Tết cũ

Nhớ, cuối những năm ấy phải nghĩ cách để có một cái Tết tương đối tươm tất trong khuôn khổ những gì có được.

Thường cứ tháng 12 - Tháng cuối cùng trong năm, tôi hay nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ quay quắt, có lúc muốn ứa nước mắt, có lúc lại tự bật cười. Kỷ niệm nào, đến lúc nào, cách nào… rất khó lường trước.

Vào những tháng ngày này, khi cả nước đối mặt với hệ quả của khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh toàn cầu, là ký ức một thời khó khăn bởi nhịp sống bao cấp, bởi chiến tranh… nhưng hạnh phúc vì những ngày thơ bé, những ngây ngô của con gái mới lớn được cha mẹ dắt tay chỉ việc, cùng cha mẹ vượt qua bao khốn khó…

Nhớ, cuối những năm ấy, trong tiêu chuẩn lương thực của gia đình đôi khi không chỉ có gạo, còn có khoai tây và bột mì nữa, phải nghĩ cách để có một cái Tết tương đối tươm tất trong khuôn khổ những gì có được. Ngoài chuyện ngay từ tháng 12 dương lịch phải lo tích cóp phiếu mua thịt (cả nhà mỗi tháng vốn chỉ có khoảng một cân thịt lợn) để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, thứ không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên, ngay cả với những gia đình nghèo khó nhất. Trong tiêu chuẩn dành cho Tết của mỗi gia đình cũng có ít phiếu mua đậu xanh, cân đường…

Hết tháng 12 dương lịch, “chiến dịch” Tết bắt đầu.

Tết cũ

Đầu tiên, mẹ sai tôi mang 2/3 trong số bột mì có được, vài quả trứng gà (do gà nhà đẻ) và cân đường… ra tổ phục vụ ở cuối khu tập thể. Ở đó các bác phục vụ có lò nướng bánh quy gai. Còn phải chuẩn bị sẵn cái thùng lương khô vẫn cất từ mùa trước, lau thật khô đi, xếp xuống đáy thùng vài cục vôi khô, rồi phủ mấy lượt giấy báo lên.

Thường thì ngày hôm sau lấy được bánh về. Xếp vào thùng, phủ tiếp lượt giấy báo cho kín, rồi đóng nắp thật chặt. Dù rất thèm bánh kẹo, nhưng đừng hòng đứa nào ăn vụng được nhé, vì cái nắp thùng lương khô chặt khít đến mức khi có lệnh được mở ra, phải dùng cái sống dao cậy lên mới mở được. Thế là xong một món đãi khách. Mà nhà tôi thì ngày Tết đông khách đến chơi lắm.

Nhà ngoại tôi ở ngay trong phố cổ, một đại gia đình có 12 người con, cộng ngần ấy dâu rể nữa, không kể cháu chắt. Bà ngoại lại ở với cô con gái nghèo khó nhất là mẹ tôi, nên cô dì chú bác, anh chị… đến chúc Tết là lễ nghĩa tự nhiên. Phải có chút gì bày ra bàn cùng ấm trà lớn chứ.

Sau bánh quy gai, với số bột mì còn lại, mẹ tôi xắn tay làm món bánh Cravat, tức là ủ bột cho nở bằng chút đường và lòng trắng trứng gà, luyện bột thật nhuyễn, đậy kín để qua đêm thì cho thêm bột khô, lại nhào đến khi thành một khối dẻo và mịn thì chia khối, và cán mỏng bằng cái vỏ chai rượu Lúa Mới đã cất giữ từ Tết năm trước.

Tết cũ

Bột cán trên mặt tấm gỗ phẳng phiu, mỏng đến có thể nhìn thấu qua bên kia, rồi cắt và tạo hình. Cái chảo mỡ nóng sôi – đôi khi là thứ mỡ hóa học trắng đục hơi hôi hôi mà mẹ tôi khử mùi bằng chút gừng - đã để sẵn, cứ thế thả những miếng bột vào chờ cho nổi lên vàng đều thì nhanh tay vớt ra.

Khi đã không còn miếng bột nào trên mâm thì bỏ hết mỡ trong chảo, cho ít đường kính vào đảo cho chảy ra sền sệt rồi đổ hết bánh vào lắc đều cho đường phủ một lớp mỏng vào bánh, và bắc chảo ra khi mà lớp đường chưa kịp vàng đi... Bánh vớt ra rổ cho nguội đi, rồi xếp khéo vào thùng - lại một cái thùng lương khô được chuẩn bị sẵn y hệt cái thùng đựng bánh quy gai - để những chiếc bánh mỏng giòn tan không bị vỡ.

