Khoảng 15% số bệnh nhân được điều trị không thể kiểm soát tốt huyết áp dù phối hợp nhiều thuốc với liều tối ưu. Bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn gấp nhiều lần so với bệnh nhân kiểm soát tốt huyết áp.
Phân biệt tăng huyết áp kháng trị thực sự và tăng huyết áp giả kháng trị
BS Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng khoa C6, Viện Tim mạch quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo các khuyến cáo và hướng dẫn trên thế giới cũng như ở Việt Nam, một người được coi là kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp khi đáp ứng 2 yêu cầu sau:
- Một là trị số huyết áp tốt, tức là huyết áp tối đa dao động từ 120 đến dưới 130 mmHg với người dưới 70 tuổi; từ 130 đến dưới 140 mmHg ở người trên 70 tuổi, kèm theo huyết áp tối thiểu dưới 80 mmHg. Lưu ý đây là ngưỡng đo tại phòng khám. Nếu theo dõi tại nhà, chỉ số huyết áp có thể thấp hơn từ 5-10 mmHg. Ngoài ra, trị số huyết áp cũng có thể thấp hơn ngưỡng trên nếu người bệnh dung nạp thuốc tốt.
- Hai là biến thiên huyết áp phải ổn định và trong ngưỡng bình thường. Muốn vậy người bệnh phải tự theo dõi huyết áp hàng ngày, ít nhất là 1 lần sau khi ngủ dậy và 1 lần trước khi đi ngủ.
BS Nguyễn Tuấn Hải kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia |
Trong thực tế, có nhiều bệnh nhân than phiền dù sử dụng thuốc huyết áp theo đơn của bác sĩ hoặc đổi qua mấy loại thuốc mà vẫn chưa đạt được huyết áp mục tiêu. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Tuấn Hải, những trường hợp này chưa thể kết luận ngay là là tăng huyết áp kháng trị.
“Trước tiên chúng ta cần biết là có 5 nhóm thuốc chính với cơ chế khác nhau để điều trị tăng huyết áp. Tăng huyết áp kháng trị được xác định khi huyết áp vẫn tăng trên ngưỡng huyết áp mục tiêu, mặc dù sử dụng đồng thời ba thuốc hạ huyết áp thuộc các nhóm khác nhau với liều tối đa hoặc liều cao nhất có thể dung nạp, mà một trong số đó phải là thuốc lợi tiểu.”
Vì vậy, nếu huyết áp của người bệnh chưa đạt mục tiêu, thì trước tiên nên xem xét các yếu tố sau:
- Bệnh nhân đã do và theo dõi huyết áp đã đúng hay chưa?
- Bệnh nhân có đang dùng 3 nhóm thuốc hạ huyết áp thuộc các nhóm khác nhau với liều tối đa hoặc liều cao nhất hay chưa?
- Bệnh nhân có hay bị quên uống thuốc hay không
-Có đang bị một tình trạng bệnh đi kèm (VD sốt) hoặc dùng một thuốc nào đó có thể làm huyết áp tăng tạm thời không …
- Bệnh nhân có bị hiệu ứng tăng huyết áp áo choàng trắng hay không?
“Các nghiên cứu thống kê đã chỉ ra tăng trong số tất cả những trường hợp được coi là tăng huyết áp kháng trị, thì chỉ có 1/3 tức là khoảng 33% là tăng huyết áp kháng trị thực sự. Số còn lại là tăng huyết áp giả kháng trị, tức là do người bệnh theo dõi và đo huyết áp không chính xác; không tuân thủ điều trị; chưa tối ưu các thuốc điều trị; đang dùng thuốc hoặc chế phẩm làm huyết áp tăng tạm thời, như thuốc tránh thai, thuốc tăng hoạt tính giao cảm, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc đông y chứa cam thảo hoặc corticoid. Để chẩn đoán và phân biệt tăng huyết áp kháng trị thì cần hỏi kỹ người bệnh, kiểm tra lại các thuốc đang dùng, đo huyết áp nhiều lần, đo cả 2 tay trong điều kiện chuẩn, cho đeo máy đo huyết áp theo dõi 24 giờ gọi là holter huyết áp để loại trừ tăng huyết áp áo choàng trắng, và hướng dẫn người bệnh tự theo dõi huyết áp đúng tại nhà” – BS Nguyễn Tuấn Hải cho biết.
Tăng huyết áp kháng trị - chế độ theo dõi và điều trị có gì đặc biệt?
Tăng huyết áp kháng trị thường rơi vào những nhóm bệnh nhân béo phì, người có một số bệnh đồng mắc như hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy thận mạn, hoặc tăng huyết áp có nguyên nhân mà không được phát hiện trước đó.
“Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt và tăng huyết áp kháng trị đều làm tăng đáng kể các biến chứng tim mạch. Huyết áp, cứ tăng mỗi 20 mmHg với huyết áp tối đa và 10mmHg với huyết áp tối thiểu là lại làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, lóc tách động mạch chủ …Người xưa hay nói: lần trước bị đau lần sau mới chừa. Nhưng ở người tăng huyết áp, nếu những biến cố nguy hiểm này xảy ra, e rằng không còn lần sau nữa rồi. Ở phía ngược lại, giảm được 10 mmHg HA tối đa hoặc 5 mmHg HA tối thiểu là giảm được 20% biến cố mạch vành và 40% biến cố tai biến mạch não.” – BS Nguyễn Tuấn Hải nhấn mạnh.
Để biết được việc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả hay chưa hoặc bản thân liệu có rơi vào nhóm tăng huyết áp kháng trị không, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, bệnh nhân nên tích cực và chủ động tham gia vào quá trình kiểm soát huyết áp của bản thân.
Trước hết, khi được cho thuốc hoặc thay đổi thuốc, người bệnh nên hỏi bác sĩ: Thuốc này thuộc nhóm gì? Có tác dụng phụ gì cần chú ý không? Có loại thuốc, thực phẩm hay thảo dược nào cần tránh khi dùng thuốc này không? Và phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nên hỏi thêm: trong khi dùng thuốc này, tôi có thể có thai, hay cho con bú được không?
Trong quá trình dùng thuốc cần tuân thủ điều trị, tự theo dõi huyết áp đúng và thường xuyên. Đo huyết áp đúng là đo ở tư thế ngồi, tựa lưng, đặt tay trên bàn ngang ngực. Chỉ đo khi đã nghỉ tối thiểu 5 phút, không bị nhịn tiểu. Đo bằng băng cuốn phù hợp với máy đo huyết áp chuẩn. Bệnh nhân nên theo dõi trị số huyết áp tối thiểu 2 lần mỗi ngày và ghi ra giấy. Mang giấy này theo đưa cho bác sĩ trong lần khám sau. Khi đi khám không cần nghỉ thuốc mà vẫn uống thuốc bình thường.
Với các trường hợp đã được chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải hướng dẫn, bệnh nhân nên được gửi đến khám tại cơ sở chuyên khoa để xác định chính xác các nguyên nhân gây tăng huyết áp hoặc phối hợp làm huyết áp tăng như hẹp động mạch thận, u lành tuyến thượng thận, hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ lựa chọn phác đồ với số thuốc và liều thuốc phù hợp và cân nhắc chỉ định biện pháp can thiệp khi cần thiết như đốt hạch giao cảm động mạch thận, đeo máy thở điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, phẫu thuật giảm béo phì …
Chủ động và tích cực kiểm soát huyết áp sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm |
Lối sống khoa học, lành mạnh giúp kiểm soát huyết ấp tốt hơn
Cùng với việc dùng thuốc, BS Nguyễn Tuấn Hải khuyên người bệnh nên chú ý thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý để kiểm soát huyết áp tốt hơn, giảm các biến cố do tăng huyết áp gây ra. Cụ thể:
- Người bệnh nên giảm ăn mặn, tức là giảm Natri. Ví dụ 1 thìa cà phê 5 ml nước mắm tương đương 1g Natri, 1 thìa cà phê bột canh Hải Châu tương ương 10g Natri. Người bình thường được khuyến cáo chỉ ăn từ 2 – 3g Natri mỗi ngày, với người tăng huyết áp thì thấp hơn, chỉ ăn từ 1 – 2g Natri/ ngày.
- Tăng cường ăn chất xơ, rau củ quả tươi, hạn chế thức ăn chứa acid béo no, đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, bia rượu.
- Ăn nhiều cá có thể giúp giảm huyết áp, đặc biệt khi kết hợp với giảm cân
- Lưu ý khi sử dụng đồ uống có caffeine: Caffeine có thể tạm thời làm tăng huyết áp ở những người không tiêu thụ nó thường xuyên. Ở những người sử dụng caffeine thường xuyên, một lượng caffeine vừa phải (tương đương với khoảng hai tách cà phê mỗi ngày) thường không ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, lượng caffeine quá mức (chẳng hạn như trong nhiều loại thực phẩm bổ sung và đồ uống cỡ lớn) có thể làm tăng huyết áp ở những người nhạy cảm.
- Tuyệt đối không hút hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào.
- Vận động, luyện tập hàng ngày, từ những động tác rất đơn giản như vươn vai thể dục giúp giãn cơ, đến các bài tập vận động tăng cường oxy như tập aerobic, đi hoặc chạy bộ, bơi…Tập luyện thể dục không chỉ làm giảm huyết áp ít nhất 5 – 7 mmHg mà còn giảm 20 – 25% nguy cơ tử vong.
Tắm hơi và một số loại thảo dược có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị cao huyết áp
Một nghiên cứu mới cho biết, tắm hơi thường xuyên hoặc sử dụng một số loại thảo dược khác có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị huyết áp cao.