán dẫn sang Hàn Quốc,  sau khi Tokyo ban hành quy định mới siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: LAT)

Theo Nikkei Asia Review, Chính phủ Nhật Bản sẽ “bật đèn xanh” cho việc xuất khẩu các lô hàng nguyên liệu đầu tiên phục vụ sản xuất thiết bị bán dẫn sang Hàn Quốc,  sau khi Tokyo ban hành quy định mới siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: LAT)

Động thái nhường bước của chính phủ hai nước có thể tiếp tục vấp phải sự phản đối của người dân. Ngày 3/8 vừa qua, nhiều người Hàn Quốc đã thực hiện biểu tình ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul phản đối quyết định của chính phủ.    

Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bùng lên sau khi tòa án tối cao Hàn yêu cầu các công ty Nhật phải trả tiền đền bù cho những người Hàn bị bóc lột sức lao động trong thế chiến thứ hai.

Trong khi đó Nhật cho rằng vấn đề này đã được giải quyết từ năm 1965, khi Nhật trả hàng trăm triệu USD cho Hàn dưới hình thức mượn nợ và tài trợ. Tổng thống đương nhiệm Park Chung Hee lúc đó đã sử dụng khoản tiền này để xây dựng cơ sở hạ tầng Hàn Quốc, thay vì phân bổ cho các nạn nhân chiến tranh. 

Hiện nay, Nhật Bản kiểm soát từ 70% đến 90% nguồn cung những vật liệu này trên toàn thế giới khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế.

Theo các nhà phân tích, chuỗi cung ứng phức tạp liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông dụng khiến các căng thẳng thương mại gia tăng giữa 2 láng giềng ở Đông Á có thể dẫn đến việc tăng giá các loại sản phẩm trên quy mô toàn cầu. Bằng chứng là chỉ trong vòng 1 tuần sau khi quyết định của Nhật Bản có hiệu lực, giá của chip RAM trong các thiết bị điện tử đã tăng 12%.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc, quyết định hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc  không chỉ tạo ra tác động tiêu cực đến các công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Hàn Quốc, mà sẽ còn tạo ra tác động dây chuyền, lan tới các quốc gia khác.

Hiện tại, rất nhiều các nền kinh tế đang phát triển đang nằm trong chuỗi toàn cầu trong việc cung ứng và sản xuất các thiết bị điện tử. Việc gián đoạn trong một khâu cung ứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả dây chuyền sản xuất, từ đó có thể dẫn tới việc suy giảm xuất khẩu, đặc biệt là ở các nhóm hàng điện tử, điện thoại,…

NGỌC CHÂU (t/h)

theo Tin 24h