Tôi khoái món bánh này, không chỉ vì nó rất giòn và ngọt, mà vì những hình thù ngộ nghĩnh mà mẹ cho phép tôi “sáng tác” trên những mảnh bột đã cán mỏng. Những hình thù khá tùy hứng này sẽ là bất ngờ cho các anh chị em của thế hệ con cháu trong đại gia đình, mà ngày Tết nhờ tiếng reo của mấy đứa trẻ mỗi khi tìm được một miếng bánh có hình thù khác ngoài cái hình cơ bản là mô phỏng Cravat, lại hình như vui hơn. Và trong quá trình làm, nếu có các vụn bánh, mà đương nhiên sẽ có vụn bánh, tôi là đứa phụ việc sẽ được ăn thỏa thích.

Tết cũ

Nhưng Tết không chỉ có các món bánh làm từ bột mì. Còn có mứt nữa. Bằng cách nào đó, mẹ tôi kiếm được vài cân cà chua xinh xinh. Mẹ dạy tôi ngâm cà chua vào nước vôi trong 1 đêm, sau đó khía quả cà chua nặn hết hột và nước bên trong mà không làm nó vỡ ra. Công đoạn thứ ba là chần cà chua với nước sôi có bỏ chút phèn chỉ bằng hạt đậu đen, sôi lên là vớt ngay ra để ráo nước. Lại mất một đêm nữa ngâm ướp cà chua với đường. Phải nói việc làm mứt Tết là nỗi ám ảnh của mẹ tôi từ khoảng tháng 10 cơ. Phải tích các phiếu đường để gần Tết có được vài ba cân cho những việc này.

Thế, cà chua ngấm đường sau một đêm, xếp khéo vào nồi rộng đáy mà đun chầm chậm, lại phải vần cái nồi cho từng góc đều tiếp xúc với lửa mà đáy nồi không bị quá nóng khiến đường bị cháy. Đun cạn nước lại cho thêm cái nước do chính cà chua tiết ra từ đêm trước, cứ thế cho đến khi quả cà chua dẻo quánh, khô ron, trong suốt… là thành mứt rồi. Mứt được xếp vào hộp hoặc lọ thủy tinh, nhìn ngon và đẹp.

Xong ngần ấy việc là mẹ thở phào nhẹ nhõm. Còn làm mứt khoai tây thì nhẹ nhàng hơn nhiều. Việc ấy thường bà ngoại tôi làm, vì chẳng ai thái các lát khoai mỏng được như ý bà muốn được. Lại ngâm chút vôi, trần các lát khoai với nước phèn chua khiến miếng khoai dẻo lại, và rim với đường.

Tết cũ

Thế là coi như xong việc chuẩn bị Tết. Bánh chưng đã có bố đảm nhiệm, tôi chỉ cần ngâm đỗ, đãi đỗ… còn việc rửa lá có chị gái lo rồi. Lúc bố ngồi gói bánh thì mấy đứa con quây xung quanh, học gói những chiếc “bánh cóc” xinh xinh, để rồi khi vớt bánh thì chỉ nhăm nhăm quan tâm đến mấy cái bánh bé xíu của mình.

Ngày Tết, khách đến chơi thì mẹ bày những thứ tự biên tự diễn ấy ra. Ai ăn cũng khen khéo quá, ngon quá… bà và mẹ chỉ cười. Sau này tôi mới biết phụ nữ Hà Nội thủa ấy ai cũng chuẩn bị cái Tết na ná giống nhau. Chả có đâu mà so sánh. Nhưng cứ đến nhà nhau là khen, vui lòng gia chủ là chính. Khen thật lòng. Ngày ấy người ta không chê bai nhau, nhất là ngày Tết.

Bây giờ cái gì cũng có, chỉ cần có tiền là sơn hào hải vị không thiếu. Nhưng sao vẫn nhớ quay quắt cái Tết hối hả và tằn tiện ngày xưa. Xem ra không phải cái gì cũ cũng nên bỏ qua. Việc tự tay làm bánh, mứt khiến các thành viên gia đình được bận rộn cùng nhau, thích thú cùng nhau… và ký ức làm dày lên lịch sử gia đình.

Trịnh Thanh Nhã

Tàu lá chuối và những Tết xa quê

Tàu lá chuối và những Tết xa quê

Mỗi khi Tết gần kề, tôi vẫn hay tìm mua lá chuối để trong bếp để thấy lại cái mùi Tết những năm xa quê...

Đọc nhiều nhất