Sri Lanka vỡ nợ, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức sau các cuộc biểu tình bạo lực

Cơ quan lập pháp Sri Lanka hôm thứ Bảy (9/7) thông báo Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức vào tuần tới. Người phát ngôn Mahinda Yapa Abeywardena cho biết trong một tuyên bố video rằng, Tổng thống Rajapaksa đã thông báo về quyết định rời bỏ quyền lực.

Người phát ngôn Abeywardena nói: "Quyết định từ chức vào ngày 13 tháng 7 được đưa ra nhằm đảm bảo sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Do đó, tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình".

Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi hàng chục nghìn người biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và chính phủ của ông từ chức.

Sri Lanka vỡ nợ, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức sau các cuộc biểu tình bạo lực - Ảnh 1.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức sau các cuộc biểu tình bạo lực.

Ông Rajapaksa được cho là đã chuyển đến một khu vực an toàn hơn, một quan chức trong văn phòng của ông nói với hãng tin DPA, trong khi AFP dẫn nguồn tin quốc phòng hàng đầu cho biết "tổng thống đã được hộ tống đến nơi an toàn."

Quân đội nổ súng chỉ thiên, cố gắng ngăn chặn đám đông giận dữ tràn vào dinh tổng thống, nhưng những người biểu tình cuối cùng đã vượt qua được. Hình ảnh được phát trên truyền hình quốc gia sau đó cho thấy đám đông tụ tập cả bên ngoài và bên trong tòa nhà.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã đồng ý từ chức sau khi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo các đảng chính trị.

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết ông sẵn sàng nhường chỗ cho một chính phủ toàn đảng trong bối cảnh các cuộc biểu tình và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Những người biểu tình được cho là cũng đã đột nhập dinh thủ tướng và phóng hỏa.

Quốc đảo này đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Nước này vỡ nợ nước ngoài vào tháng 4.

Trong một nỗ lực rõ ràng để xoa dịu những người biểu tình, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã loại bỏ một số người thân cận của mình khỏi các vị trí hàng đầu trong chính phủ, bao gồm hai anh trai của ông, Mahinda và Basil, những người cho đến nay lần lượt giữ chức Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính của đất nước này.

Vào tháng 5, ông Wickremesinghe được bổ nhiệm làm Thủ tướng và hiện cũng là người phụ trách lãnh đạo Bộ Tài chính. Ông đã cam kết thiết lập một chương trình cứu trợ và một kế hoạch kinh tế mới cho phép ông tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết các cuộc đàm phán cứu trợ của đất nước với IMF dựa vào việc hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu nợ với các chủ nợ vào tháng 8 và điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi đất nước đã rơi vào tình trạng "phá sản", với các khoản nợ hiện lên tới hơn 50 tỷ USD (49,1 tỷ Euro) .

22 triệu người của Sri Lanka đã phải hứng chịu nhiều tháng lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu nhiên liệu kéo dài sau khi chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Nhà báo địa phương Marlon Ariyansinghe nói : "Mọi người nhận thức được rằng chúng tôi đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và sáu tháng tới sẽ thực sự khó khăn. Nhưng tôi nghĩ rằng đối với người dân, đây là cơ hội để họ nói lên mối quan tâm của minh, nói lên sự bất đồng quan điểm của mình đối với Tổng thống và thủ tướng này".

MINH MINH