Ngày 2/12, đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai xác nhận trên địa tỉnh đã xuất hiện một hộ chăn nuôi có heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ổ dịch được xác định xảy ra với đàn heo 60 con đang nuôi trong chuồng của gia đình bà Đinh Thị Nguyệt ở ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ khi có biểu hiện sốt, da xuất huyết, đi lại khó khăn, bỏ ăn.
Tương tự, tại Quảng Bình, UBND huyện Quảng Trạch Quảng Bình đã công bố dịch tả heo châu Phi tại địa bàn xã Phù Hóa.
Trước đó, ngày 28/11, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã ghi nhận 2 trong số 11 con heo của hộ gia đình anh Trần Văn Hòa, thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa bị chết bất thường, có triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi.
Trung tâm đã lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm và cho tiêu hủy hai con heo bị chết, hướng dẫn gia đình rắc vôi bột xung quanh chuồng trại.
Xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III đã cho kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo đó, UBND huyện Quảng Trạch đã xác định vùng bị dịch uy hiếp gồm các thôn: Trường Xuân, Trường Long, Phú Cường, Hậu Thành, xã Phù Hóa; xã Cảnh Hóa, xã Liên Trường và các vùng phụ cận trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch.
Dịch tả heo châu Phi đồng loạt tái phát tại nhiều tỉnh, thành. |
Ngoài Quảng Bình, Đồng Nai, tại Lâm Đồng, sau một thời gian tạm lắng, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã tái xuất hiện trên đàn heo hơi của một hộ chăn nuôi ở xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh.
Theo VOV, ổ dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại hộ ông Lục Văn Nhật ở thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh với tổng đàn 21 con heo hơi bị nhiễm bệnh và chết.
Nhận tin báo của người dân, ngành thú y tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm và có kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Trước tình hình dịch bệnh tái phát, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo hơi và sản phẩm heo để phòng, chống dịch.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn, nhất là lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tránh làm phát sinh dịch bệnh.
(Tổng hợp).