Sân bay Long Thành thuộc nhóm có suất đầu tư cao của thế giới

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có suất đầu tư gần 4,7 triệu USD/25 triệu hành khách giai đoạn 1, tương đương khoảng 186,59 triệu USD/triệu hành khách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo Thủ tướng các vấn đề liên quan đến suất vốn đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Báo cáo khẳng định, tổng mức đầu tư dự án xây dựng sân bay lớn nhất Việt Nam được lập theo đúng quy định tại Nghị định 68 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Dự án có suất đầu tư gần 4,7 triệu USD/25 triệu hành khách giai đoạn 1, tương đương khoảng 186,59 triệu USD/triệu hành khách.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tổng mức đầu tư dự án đã được tư vấn thẩm tra xác định theo đúng quy định. Suất vốn đầu tư cũng được so sánh, đánh giá với các cảng hàng không quốc tế trên thế giới, và bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư như ý kiến chỉ đạo của Quốc hội.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025. Ảnh: ACV
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025. Ảnh: ACV

Trước đó, Nghị quyết 94 của Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Tính theo mỗi triệu hành khách, suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách; giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.

Tại báo cáo thẩm định, Hội đồng thẩm định Nhà nước nêu suất vốn đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thuộc nhóm ngưỡng cao của các cảng hàng không trên thế giới đã đầu tư.

Hội đồng cũng lưu ý trong giai đoạn tiếp theo, sau khi dự án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư các dự án thành phần phải rà soát, cập nhật và xác định chi phí, tổng mức đầu tư, bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư và hiệu quả.

Về tiến độ dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối tháng 12/2020 sẽ khởi công hàng rào của sân bay Long Thành . Quý I/2021 sẽ khởi công san lấp mặt bằng; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1. 

15 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn đã mời thầu. Ảnh: Báo Đồng Nai.
15 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn đã mời thầu. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Vào đầu tháng 10/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành dự thảo thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án sân bay Long Thành. 

Báo cáo cho biết, cuối tháng 6/2019, liên danh tư vấn Nhật – Pháp – Việt (tư vấn JFV) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Trên cơ sở tờ trình của Chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng và Hội đồng thẩm định nhà nước, với tổng mức đầu tư dự án là 4,789 tỉ USD. 

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng các hạng mục, gồm đường cất-hạ cánh chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m, đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m. Xây dựng nhà ga hành khách 4 tầng có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, nhà để xe có công suất khoảng 4.200 ô tô.

Các nhà ga hàng hóa tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khu cung cấp suất ăn hàng không có công suất 40.000 suấtn/ngày; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, xử lý nước thải… 

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất-hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách, để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, ga hàng hóa đạt 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. 

Sân bay Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Dự án có tổng mức đầu tư khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương