Tân Hiệp Phát làm ăn thế nào trước khi ông chủ bị bắt?

Trước khi ông Trần Quí Thanh và hai con gái là bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị Bộ công an khởi tố, Tân Hiệp Phát là công ty tỉ đô với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập ngày 27/10/1997. Công ty này đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Lần gần nhất là ngày 10/10/2022.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng, chiếm 54,493% vốn điều lệ. Bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng, chiếm 29,384%. Bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng, chiếm 16,123%. 

Ông Trần Quốc Dũng là con trai duy nhất của ông Thanh nhưng không tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình mà lập công ty riêng. Ông Dũng hiện là Tổng giám đốc công ty Trần Toàn Phát, Thương hiệu Collagen ADIVA chuyên kinh doanh về collagen. 

Hiện đại diện theo pháp luật của công ty này là Tổng giám đốc Trần Quí Thanh và Phó giám đốc Riddle David Charles.

Ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, được giới thiệu là tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau này, ông nhận bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Southern California University (Mỹ).

Ông cùng vợ là bà Phạm Thị Nụ thành lập một phân xưởng sản xuất nước giải khát năm 1994, là tiền thân của Tân Hiệp Phát sau này. Những sản phẩm ban đầu của doanh nghiệp là bia chai, bia hơi, bia tươi, sữa đậu nành. 

Đến năm 2001, họ cho ra mắt sản phẩm nước tăng lực Number 1, về sau trở thành dòng sản phẩm chủ lực. Ngoài nước tăng lực, Tân Hiệp Phát còn có mảng đồ uống về trà khá quen thuộc với người tiêu dùng như trà xanh 0 độ, trà thanh nhiệt Dr Thanh...

Theo kênh truyền hình Channel NewsAsia thực hiện năm 2018 tiết lộ, doanh nghiệp này có khoảng 4.000 công nhân viên và khoảng 500 triệu USD doanh thu mỗi năm, hướng đến doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới. Ông Thanh đặt mục tiêu doanh thu đến 3 tỷ USD vào năm 2030.

Trước đó, theo Forbes, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ CocaCola với lý do hai bên có tầm nhìn khác nhau.

Tân Hiệp Phát làm ăn thế nào trước khi bị bắt? - Ảnh 2.

Gia đình Tân Hiệp Phát tại buổi ra mắt sách ‘Competing with Giants’.

Ngoài việc thành lập và điều hành Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh còn xuất hiện với một số vai trò trong ngành bất động sản. Tháng 6/2017, ông Thanh từng tham gia vào HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn và sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Năm 2018, lần đầu tiên ông Trần Quí Thanh hé lộ về việc mở thêm hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cũng năm này, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM với cương vị Phó Chủ tịch.

Vào tháng 3/2018, Tân Hiệp Phát thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC (trụ sở chính tại số 194 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tân Hiệp Phát làm ăn thế nào trước khi bị bắt? - Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Dũng, con rai duy nhất Tân Hiệp Phát đã ra ngoài kinh doanh riêng.

Với lượng tiền mặt lớn, Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản.

Tháng 4/2019, gia đình ông Trần Quí Thanh thành lập liên tiếp hơn chục công ty có đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các pháp nhân bất động sản kể trên đều đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế. 

Tuy gia tộc Trần Quí Thanh lấn sân vào lĩnh vực bất động sản với số tiền mặt lớn, tuy nhiên liên tục dính lùm xùm trong nhiều vụ đấu giá đất, mua bán đất đai ở TP.HCM, Đồng Nai…

HÀ MY