Tài sản ròng của các siêu tỷ phú thường được so sánh với GDP của các quốc gia để dễ hình dung "độ khủng"

Rất nhiều tiền, luôn thu hút sự chú ý của con người. Vì vậy nên khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú thường là đề tài được bàn tán sôi nổi. Tài sản ròng của các siêu tỷ phú thường được so sánh với GDP của các quốc gia để dễ hình dung "độ khủng"...

Tại sao chúng ta lại chấp nhận phép so sánh tài sản ròng của tỷ phú với GDP của quốc gia? Có lẽ là do sự tùy tiện, do không hiểu rõ bản chất của các khái niệm, hoặc do ham muốn một cái gì đó giật gân.

Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, ... và các khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp là những biến trữ lượng (stock variable), thể hiện quy mô tại một thời điểm.  Còn doanh thu, giá vốn hàng bán, lợi nhuận ròng, ... và các khoản mục khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là các biến lưu lượng (flow variable), thể hiện những gì làm được trong một khoảng thời gian.

Thử tưởng tượng hình ảnh một con sông đang chảy vào một hồ chứa. Lượng nước trong hồ là biến trữ lượng, có đơn vị là mét khối; còn lượng nước chảy từ con sông vào là biến lưu lượng, có đơn vị là mét khối trên giây. Trên báo cáo tài chính, đơn vị của các khoản mục tài sản, vốn chủ sở hữu, ... là USD hoặc VND; còn đơn vị của các khoản mục doanh thu, lợi nhuận, ... là USD/năm, VND/quý, .... Vì đơn vị khác nhau nên như đã nói ở trên, không thể trực tiếp so sánh tài sản với doanh thu.

Tài sản ròng thể hiện số của cải mà một tỷ phú tích lũy, xây dựng được trong suốt mấy chục năm cuộc đời. Còn GDP là giá trị của các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong biên giới một quốc gia trong một năm, khá giống với như doanh thu của một doanh nghiệp.

Tài sản ròng được tích cóp hết năm này sang năm khác, còn GDP thì cứ hết mỗi năm lại được "reset" về 0, sang năm sau tính lại từ đầu. So sánh tài sản ròng với GDP tức là so con số tích lũy mấy chục năm với những gì làm được trong một năm, so một người với tổng của hàng triệu người, so tài sản với doanh thu. Rõ ràng là không có một "mẫu số chung" nào và vì vậy, phép so sánh là vô giá trị.

Phép so sánh giữa tài sản ròng (tài sản đã trừ đi nợ) của các tỷ phú với GDP của các quốc gia thường được sử dụng để hình dung mức độ giàu có của các ông bà chủ. Các dòng tít theo kiểu "Tài sản của Jeff Bezos (hoặc Bill Gates, ...) lớn hơn GDP của hàng trăm quốc gia" xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index tính đến ngày 27/10 vừa qua, người giàu nhất hành tinh là Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla và tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, với giá trị tài sản ròng 287 tỷ USD, tăng 117 tỷ so với đầu năm. 10 doanh nhân khác cũng có tài sản ròng trên 100 tỷ USD, có thể kể đến như Jeff Bezos - ông chủ của Amazon, Bill Gates - nhà sáng lập Microsoft, Bernard Arnault - ông vua hàng xa xỉ tại Pháp, Warren Buffett - huyền thoại đầu tư của Berkshire Hathaway, ...

Các con số tài sản ròng nói trên lớn đến đâu? Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), toàn thế giới có 131 quốc gia và vùng lãnh thổ với GDP năm 2021 nhỏ hơn 100 tỷ USD và 148 nước có GDP dưới 287 tỷ USD. Tuy nhiên việc so sánh tài sản ròng của các tỷ phú với GDP của các quốc gia lại hoàn toàn không có ý nghĩa.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)