Đoàn giám sát Quốc Hội đã có buổi họp về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong đó đưa ra các số liệu báo cáo về tình trạng xâm hại trẻ em trong cả nước giai đoạn từ 2015 – 2019.
Cụ thể, trong giai đoạn này toàn quốc đã có 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, 8091 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 1.059 trẻ em nam và 7.032 trẻ em nữ. Con số này tăng 880 trẻ so với giai đoạn 2011 – 2014 (12,2%). Theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%.
Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2019 đã có đã có 1.400 trường hợp, gần bằng cả năm 2018 (1.579 em), một số tỉnh số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí là gần 100% chủ yếu ở các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Nai. Đây là kết quả giám sát ở 17 tỉnh thành phố và kết quả điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố.
Các địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là: TP.HCM (782 em), Hà Nội (655), Đồng Tháp (520), Tây Ninh (353), Bà Rịa - Vũng Tàu (321), Đồng Nai (312), Đắk Lắk (268), Kiên Giang (265), Cà Mau (202) và Bình Phước (200). Đa phần là ngoại thành, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và dân tốc thiểu số. Số trẻ em bị xâm hại ở thành phố hay các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng gia tăng, nơi phát hiện xâm hại là khu công cộng như chung cư, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội…
Theo báo cáo của tổ giúp việc, các cơ quan đã phát hiện, xử lý gần 1.200 vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em, trung bình mỗi năm 261 vụ, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.
Cuộc họp “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. |
Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, Chính phủ, các cơ quan đã có đánh giá rằng, đây chỉ là con số thống kê được, thực tế số lượng trẻ em bị xâm hại còn nhiều hơn nữa, thậm chí còn có vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Lê Thị Nga cho biết có 52 địa phương chưa ban hành kế hoạch khai Luật Trẻ em trong khi luật này có hiệu lực từ năm 2017, đồng thời cũng không có báo cáo riêng về công tác trẻ em. Các số liệu đánh giá của các bộ ngành, địa phương chưa khớp dẫn đến tình trạng không bao quát được tình hình chung về xâm hại trẻ em trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, bà Trịnh Thị Thủy cho rằng chưa phát hiện được trẻ em bị xâm hại trong hoạt động du lịch, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc các sự việc này không xảy ra. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm hướng đến mục đích xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải nắm lại số liệu trẻ bị xâm hại trong hoạt động du lịch, ông nhấn mạnh chắc chắn là có nhưng chưa phát hiện ra, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta kiểm tra số liệu đã đầy đủ và chính xác hay chưa.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, trên thực tế, vấn đề này có có sự tham gia của cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an, đồng thời đề xuất phương án tiêm thuốc triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em.
“Ở các nước người ta phát triển những loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta cũng làm được, tôi đề nghị giao cho bộ Y tế và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nghiên cứu. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba trường hợp là xã hội yên ổn ngay”, bà Khánh nhấn mạnh.
Chị em nội trợ Hà Nội gom vỏ trái cây "bỏ đi" làm mứt tết
Để tiết kiệm chi phí mua bánh kẹo và làm các món lạ đón khách, nhiều gia đình đã học làm các loại mứt từ vỏ trái cây.