Tăng cường các biện pháp không để bệnh lở mồm long móng lây lan

Ngày 9/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản về việc tập trung chỉ đạo kiểm soát, phòng, chống bệnh lở mồm long móng lây lan diện rộng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng. 

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp được kiện toàn; tổ chức triển khai biện pháp chống dịch theo quy định; thành lập ngay đoàn công tác do lãnh đạo UBND huyện đến các nơi đang có dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch...

Cùng đó, tỉnh áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn trâu, bò, địa bàn nguy cơ cao,... tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm bổ sung vaccine cho đàn gia súc, nhất là tại những khu vực có nguy cơ cao. 

  Kon Tum tập trung chỉ đạo kiểm soát, phòng, chống bệnh  lở mồm long móng lây lan  diện rộng.

Kon Tum tập trung chỉ đạo kiểm soát, phòng, chống bệnh lở mồm long móng lây lan diện rộng.

Các địa phương, ban ngành chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc bệnh, nghi mắc bệnh lở mồm long móng ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định. 

Ngoài ra, các địa phương, ban ngành tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát , lây lan; tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc bất hợp pháp. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngay Đoàn công tác đến các địa phương đang có dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn trâu, bò, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển gia súc bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch. 

Kết quả thực hiện được báo về UBND tỉnh trước ngày 20/12. Tỉnh cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh

(Nguồn: TTXVN)

PV

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương