Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ 18h ngày 16/3 đến 18h ngày 17/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 25.311 ca COVID-19. Giảm 909 ca so với ngày 16/3 là 26.220 ca. Tỷ lệ F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy thành phố Hà Nội đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì,… ghi nhận nhiều ca COVID-19 trong ngày
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp, Hà Nội có số ca COVID-19 mắc mới giảm so với ngày trước đó.
Cụ thể, 25.311 bệnh nhân COVID-19 phân bố tại 499 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 trong ngày như: Hoàng Mai (1.487); Hà Đông (1.424); Thanh Trì (1.289); Đống Đa (1.281); Sóc Sơn (1.174).
Như vậy, cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 917.630 ca.
Tính đến hết ngày 16/3, Hà Nội có 445.648 ca dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi.
Trong đó, có 317 ca COVID-19 điều trị tại khu cách ly. 3.252 F0 đang điều trị tại các bệnh viện (chiếm 0,73% tổng số ca đang điều trị, theo dõi). Số còn lại là 442.069 ca đang điều trị, theo dõi tại nhà.
Số ca COVID-19 nặng, nguy kịch giảm mạnh
Theo Bộ Y tế, trong các F0 đang điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội có 636 ca nặng, nguy kịch. Con số này đã giảm hơn 18% so với trung bình 7 ngày trước. Hiện Hà Nội cũng có hơn 2.200 ca mắc COVID-19 mức độ trung bình, giảm gần 20%.
Ngày hôm qua (16/3), Hà Nội ghi nhận 7 ca COVID-19 tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.283 người.
Ngoài ra, đến nay, tổng số lượt bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.269.506 người.
Về tiêm chủng, tính đến hết ngày 16/3, Hà Nội có 80,5% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi vaccine COVID-19 nhắc lại. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung của Hà Nội cũng đã được tiêm chủng.
Tăng cường giám sát, chủ động đối phó khi chủng mới xuất hiện
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, số ca mắc, số ca nhập viện có chiều hướng giảm trong 7 ngày gần đây. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân chuyển tầng điều trị cũng có xu hướng giảm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát các chủng virust SARS-CoV-2 trên địa bàn. Giám sát các bệnh nhân để chủ động đối phó khi chủng mới xuất hiện cũng như có giải pháp ứng phó trong tình hình mới.
Để thích ứng với tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ, giám sát người có nguy cơ và nguy cơ cao; tăng tốc hơn nữa tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân; tăng cường truyền thông, đặc biệt là việc đeo khẩu trang và khử khuẩn, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà…
Các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát bệnh nhân tại địa bàn, trong đó theo dõi bệnh nhân trên phần mềm để kịp thời chuyển tầng với bệnh nhân nặng; tăng cường cấp phát thuốc cho các đối tượng đủ điều kiện; quan tâm phòng, chống dịch bệnh theo mùa để tránh dịch chồng dịch…
Hà Nội đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy thành phố Hà Nội đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã "mở cửa" trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng bảo đảm kiểm soát tình hình dịch.
Vì thế, các quận, huyện cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Lãnh đạo Hà Nội lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các bệnh nhân có bệnh nền, người già, nhóm có nguy cơ cao. đồng thời tiếp tục huy động sự vào cuộc của các tổ hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine bổ sung mũi 3 và kết thúc trong tháng 3/2022.
Liên quan đến vấn đề Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Du lịch chủ động các phương án để bảo đảm đón du khách an toàn, phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Sở Du lịch cần phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông, nhất là trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Qua đó, góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Hà Nội.
Mở cửa trở lại không có nghĩa là buông lỏng
Ông Chử Xuân Dũng cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thực hiện chữ ký số nhằm hỗ trợ giải quyết thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội cho các F0.
Các đơn vị, địa phương căn cứ các chỉ đạo mới nhất của thành phố tại văn bản số 735/UBND-KGVX ngày 15/3/2022 để xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó chú trọng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch.
Theo Phó Chủ tịch Hà Nội, việc thành phố mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng. Mở cửa phải có kiểm soát và quản lý hiệu quả.
"Công việc sẽ nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu.
Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới
Biến chủng lai Deltacron đã được xác định tại một số vùng ở Pháp và dường như chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay.