Thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện đang trong giai đoạn thuận lợi với những dấu hiệu tích cực. Chỉ số Nifty 50 tăng 30% trong năm vừa qua và thậm chí là 90% trong vòng 5 năm. Dòng vốn nội địa cũng đổ mạnh vào thị trường này trong suốt 3 năm.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, những căng thẳng địa chính trị đang thức đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lẫn các quỹ đầu tư hướng đến Ấn Độ. Vốn hóa của các công ty niêm yết tại Mumbai đã vượt qua Hồng Kông, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này.
Tuy nhiên, cũng có một khác biệt rõ rệt giữa sự hưng phấn của thị trường chứng khoán Ấn Độ và sự điều chỉnh sau cơn bùng nổ cách đây không lâu của thị trường startup của nước này. Nhiều thị trường khác đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái, nhưng tại Ấn Độ, đà suy giảm này mạnh hơn nhiều.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup Ấn Độ giảm hơn 60% trong năm 2023, từ 26 tỉ USD vào năm 2022 xuống còn khoảng 9,5 tỉ USD. Để so sánh, dòng vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ và Trung Quốc đều giảm khoảng 1/3.
Theo Bain & Co, Ấn Độ vẫn duy trì vị thế là điểm đến lớn thứ hai của các quỹ đầu tư mạo hiểm và nguồn tài trợ tăng trưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, có sự suy giảm về khối lượng giao dịch và quy mô giao dịch trung bình.
Hệ sinh thái startup Ấn Độ cũng chỉ sinh ra hai kỳ lân trong năm 2023, trong khi vào năm 2021 là 44 và 26 vào năm 2022. Ngoài ra, thị trường startup Ấn Độ đã chứng kiến hơn 24.000 việc làm bị sa thải vào năm 2023, tăng từ con số 20.000 vào năm 2022.
Thị trường vốn mạo hiểm vẫn còn tồn đọng dư vị từ bong bóng năm 2021, khi nhà đầu tư như SoftBank, Tiger Global và Sequoia India (hiện được gọi là Peak XV Partners) đầu tư mạnh vào các startup với mức định giá cao trước khi rút lui.
Đầu năm 2022, kỳ lân công nghệ giáo dục Byju's đã huy động nguồn vốn với mức định giá lên đến 22 tỉ USD, nhưng hiện nỗ lực trong tuyệt vọng khi mức định giá giảm 99%, xuống còn khoảng 225 triệu USD.
Thị trường startup Ấn Độ, thiên về lĩnh vực công nghệ có nhu cầu cao, từng được kỳ vọng sẽ chống chịu tốt trước các bất ổn vĩ mô, đặc biệt là khi Độ từ lâu đã được coi là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ.
Nhưng thực tế cho thấy chi phí vốn cao đã khiến thị trường này bị tổn thương nặng nề. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng lãi suất chuẩn từ 4% vào tháng 5/2022 lên 6,5% vào tháng 3/2023.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử quốc gia sẽ diễn ra trong thời gian tới cũng khiến ngân hàng trung ương khó có khả năng cắt giảm lãi suất hoặc kích bất kỳ chương trình tín dụng mới nào sớm hơn. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút FDI.
Trên thực tế, khi chi phí vốn tăng trên toàn cầu, các quỹ mạo hiểm nước ngoài cũng lo ngại rủi ro và có ít động lực hơn để rót vốn đầu tư ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ.
Vấn đề còn nghiêm trọng hơn so số lượng nhà đầu tư thiên thần trong nước trở nên khan hiếm. Một số doanh nhân Ấn Độ chọn phương án thành lập công ty ở Mỹ, do tình hình khó khăn trong việc huy động vốn tại địa phương.
Và tình trạng thiếu hụt nguồn vốn trên thị trường khiến một số doanh nghiệp non trẻ ở Ấn Độ tập trung vào các mô hình kinh doanh không cần đầu quá lớn. "Một startup càng thâm dụng vốn thì khả năng ngã vì thiếu vốn càng cao", ông Rama Rao Sreeramaneni, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Hệ thống Truyền thông Đổi mới, cho biết.
Ông Rahul Khanna, sáng lập Trifecta Capital, cho biết năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các startup đã huy động vốn ở mức định giá cao nhất vào năm 2021 và có đủ vốn để không phải hạ mức định giá để huy động vốn trong giai đoạn năm 2022 và 2023.
(Nguồn: FT)