“Sống mãnh liệt”: Đã có lúc, dịch giả cũng “buồn mãnh liệt”, nhưng đã vươn thoát

“Đây là cuốn sách dịch thứ 58 của thợ cày tôi và có lẽ là cuốn sách dịch quan trọng nhất của tôi trong năm 2024” - dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ sau khi ra mắt “Sống mãnh liệt”.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, ngày 21.4, tại Phố Sách Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu “Sống mãnh liệt - Chúng ta có thể học được gì từ những người khuyết tật thành công?” do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Sống mãnh liệt” của tác giả Rainer Zitelmann, được chuyển ngữ bởi nữ dịch giả Nguyễn Bích Lan.

Tác giả Rainer Zitelmann sinh năm 1957 tại Frankfurt (CHLB Đức), sở hữu 2 bằng tiến sĩ, từng giảng dạy lịch sử tại Đại học Free ở Berlin, là Tổng Biên tập của NXB Ullstein-Propyläen, đồng thời là một doanh nhân thành đạt. Ông là tác giả của 29 ấn phẩm được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có cuốn “Dám trở nên khác biệt và giàu có”. Rainer Zitelmann cũng là một diễn giả được tìm kiếm ở châu Á, Mỹ, và khắp châu Âu.

Nữ nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. 
Nữ nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. 

Trong “Sống mãnh liệt” - cuốn sách mới nhất của TS Rainer Zitelmann, ông đã khám phá cách những người khuyết tật đạt được những điều phi thường và đặt ra những cột mốc mà dường như ngay cả với hầu hết những người không khuyết tật cũng không dễ thực hiện được.

Tác giả Zitelmann đã lập hồ sơ về 20 cá nhân độc đáo, tất cả đều đạt được thành tích cao hơn nhiều so với mức trung bình, thường gần như là siêu nhân, mặc dù việc khuyết tật của họ được cho là mang lại ít cơ hội cho họ và khiến họ, ở nhiều khía cạnh, phụ thuộc vào những người xung quanh.

Dịch giả Bích Lan ký lưu niệm sách cho bạn đọc. 
Dịch giả Bích Lan ký lưu niệm sách cho bạn đọc. 

Tuy nhiên, “Sống mãnh liệt” của Zitelmann không chỉ là một sưu tập tiểu sử truyền cảm hứng của những người thành công. Mỗi câu chuyện cũng nêu bật những đặc điểm tính cách cho phép những người thành công phi thường (có, hoặc không có khuyết tật) vượt qua những rào cản thường rất ghê gớm. Ấn phầm này hướng đến bất kỳ ai không muốn an phận với một sự tồn tại trung bình, mà đối với tất cả những ai muosn tận dụng cuộc sống của mình nhiều hơn, thậm chí có thể tạo ra một kiệt tác, kỳ tích.

Trong cuốn sách, Zitelmann đã biết cách kết hợp tài năng kép của một nhà báo kể chuyện thú vị và khả năng phân tích nhạy bén của một nhà khoa học để cung cấp những hiểu biết quan trọng về câu chuyện thành công của những người khuyết tật, nhưng không bao giờ muốn để được đối xử khác với những người bình thường.

Trong số các nhân vật được mô tả ở “Sống mãnh liệt”, hẳn cũng có không ít gương mặt chưa được bạn đọc Việt Nam biết tới. Vậy nên, đây là cơ hội để mọi người khám phá sự phong phú và độc đáo trong cuộc sống và sự nghiệp của họ, với những nhân vật như: Ludwing Van Beethoven - một nhạc sĩ bị điếc và gần như bị mù, Helen Keller - một biểu tượng của nước Mỹ, John Forbes Nash - một thiên tài toán học, Vincent Van Gogh - một họa sĩ “u uất nhất trong lịch sử”, James Holman - một người mù đi 250.000 dặm, Nick Vujicic - nhà diễn thuyết truyền động lực, Felix Klieser - nghệ sĩ chơi kèn đồng không tay, Frida Kahlo - họa sĩ nổi tiếng nhất Mỹ Latin, Erik Weihenmayer - một người mù chinh phục 7 ngọn núi cao nhất thế giới, Stevie Wonder - ngôi sao âm nhạc với 25 giải Grammy và Oscar nhạc phim…

Bìa cuốn sách “Sống mãnh liệt”. 
Bìa cuốn sách “Sống mãnh liệt”. 

Có một điều đặc biệt không kém ở “Sống mãnh liệt” là việc chuyển ngữ sang tiếng Việt được thực hiện bởi nữ dịch giả Nguyễn Bích Lan - một người ngay từ tuổi dạy thì đã không may bị mắc chứng loạn dưỡng cơ, nên cô chỉ đi học đến lớp 8, đi đứng rất khó khăn và có lúc tưởng chừng đã phải buông xuôi tất cả.

Sau một thời gian “buồn mãnh liệt” - như cô đã tâm sự - Bích Lan đã bất chấp khó khăn và gắng gỏi vượt lên, tự học tiếng Anh qua đài phát thanh, dù thời kỳ đó rất thiếu thốn các phương tiện nghe - nhìn, hay các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và phong phú như ngày nay. Với tâm niệm “Biến thách thức thành cơ hội”, cô đã chọn cho mình con đường đi phù hợp để chứng minh việc “tàn, nhưng không phế”. Và đến nay, khó ai có thể ngờ rằng Bích Lan - cô gái sinh năm 1976 ở Thái Bình ấy đã có một gia tài văn chương đáng nể phục: Sáng tác được 4 đầu sách và có 54 cuốn sách do cô chuyển ngữ đã được xuất bản.

Sự nỗ lực của Bích Lan đã được ghi nhận: Năm 2010, Bích Lan được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn học dịch với cuốn sách “Triệu phú khu ổ chuột”. Năm 2020, cô được nhận Giải thưởng phát triển văn hóa đọc. Năm 2021, Bích Lan được trao giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 với cuốn sách “Được học”. Bích Lan cho hay: “Trong “Sống mãnh liệt”, tôi đã dịch 3/4 cuốn, còn lại do cô cháu gái lớn (con người chị cả) đảm nhiệm”.

Bà Tống Thị Ninh (73 tuổi, mẹ của Bích Lan) trong phần giao lưu với bạn đọc.
Bà Tống Thị Ninh (73 tuổi, mẹ của Bích Lan) trong phần giao lưu với bạn đọc.

Với các nhân vật trong “Sống mãnh liệt”, Bích Lan đã chia sẻ cảm nhận của mình trên trang cá nhân của mình: “Những tai ương tựa như bão tố của số phận đổ ập xuống cuộc đời họ, toàn những loại tai ương cỡ bự có thể nghiền nát tinh thần của bất cứ ai, và quả thật, chúng đã cài cắm vào cuộc đời họ một thử thách vĩnh viễn mà người đời gọi là "khuyết tật". Nhưng không ai trong số họ cam chịu để tai ương đè bẹp. Tất cả họ đều kiên cường chịu đựng tai ương với nội lực phi thường, và ngay khi bắt đầu ý thức được về hoàn cảnh của mình, họ cũng bắt đầu tìm một con đường mà họ thực sự khao khát đi.

Từng bước, từng bước với sự kiên nhẫn vô kể và ý chí không gì khuất phục nổi họ quyết đi đến đích. Họ vươn tới những đỉnh cao chóng mặt của nghề nghiệp mà họ theo đuổi, những đỉnh cao mà người bình thường, lành lặn, thậm chí không dám mơ tới. Họ đạt đến những thành công gây sửng sốt cho người đương thời, những thành công đã và sẽ lưu danh họ trong lịch sử. Hơn hết, họ vươn tới cái đích đáng vươn tới nhất của một đời người: Sống và trải nghiệm bản thân mình trưởng thành qua thử thách, đánh thức và nuôi dưỡng tất cả mọi khả năng của mình để phục vụ cho mục đích tốt đẹp của cuộc sống.

