Tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ bị che mờ bởi những lo ngại về cơ sở hạ tầng

Ấn Độ đang tăng tốc nỗ lực để trở thành cường quốc về sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu với ba nhà máy được khởi công trong năm nay, mặc dù thành công của nước này phụ thuộc vào việc liệu nước này có thể xóa tan những lo ngại về cơ sở hạ tầng còn tồn tại.

Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc và toàn ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế, Ấn Độ có thể trở thành nguồn cung cấp nhân lực AI, cơ sở đúc chip, cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ những công ty như Nvidia.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thông qua cải cách thuế và trợ cấp. Chính phủ vào cuối tháng 2 đã phê duyệt việc xây dựng ba cơ sở bán dẫn.

Hai trong số đó – một trung tâm chế tạo thuộc sở hữu của Tata Electronics và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Powerchip (PSMC) của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thiết lập. Tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD, với công suất nhà máy dự kiến đạt 50.000 tấm silicon bán dẫn (wafers) mỗi tháng.

Nhà máy thứ hai là nhà máy mới thuộc liên doanh gồm CG Power của Ấn Độ hợp tác với tập đoàn Renesas Electronics của Nhật Bản và Star Microelectronics của Thái Lan được đặt tại Gujarat, bang quê hương của ông Modi.

Tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ bị che mờ bởi những lo ngại về cơ sở hạ tầng- Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại lễ đặt nền móng chung cho ba nhà máy bán dẫn vào ngày 13 tháng 3. Ảnh: Nikkei

Tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, công suất dự kiến 15 triệu chip/ngày. Đáng chú ý, cơ sở này sẽ tham gia cùng với ATMP cung cấp nguồn linh kiện đầu vào cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, sản xuất, ứng dụng năng lượng…

Nhà máy thứ ba là ATMP, do hai công ty công nghệ nội địa là Tata Semiconductor Asembly và Test Pvt Ltd đầu tư, với khoản kinh phí 3,26 tỷ USD. Cơ sở này sẽ tham gia vào việc đóng gói và thử nghiệm chip bản địa. Sản lượng dự kiến là 48 triệu chip/ngày dùng trong các sản phẩm ôtô, điện tử tiêu dùng, viễn thông và điện thoại di động.

Natarajan Chandrasekaran, chủ tịch công ty mẹ Tata Sons của Tập đoàn Tata, cho biết tại lễ đặt nền móng cho ba nhà máy trong tháng này: "Những trung tâm sản xuất chất bán dẫn này sẽ có tác động lâu dài đến toàn bộ quốc gia".

"Ngày không xa khi Ấn Độ sẽ nổi lên như một cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực này", ông Modi nói tại buổi lễ.

Tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ bị che mờ bởi những lo ngại về cơ sở hạ tầng- Ảnh 2.

Ông Modi đã nỗ lực thu hút đầu tư về bang Gujarat, quê nhà của ông kể từ trước khi ông nhậm chức. Ảnh: Nikkei

Với việc Trung Quốc phải đối mặt với căng thẳng kéo dài với Mỹ, Ấn Độ đã nổi lên như một trung tâm sản xuất thay thế cho hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Trong một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản được thực hiện vào năm ngoái, các nhà sản xuất Nhật Bản coi Ấn Độ là quốc gia hứa hẹn nhất trong trung hạn trong năm thứ hai liên tiếp, trong khi Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ ba. Tỷ lệ người được hỏi bày tỏ quan ngại về cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã giảm dần trong những năm qua.

Tuy nhiên, liệu sản xuất chất bán dẫn ở Ấn Độ "có thể vượt qua những thách thức về điện, nước và nhân lực hay không vẫn chưa rõ ràng", ông Shotaro Kumagai tại Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Theo ông Kumagai, ngay cả những khu vực có cơ sở hạ tầng tốt hơn như Gujarat vẫn bị mất điện tạm thời. Ông nói: Năng suất sản xuất thấp "có nghĩa là các trung tâm sản xuất cuối cùng có thể tạo ra ít lợi nhuận".

Nhiều công ty vẫn thận trọng khi đầu tư vào Ấn Độ. Lĩnh vực sản xuất chiếm chưa đến 20% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, dưới mục tiêu 25% mà chính phủ của ông Modi đặt ra.

LAN ANH