Sri Lanka bên bờ vực phá sản

Theo phân tích ngày 12/7 của trang mạng asiaskop (Czechc) chuyên theo dõi tình hình châu Á, Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Thiên đường nghỉ mát tại Ấn Độ Dương đã rơi vào vực thẳm của lạm phát, nền kinh tế sụp đổ, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xếp Sri Lanka vào diện quốc gia phá sản. Các cuộc biểu tình diễn ra từ tháng 3 đến nay đã lên đến đỉnh điểm khi những người biểu tình chiếm Dinh tổng thống và đốt phá Phủ thủ tướng. 

Tổng thống Gotabay Rajapaksa đã tuyên bố từ chức, còn Thủ tướng Ranil Vikremesinghe cũng bày tỏ sẵn sàng rời bỏ cương vị người đứng đầu chính phủ.

Gia đình Rajapaksa đã đóng một vai trò trung tâm trong nền chính trị Sri Lanka kể từ năm 2005, khi ông Mahinda Rajapaksa được bầu làm Tổng thống. Em trai ông là Gotabaja đã giành chiến thắng "long trời lở đất" trong cuộc bầu cử cách đây 3 năm, sau khi ông Mahinda không đủ khả năng tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp và "xuống" làm thủ tướng. Một năm sau, Đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (Podujana Peramuna) của ông Gotabaja đã giành đa số áp đảo trong Quốc hội.

Giờ đây, ông Gotabaja trở thành tổng thống đầu tiên của Sri Lanka không thể hoàn thành hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc rút lui khỏi các vị trí cầm quyền của triều đại Rajapaksa đã bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, khi ông Mahinda từ chức thủ tướng. 

Sri Lanka bên bờ vực phá sản - Ảnh 1.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường, xông vào dinh tổng thống và văn phòng tổng thống trong tuyệt vọng và phóng hỏa dinh thự riêng của thủ tướng.

Con trai ông là Namal, người theo truyền thống sẽ trở thành người kế vị của cả triều đạị, cũng rời khỏi nội các. Thậm chí, trước đó, hôm 3/4, một người em khác của Tổng thống Gotabaja là ông Basil cũng đã từ chức Bộ trưởng Tài chính và sau đó tiếp tục từ bỏ vai trò nghị sỹ quốc hội (ngày 9/6). Chính ông bị coi là "tội đồ" đã kéo đất nước Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Từ vị trí người chuyên dàn xếp các thương vụ ở hậu trường, ông Basil đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào năm 2021, nhưng khi ngồi vào chiếc ghế đó, ông đã bộc lộ những hạn chế về năng lực lãnh đạo. Mặc dù vậy, dòng họ Rajapaksa vẫn cố bám trụ chiếc ghế điều hành đất nước và nắm giữ các vị trị quan trọng trong chính phủ bất chấp sức ép phản đối của người dân. 

Không ngạc nhiên khi rửa tiền và tham nhũng cũng đã trở thành một phần "không thể thiếu" trong quyền lực chính trị của triều đại Rajapaksa. Theo bảng xếp hạng quốc tế về tham nhũng mới được công bố gần đây, Sri Lanka đứng thứ 108.

Giới chuyên gia tài chính từng dự báo ít nhất trong vài năm tới, triều đại Rajapaksa không phải lo nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Sri Lanka thực sự còn bao nhiêu tiền trong ngân khố quốc gia. 

Bảng cân đối tài chính hiện nay của đảo quốc này khá ảm đạm do không còn tiền để nhập khẩu hàng hóa, dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt và lần đầu tiên trong lịch sử, Sri Lanka vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài.

Quốc gia Ấn Độ Dương này đã phải vật lộn với các vấn đề thanh toán các khoản vay từ thập kỷ 50 và đến nay đã cơ bản giải quyết được bằng các khoản vay khác cũng như nguồn thu từ du lịch và từ xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sri Lanka thực sự đáng lo ngại. 

So với năm ngoái, giá thực phẩm trên thị trường tiêu dùng Sri Lanka hiện đã tăng 50%, khiến nhiều người dân chỉ dám ăn một bữa mỗi ngày. Do khan hiếm và giá nhiên liệu tăng vọt, mặt hàng này chỉ được phân bổ cho cảnh sát, lực lượng cứu hỏa và cứu thương. Đây là lần đầu tiên kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chính phủ Sri Lanka buộc phải áp dụng biện pháp phân bổ này.

Sri Lanka bên bờ vực phá sản - Ảnh 3.

Tình hình ở Sri Lanka đang leo thang, nhưng vấn đề thực sự vẫn là: kho bạc trống rỗng. Không còn tiền mua hàng tạp hóa, thuốc men, nhiên liệu.

Tổng thống mãn nhiệm Gotabaja đổ lỗi cho các vấn đề hiện tại do đại dịch COVID-19 đã làm giảm sút nghiêm trọng nguồn thu từ khách du lịch quốc tế - một trong những nguồn thu lớn nhất cho ngân khố quốc gia của Sri Lanka. 

Ngoài ra, vụ khủng bố nhằm vào các đền thờ Hồi giáo hồi tháng 4/2019 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Sri Lanka. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nguyên nhân của tình trạng tồi tệ hiện nay ở Sri Lanka là do các chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ. 

Các khoản nợ của chính phủ đã bắt đầu tăng do cuộc xung đột kéo dài ba thập kỷ giữa những người Sihalese theo đạo Phật (chiếm đa số dân số Sri Lanka) và người Tamil theo đạo Hindu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người. Cuộc xung đột này đã kết thúc vào năm 2009 sau một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội chính phủ, đánh bại lực lượng "Những con hổ Giải phóng Tamil".

Tình trạng nợ công của Sri Lanka càng trở nên tồi tệ hơn do những nỗ lực xây dựng đường sá, sân bay và mạng lưới điện. Một đợt cắt giảm thuế quy mô lớn hồi cuối năm 2019 đã tước đi thu nhập của khoảng 1 triệu người làm việc trong các cơ quan công quyền. 

Năm ngoái, Chính phủ Sri Lanka đã cố gắng ngăn "chảy máu" ngoại tệ bằng cách cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thay thế chúng bằng phân bón hữu cơ. Hệ quả của chính sách này là người nông dân lâm vào cảnh mất mùa nghiêm trọng, khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực từ nước ngoài của Sri Lanka tăng cao.

Nội các Sri Lanka đã cố gắng tìm cách thoát khỏi khủng hoảng hiện nay khi cân nhắc khả năng mua dầu của Nga với mức chiết khấu đáng kể, đồng thời nỗ lực khôi phục kết nối hàng không với Moskva để thu hút khách du lịch từ Nga. 

Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Giờ đây, điều chính phủ liên minh ở Sri Lanka cần làm nhất là tìm cách đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Và quan trọng là vào ngày 20/7, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới của đất nước.

Phá sản quốc gia là gì?

Nói một cách đơn giản: phá sản quốc gia, còn được gọi là mất khả năng thanh toán, xảy ra khi một chính phủ không còn khả năng trả một phần hoặc tất cả các khoản nợ của mình. Trong trường hợp này, người ta cũng nói về một sự vỡ nợ. Chính xác thời điểm đạt được điểm này phụ thuộc vào tỷ lệ nợ. Nó được tính toán từ Tỷ lệ nợ quốc gia và tổng sản phẩm quốc nội .

Theo quy định, các khoản thanh toán cho trái phiếu chính phủ và trả lãi phải được thực hiện vào những ngày định trước, nhà kinh tế Sjacco Schouten giải thích trong một khoản đóng góp cho APG, quỹ hưu trí lớn nhất của Hà Lan. Nếu một quốc gia bỏ lỡ thời điểm này, thời gian gia hạn sẽ theo sau và khi thời gian gia hạn cũng hết hạn thì quốc gia đó mới chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Thoạt nhìn, một nhà nước không khác gì một công ty hay một cá nhân. Nếu một nhà nước không còn có thể trả hết các khoản nợ của mình, nó sẽ bị phá sản - ít nhất là trên lý thuyết.

Bởi vì, như đã nói trong một báo cáo "Wirtschaftsdienst" từ năm 2014, một nhà nước, không giống như một công ty, không thể đơn giản bị xóa sổ trong trường hợp bị phá sản.

Trong mọi trường hợp, theo tạp chí tài chính Hoa Kỳ "Investopedia", các quốc gia có chủ quyền thường có cơ hội trốn tránh trách nhiệm thanh toán. Ví dụ, các quốc gia có nợ tích lũy bằng đồng tiền của họ thường in thêm tiền để thoát khỏi tình trạng phá sản và đáp ứng nhu cầu của các chủ nợ.

Điều đó có thể hoạt động trên giấy. Tuy nhiên, kết quả là lạm phát lớn, thường gây ra phản ứng dây chuyền kinh tế thảm khốc, mà cuối cùng người dân phải gánh chịu.

Gia Kiệt