Tôi ngả mũ trước từng người với sự khâm phục hoàn toàn!

Tôi chọn dịch cuốn sách về 20 người khuyết tật phi thường trên thế giới này (nhiều người trong số họ có thể bạn chưa biết) không phải để tôn vinh họ, mà để các độc giả của tôi biết tới họ, được truyền động lực mạnh mẽ từ họ, để sống mãnh liệt theo cách của riêng mình”.

Những điều thể hiện trong “Sống mãnh liệt” đã trả lời cho câu hỏi “Thực sự có điều gì mà người khuyết tật không thể đạt được không?”. Dựa trên tiểu sử đa dạng và đáng kinh ngạc của họ do tác giả Zitelmann lựa chọn, câu trả lời chắc chắn phải là một tiếng “Không!” vang dội.

Rõ ràng, “Sống mãnh liệt” đã không chỉ là nguồn động lực, khích lệ cho những người khuyết tật, nó tiết lộ những bí quyết thành công và sức mạnh của tâm trí cho tất cả mọi người. Như Saliya Kahawatte - người đàn ông mù có câu chuyện cuộc đời đã truyền cảm hứng cho bộ phim “My Blind Date with Life” - đã viết trong lời tựa của cuốn sách này: “Nếu thích, bạn có thể coi cuốn sách này là một sự phát hiện quý báu về những viên kim cương bằng xương, bằng thịt. Tất cả chúng ta đều biết rằng mỗi kim cương quý hiếm đều từng là một cục than bình thường chịu đựng được sức ép to lớn trong một giai đoạn dài, trở nên ngày càng cứng rắn hơn, tinh chất hơn, và chỉ đạt đến sự chói sáng độc đáo của nó qua quá trình cắt gọt và mài giũa tỉ mỉ. Giờ thì đã đến lúc đi tìm kiếm kim cương rồi”.

Bích Lan đã tâm sự: “Với tôi, được viết, được dịch sách với sự say mê là một điều hạnh phúc. Dù bản thân có cuộc sống khó khăn, nhưng vẫn rất đáng sống. Tôi may mắn có một điểm tựa gia đình ắp đầy tình thương yêu, ấm áp, nhưng tôi vẫn muốn tự mình vượt khó bằng nghị lực của mình, muốn bình thường hóa mọi điều trong cuộc sống ở mức cao nhất, để các thành viên trong gia đình có cuộc sống bình thường, không phải quá lo nghĩ về tôi…”. Với những suy nghĩ bình dị như thế và những thành công đạt được trong sự nghiệp, Bích Lan thực sự đã được sự đồng cảm và ngưỡng mộ của giới nghề và nhiều bạn đọc.

Cũng dễ hiểu vì sao, trong số đông bạn đọc dự buổi tọa đàm nói trên, đã có một số bạn đọc nữ mang theo cả con cái lặn lội từ những nơi xa, như Sơn La, Bắc Ninh, về Hà Nội. Có cả một bạn nữ đã dậy từ 4 giờ sáng để đón xe đi từ một huyện ở tỉnh Hải Dương về dự, với vẻ mặt đầy háo hức, vì có cơ hội gặp mặt, trò chuyện trực tiếp cô dịch giả, chứ không phải chỉ được gặp qua những trang sách…

LÊ QUANG VINH

Google cảnh báo nóng đến người dùng Gmail: Cẩn thận trước 6 cụm từ này nếu không muốn mất sạch tiền trong tài khoản

Google cảnh báo nóng đến người dùng Gmail: Cẩn thận trước 6 cụm từ này nếu không muốn mất sạch tiền trong tài khoản

Cảnh báo mới đây của Google gửi đến hàng tỷ người dùng Gmail về những "cụm từ sát thủ" cần quét và xóa ngay lập tức.